Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ, bà mẹ thuộc đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” như nêu trên, nhưng phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực (kể cả được hưởng án treo) thì không được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đồng thời, trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2013 và bãi bỏ Nghị định số 176-CP ngày 20/10/1994.
2. Công đoàn có trách nhiệm bảo vệ toàn diện quyền và lợi ích người lao động.
Nghị định số 43/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/05/2013 quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Theo nội dung của Nghị định, bên cạnh các quyền và trách nhiệm cơ bản của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền và nghĩa vụ chính đáng, hợp pháp của người lao động như: hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động; đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; xây dựng và giám sát việc thực hiện thang bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng và nội quy lao động...; công đoàn còn có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và công đoàn cấp trên xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích của tập thể lao động hoặc người lao động bị xâm phạm; đồng thời tiến hành thương lượng với người sử dụng lao động và thực hiện giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định 43/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công. Cụ thể, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có trách nhiệm lấy ý kiến của tập thể lao động để ra quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công hoặc rút quyết định đình công nếu chưa tiến hành đình công... Công đoàn cơ sở cũng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013; bãi bỏ Nghị định số 133/HĐBT ngày 20/04/1991 và Nghị định số 302/HĐBT ngày 19/08/1992.
3. Người lao động không làm việc quá 12 giờ/ngày
Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, ngày 10/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Nghị định quy định: số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày. Vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần, thời gian làm thêm giờ cũng không được quá 12 giờ/ngày.
Đối với việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 01 năm được áp dụng đối các trường hợp: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước; các trường hợp khác giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn.
Nghị định cũng chỉ rõ, sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì người sử dụng lao động phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động với mức cụ thể như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013; các quy định trái với Nghị định này bị bãi bỏ.
4. Doanh nghiệp không được tăng quỹ lương quá 80% so với năm trước.
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 14/05/2013 về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc tại các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Theo nội dung Nghị định, Chính phủ quy định các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu căn cứ kế hoạch sản xuất, kinh doanh và dự kiến các mức độ thực hiện các chỉ tiêu gắn với tiền lương để quyết định quỹ tiền lương kế hoạch và tạm ứng tiền lương nhưng không được quá 80% quỹ tiền lương thực hiện của năm trước liền kề để trả cho người lao động.
Trong đó, mức tiền lương bình quân thực hiện để tính quỹ lương (trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề; năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm so với năm trước liền kề) được xác định theo nguyên tắc: Năng suất lao động và lợi nhuận trong năm tăng thì mức lương thực hiện cũng tăng nhưng năng suất lao động tăng 1% thì tiền lương không được tăng quá 0,8% và phải bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động; năng suất lao động và lợi nhuận trong năm giảm thì mức tiền lương thực hiện cũng giảm.Trường hợp không có lợi nhuận hoặc lỗ thì mức tiền lương thực hiện tính bằng mức lương bình quân của hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định công ty được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau nhưng không được vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện; riêng với công ty sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ thì quỹ dự phòng không vượt quá 20% quỹ lương thực hiện.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2013 nhưng được áp dụng kể từ ngày 01/05/2013.
5. Lương lao động có tay nghề phải hơn lương tối thiểu vùng ít nhất 7%
Đây là một trong những nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương được nêu tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Theo đó, bên cạnh việc quy định mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, Nghị định này còn chỉ rõ, mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Đồng thời, người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức lương phải cao hơn ít nhất 5%; trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện bình thường.
Ngoài ra, cũng tại Nghị định này, Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng thử định mức lao động trước khi ban hành chính thức; phải tiến hành điều chỉnh định mức lao động trong trường hợp mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013 và thay thế Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002. Các quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01/05/2013.
6. Từ 1/7, lương cơ bản tăng lên 1.150.000 đồng/tháng
Theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ bản đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2013, mức lương cơ bản là 1.150.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ bản dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định.
Đồng thời, mức lương cơ sở cũng được dùng làm căn cứ tính mức hoạt động phí theo quy định, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
7. Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, từ 1/7/2013, cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế là 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế (108 triệu đồng/năm).
Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định thì thực hiện theo mức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
8. Trách nhiệm đóng bảo hiểm khi người lao động ký nhiều hợp đồng lao động
Ngày 10/05/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động với nhiều nội dung đáng chú ý.
Nghị định này quy định chi tiết về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động. Cụ thể, trong trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà hai bên thuộc đối tượng tham bảo biểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế. Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Ngoài ra, tại Nghị định này, Chính phủ cũng quy định rõ, trong trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu từng phần do quy định tiền lương thấp hơn so với mức quy định của pháp luật, nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể đang được áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại. Đồng thời, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận với tiền lương trong hợp đồng lao động vô hiệu theo thời gian thực tế làm việc của người lao động.
Trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ do công việc được thỏa thuận trong hợp đồng là công việc bị pháp luật cấm thì hai bên phải giao kết hợp đồng mới. Nếu không giao kết hợp đồng mới thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền, ít nhất cứ mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013; thay thế Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003.
Ngọc Châu
|