TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC, XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CBCNV
Xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân
11:29' - 19/08/2013 (GMT+7)

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gắn Huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam lên lá cờ truyền thống của Ngành
Ngày 15/8/2013, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam. Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam được truyền hình trực tuyến tại hai đầu cầu TP. Hồ Chí Minh và điểm cầu 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Tới dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam, về phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước có bà Nguyễn Thị Doan, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Phan Văn Khải, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

 Chúc mừng sự kiện quan trọng này, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và ông Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

 Tham dự buổi lễ còn có ông Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Hoàng Quân, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố và Quân khu 7;

Tham dự buổi lễ còn có các vị lãnh đạo ngành Bưu điện, Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT qua các thời kỳ; cùng hàng trăm đại biểu nguyên là cán bộ, chiến sĩ ban Giao bưu vận, Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 Những mốc thời gian không thể nào quên

Trong hai bài phát biểu tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam, đại diện của hai đơn vị đã giúp các đại biểu tham dự được quay trở lại dòng thời gian lịch sử hào hùng của dân tộc, năm 1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước bị chia cắt hai miền, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH, miền Nam sống dưới ách kìm kẹp của chế độ Mỹ - Ngụy. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng”, lực lượng giao bưu, thông tin tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục vụ sự lãnh đạo của Đảng trên cả 2 chiến trường Nam-Bắc. Tại chiến trường miền Nam, giai đoạn từ năm 1954-1961 là thời kỳ ngành Giao bưu, Thông tin tổ chức đường dây thông tin liên lạc bí mật phục vụ Xứ ủy Nam Bộ.

Trước yêu cầu mới của cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Sau khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các Ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có Ban Thông tin (năm 1961) và Ban Giao bưu vận (ngày 2/6/1962), đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của hai ngành Giao bưu và Thông tin.

Nhiệm vụ của Ban Giao bưu vận là xây dựng, quản lý hệ thống hành lang; tổ chức đưa đón, bảo vệ cán bộ; tiếp nhận, phát hành và vận chuyển hàng Bưu chính; xây dựng các bến bãi, kho hàng để tiếp nhận và vận chuyển hàng quân sự và các hàng chiến lược khác từ hậu phương lớn miền Bắc vào Nam theo đường bộ và đường biển... Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam gồm các bộ phận Đài Thông tin Vô tuyến điện, Xưởng kỹ thuật và Trường Thông tin liên lạc Vô tuyến điện Lý Tự Trọng, có nhiệm vụ tổ chức cụm đài, mạng lưới thông tin liên lạc toàn miền Nam, phục vụ thông suốt việc chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam đến các chiến trường và giữ liên lạc thường xuyên với Trung ương ở miền Bắc.

Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và vô cùng ác liệt, lực lượng chiến sỹ giao bưu, thông tin đã không quản hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu để giữ vững đường dây thông tin liên lạc luôn thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường. Những chiến công của các chiến sĩ giao bưu, thông tin tuy thầm lặng nhưng rất đỗi anh hùng, từ việc xây dựng, bảo vệ các đường dây đưa người, vũ khí, hàng hoá từ Bắc vào Nam đến việc chuyển công văn, tài liệu, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Cục; tổ chức các phiên liên lạc của Trung ương Cục, mã dịch điện mật của đối phương… Dù bị địch càn quét, bắt bớ ráo riết, phải di chuyển qua hàng chục địa điểm nhưng trong suốt hơn 20 năm kháng chiến, những con đường giao liên, những cánh sóng thông tin vẫn lan tỏa khắp chiến trường miền Nam, tạo nên hệ thống thông tin huyết mạch quan trọng của sự nghiệp Cách mạng giải phóng miền Nam.

Không chỉ gan dạ, kiên cường trong chiến đấu, những chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam còn mưu trí, sáng tạo trong công việc để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Cách mạng giao phó, như: viết tài liệu “tàng hình” bằng bạch chỉ; vận dụng hàng trăm cách ngụy trang để vận chuyển tài liệu, che dấu thiết bị điện đài; trong điều kiện thiếu thốn vẫn tự chế, lắp ráp được các thiết bị thu phát vô tuyến điện; tạo ra các cụm đài thật, tín hiệu giả (đài B6) để đánh lạc hướng đối phương…

Với tinh thần kiên trung, trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục đã làm nên những chiến công vẻ vang, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ban Giao bưu vận đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa phục vụ chiến trường; đưa đón hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ an toàn. Ban Thông tin liên lạc đã thiết lập được mạng lưới thông tin luôn thông suốt từ Trung ương đến các Khu, Tỉnh với hàng trăm đài các loại; lưu thoát được hàng chục nghìn bức điện; phục vụ hàng nghìn phiên liên lạc cho Trung ương Cục. Trường thông tin liên lạc vô tuyến điện Lý Tự Trọng thuộc Ban Thông tin đã đào tạo ra trên 500 học viên báo vụ, kỹ thuật điện đài vô tuyến điện cho các chiến trường và trên 20 học viên kỹ thuật, báo vụ cho Campuchia; tập huấn nghiệp vụ cho hơn 100 báo vụ miền Bắc chi viện miền Nam, góp phần tăng cường, phát triển, hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện khu vực Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Để làm nên những chiến công ấy, đã có 5.000 cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục niền Nam anh dũng hy sinh, hàng nghìn người mang thương tật suốt đời.

Năm 1975, sau ngày đất nước được thống nhất, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các lực lượng cán bộ công nhân viên chức Ban Giao bưu vận, Ban Thông tin miền Nam và cán bộ viên chức của Tổng cục Bưu điện Trung ương vào chi viện. Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.

Ghi nhận những chiến công, hy sinh xương máu đầy hiển hách

Với những đóng góp to lớn của lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam, ngày 25/4/2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định 804/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, theo Bộ trưởng, các điện thoại viên, điện báo viên, công nhân đường dây, nhân viên bưu tá, các chiến sỹ giao liên, thông tin, liên lạc… đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Những chiến công lẫy lừng trong chiến đấu, những kỳ tích trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, cùng những hy sinh vô bờ bến của lực lượng Giao bưu và Thông tin liên lạc qua các thời kỳ đã viết nên những trang sử chói lọi của Bưu điện Việt Nam anh hùng.

Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước lực lượng Giao bưu và Thông tin liên lạc được thành lập với hệ thống giao liên và điện đài vô tuyến rộng khắp từ Trung ương Cục tới các khu, các vùng và xuyên vào vùng địch tạm chiếm. Đường giao liên vượt Trường Sơn được mở, các cụm đài được tổ chức hình thành đường dây thông tin liên lạc thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường. Đây là hệ thống mạch máu quan trọng của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thông nhất nước nhà. Hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, thuốc men, hàng hóa, trong đó có cả vàng và ngoại tệ được tiếp nhận và vận chuyển an toàn đến toàn bộ chiến trường miền Nam. Hàng triệu lượt cán bộ, bộ đội, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp và khách quốc tế đã được đưa đón, tập kết an toàn đúng thời gian quy định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, chúng ta có thể tự hào báo cáo với Đảng và Nhà nước, với nhân dân cả nước rằng, ngành Bưu điện đã không tiếc xương máu để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, hoàn thành nhiệm vụ phục vụ công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, gần một vạn cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và để lại cho các thế hệ cán bộ công nhân viên Bưu chính, Viễn thông ngày nay biết bao niềm cảm phục và tự hào.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, những chiến công vẻ vang của Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đã góp phần hun đúc nên truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của ngành Bưu điện. Tiếp nối truyền thống đó, bước vào thời kỳ Đổi mới, ngành Bưu điện và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã làm nên kỳ tích tăng tốc phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hoá và đa dịch vụ, xây dựng nên mạng lưới Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm thế giới, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, danh hiệu được Nhà nước trao tặng hôm nay nhắc nhở chúng ta tiếp tục giữ gìn, phát huy hơn nữa để ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng lớn mạnh và phát triển, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT.


Theo VnMedia