QUYẾT ĐỊNH SỐ: 530/QĐ-TLĐ NGÀY 20 THÁNG 3 NĂM 2006 TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM V/v ban hành quy định về Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan; - Căn cứ Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam; - Xét đề nghị của Uỷ ban kiểm tra Tổng Liên đoàn;
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:Ban hành kèm theo quyết định này Quy định “về việc Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Điều 2:Quyết định này thay thế Quyết định số 736/QĐ-TLĐ, ngày 5 tháng 6 năm 2000 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Điều 3: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH Đã ký: Cù Thị Hậu
QUY ĐỊNH Về việc Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo (Ban hành kèm theo Quyết định số: 530 /QĐ-TLĐ ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn)
CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều 1: Mục đích giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.1- Góp phần thực hiện Điều lệ Công đoàn VN, các chức năng của Công đoàn và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. 2- Thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn VN; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công nhân viên chức lao động. 3- Góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Điều 2: Quyền hạn và trách nhiệm của Công đoàn trong việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.1- Công đoàn có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của cán bộ, đoàn viên và người lao động về quyết định quản lý hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống Công đoàn. 2- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Công đoàn tham gia giải quyết khiếu nại của đoàn viên và người lao động về quyết định hành chính, hành vi hành chính, các hành vi khác có liên quan đến quyền và lợi ích người lao động, quyết định kỷ luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 3- Công đoàn giải quyết những tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền Công đoàn và tham gia giải quyết tố cáo với các cơ quan chức năng của Nhà nước theo quy định của pháp luật. 4- Công đoàn thực hiện quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định Hiến pháp, Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Điều 3: Cơ quan có thẩm quyền giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn các cấp.1 - Ban Chấp hành Công đoàn; 2- Đoàn Chủ tịch TLĐ, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp; 3- Chủ tịch Công đoàn cơ sở (nơi không có Ban Thường vụ ); 4- Uỷ ban Kiểm tra, hoặc người phụ trách công tác kiểm tra (nơi không có Uỷ ban Kiểm tra), theo sự uỷ quyền của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; 5- Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, SXKD trong hệ thống Công đoàn. Điều 4: Nguyên tắc và phương pháp giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.1- Công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tuân thủ nguyên tắc đúng pháp luật, đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam và đảm bảo kịp thời, khách quan. 2- Phương pháp giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn là tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức đối thoại, hoà giải và phối hợp.
CHƯƠNG II NỘI DUNG, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THUỘC THẨM QUYỀN CÔNG ĐOÀN
Điều 5: Nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn.
1- Khiếu nại có liên quan đến việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ; 2- Khiếu nại liên quan đến việc ban hành, tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định khác thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn; 3- Khiếu nại quyết định quản lý hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, đoàn viên Công đoàn của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống Công đoàn. 4- Khiếu nại có nội dung liên quan đến các quy định liên tịch, liên ngành, liên doanh, liên kết, trong đó Công đoàn là một trong những chủ thể tham gia thì Công đoàn phối hợp với các chủ thể có liên quan giải quyết. Điều 6: Nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Công đoàn.1- Tố cáo đối với cán bộ, đoàn viên Công đoàn hoặc tổ chức Công đoàn có hành vi vi phạm Điều lệ Công đoàn, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định khác của Công đoàn gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của tổ chức Công đoàn, của cán bộ, đoàn viên Công đoàn. 2- Tố cáo đối với cán bộ, đoàn viên hoặc tổ chức Công đoàn có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Điều 7: Trình tự giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền Công đoàn.1- Tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo. 2- Nghiên cứu nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo, lập thành hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo. 3- Tìm hiểu, xác minh, thu thập thông tin chứng cứ, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo; người bị khiếu nại, tố cáo. 4- Ra quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận về việc xác minh tố cáo, quyết định xử lý tố cáo 5- Kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định xử lý tố cáo. Điều 8: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.1- Đối với khiếu nại: 1.1- Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, đoàn viên Công đoàn thuộc quyền quản lý của Công đoàn cấp nào thì Công đoàn cấp đó giải quyết. 1.2- Người đứng đầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp của Công đoàn có trách nhiệm giải quyết những khiếu nại về những quyết định quản lý hành chính, hành vi quản lý hành chính của mình theo những quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, pháp lệnh cán bộ công chức và Bộ luật lao động. 1.3- Khiếu nại đã được giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại thì Công đoàn cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai. 2- Đối với tố cáo: 2.1- Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật, Điều lệ Công đoàn, Nghị quyết, Chỉ thị, các quy định của Công đoàn hoặc các vi phạm khác có nội dung thuộc quyền quản lý của Công đoàn cấp nào thì Công đoàn cấp đó giải quyết. 2.2- Tố cáo đối với cán bộ, đoàn viên Công đoàn thuộc quyền quản lý của Công đoàn cấp nào thì Công đoàn cấp đó có trách nhiệm giải quyết. 2.3- Tố cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nào thì cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. 3. Những trường hợp không thụ lý để giải quyết: - Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; - Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; - Người đại diện không hợp pháp; - Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết; - Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; - Việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của toà án. Điều 9: Thời hạn, thời hiệu:Thời hạn, thời hiệu khiếu nại và giải quyết khiếu nại được áp dụng theo các quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
CHƯƠNG III NỘI DUNG, THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO.
Điều 10: Nội dung khiếu nại Công đoàn tham gia giải quyết.1- Khiếu nại có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động. 2- Khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. 3- Khiếu nại, tố cáo về lao động và tranh chấp lao động thực hiện theo Nghị định Số: 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/ 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về khiếu lại, tố cáo về lao động và quy định của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động. 4- Khiếu nại liên quan đến việc thực hiện Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn. Điều 11: Nội dung tố cáo Công đoàn tham gia giải quyết.1- Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và các đơn vị, tổ chức khác có xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động. 2- Tố cáo đối với hành vi vi phạm Luật Công đoàn, Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều 12: Trình tự tham gia giải quyết một vụ việc khiếu nại, tố cáo:1- Tiếp nhận, xem xét, phân loại đơn thư. 2- Nghiên cứu, tìm hiểu vụ việc, tìm các căn cứ pháp lý để tham gia với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo. 3- Có ý kiến tham gia với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bằng nội dung và hình thức phù hợp. 4- Theo dõi, giám sát quá trình giải quyết, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì kiến nghị tiếp với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Điều 13: Thẩm quyền tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.1- Khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức cùng cấp với Công đoàn cấp nào thì Công đoàn cấp đó tham gia giải quyết. 2- Khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết mà Công đoàn cùng cấp không đồng ý thì kiến nghị với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và báo cáo với Công đoàn cấp trên trực tiếp. 3- Khiếu nại, tố cáo không thuộc quyền tham gia giải quyết của Công đoàn thì Công đoàn hướng dẫn cho người khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đơn đến người có thẩm quyền giải quyết.
CHƯƠNG IV QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TIẾP ĐOÀN VIÊN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 14: Trách nhiệm của Công đoàn các cấp.1- Tổ chức việc tiếp đoàn viên và người lao động đến kiến nghị, phản ánh khiếu nại, tố cáo. 2- Cử cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và ý thức trách nhiệm thực hiện công tác tiếp đoàn viên và người lao động. 3- Nơi tiếp đoàn viên và người lao động phải có nội quy và lịch tiếp công khai. Điều 15: Trách nhiệm của Chủ tịch Công đoàn các cấp.1- Chủ tịch Công đoàn mỗi cấp ngoài việc tiếp đoàn viên và người lao động khi có yêu cầu, cần bố trí thời gian tiếp định kỳ theo lịch công khai theo quy định sau: 1.1- Chủ tịch Công đoàn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, Thành phố, Công đoàn ngành TW mỗi tháng tiếp hai ngày. 1.2- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN tiếp mỗi tháng một ngày. 2- Nếu do điều kiện công tác không trực tiếp thực hiện được quy định trên thì cử cấp phó của mình tiếp đoàn viên và người lao động.
CHƯƠNG V NHIỆM VỤ CỦA UỶ BAN KIỂM TRA VÀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CỦA CÔNG ĐOÀN ĐỐI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT VÀ THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 16: Nhiệm vụ của Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn các cấp.1- Tổ chức việc tiếp đoàn viên và người lao động đến khiếu nại, tố cáo và quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. 2- Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Điều lệ Công đoàn VN và tại các điều 7, 12 của Quy định này. Điều 17: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền của Công đoàn (theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 3 Quy định này).1- Tổ chức chỉ đạo thực hiện việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. 2- Chỉ đạo các ban, đơn vị, hoặc Công đoàn cấp có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn cùng cấp giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. 3- Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định xử lý tố cáo trên cơ sở đề xuất của các đoàn kiểm tra cùng cấp, Uỷ ban Kiểm tra đồng cấp. 4- Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo Công đoàn tham gia giải quyết thì tổ chức các hình thức tham gia, ký các văn bản tham gia với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
CHƯƠNG VI. QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VÀ THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 18: Quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp Công đoàn.1- Tổ chức bồi dưỡng cán bộ Công đoàn làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. 2- Tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và của Công đoàn về khiếu nại, tố cáo. 3- Ban hành các văn bản theo thẩm quyền của Công đoàn về giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. 4- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. 5- Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. 6- Sơ kết, tổng kết công tác giải quyết, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều 19: Trách nhiệm của các cấp Công đoàn trong việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo:1- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn. Uỷ ban kiểm tra Tổng Liên đoàn giúp Tổng Liên đoàn thực hiện việc quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn. 2- Công đoàn các cấp thực hiện việc quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phân cấp quản lý của tổ chức Công đoàn; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công đoàn cấp dưới thực hiện việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của Công đoàn và Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn cấp trên. Uỷ ban Kiểm tra giúp BCH, Ban Thường vụ Công đoàn mỗi cấp thực hiện việc quản lý công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phân cấp quản lý tổ chức của Công đoàn. 3- Công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn cấp dưới; xử lý đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn và các quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VII TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20: Công đoàn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.Điều 21: Khen thưởng và xử phạt.1- Cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo được Công đoàn cấp có thẩm quyền khen thưởng theo chế độ khen thưởng của tổ chức Công đoàn hoặc được đề nghị Nhà nước khen thưởng theo quy định hiện hành. 2- Cán bộ, đoàn viên Công đoàn vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo hoặc vi phạm trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo tuỳ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định về kỷ luật của Điều lệ Công đoàn Việt Nam hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH Chủ tịch Đã ký: Cù Thị Hậu
|
|