CÔNG VĂN SỐ: 1245/TLĐ
NGÀY 01 THÁNG 8 NĂM 2006
CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
ĐẠI HỘI X ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam là đại hội đoàn kết, trí tuệ đổi mới và phát triển bền vững, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo thành phong trào hành động cách mạng trong CNVCLĐ, Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng với những mục tiêu, nội dung và giải pháp chính sau đây:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam vào thực tiễn phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Việt Nam góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh.

2. Tổ chức tốt phong trào hành động cách mạng trong CNVCLĐ nhằm thực hiện thắng lợi Nghi quyết Đại hội X của Đảng góp phần phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động.

II. NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

Chương trình 1: Quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam.


1. Nội dung

- Tổ chức tuyên truyền thành công Đại hội Đảng và tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản Nghị quyết Đại hội X của Đảng đến đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ. Đặc biệt là cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên công đoàn.

- Góp phần xây dựng giai cấp công nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cao, có tác phong công nghiệp, xứng đáng là giai cấp tiên phong cách mạng, lực lượng đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

2. Giải pháp.

- Tổ chức nghiên cứu văn kiện Đại hội X và triển khai chương trình hành động của Công đoàn Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong Ban chấp hành Tổng Liên đoàn và cán bộ chủ chốt các LĐLĐ tỉnh, thành phố Công đoàn ngành Trung ương, đội ngũ báo cáo viên Công đoàn. Các cấp công đoàn tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết phù hợp với địa phương, ngành và cơ sở.

- Sử dụng có hiệu quả các hình thức tuyên truyền.

- Bám sát thực tiễn, gần gũi người lao động, nắm chắc tình hình tư tưởng, nhu cầu nguyện vọng của CNVCLĐ. Đồng thời dự báo được tình hình tư tưởng, đề xuất những biện cụ thể với Đảng, Nhà nước để giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp, những vướng mắc, những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, nhất là các cuộc tranh chấp lao động để hạn chế tới mức thấp nhất các cuộc đình công, khi còn khả năng thương lượng, hoà giải.

Chương trình 2: Tổ chức phong trào hành động cách mạng trong CNVCLĐ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội do Đại hội X đề ra

1. Nội dung

- Tổ chức tốt các phong trào thi đua do Đại hội IX Công đoàn Việt Nam phát động gắn với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội X của Đảng đề ra mà trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, tiết kiệm, năng suất, chất lượng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá góp phần phát triển sản xuất giải quyết việc làm, cải thiện điêu kiện làm việc nâng cao đời sống cho CNVCLĐ, góp phần đưa nước ta hội nhập kinh tế quốc tế thành công và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào học tập nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp cho CNLĐ, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ.

2. Giải pháp

Tổng Liên đoàn tiếp tục chỉ đạo phong trào thi đua trong CNVCLĐ, trọng tâm là các công trình trọng điểm của đất nước, có hình thức để động viên cổ vũ phong trào thi đua ở cấp toàn quốc. Các ngành, địa phương và cơ sở tuỳ theo đặc điểm và điều kiện của mình đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu và biện pháp cho phù hợp gắn việc thực hiện các mục tiêu kinh tế với các chỉ tiêu và đời sống để tạo ra động lực và sự bền vững của phong trào thi đua.

Tổ chức phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua để động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích. Thực hiện tốt Luật thi đua khen thưởng và Quy chế về khen thưởng của tổng Liên đoàn. Nghiên cứu đề xuất với Nhà nước có hình thức tôn vinh những công nhân tiêu biểu.

Vận động CNVCLĐ tích cực nghiên cứu phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiên, hiện đại vào thực tiến sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chương trình 3: Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh. Tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh.

l. Nội dung

- Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chính trị, kiến thức pháp luật cho CNLĐ, nhất là CNLĐ trẻ góp phần nâng cao giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị cho CNVLĐ.

- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch và các nghị quyết của BCH Tổng Liên đoàn khóa IX để góp phần nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho CNVCLĐ.

 - Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và văn hoá doanh nghiệp trong CNVCLĐ.

 - Tổ chức thực hiện tốt chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh. Chú trọng ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, phấn đấu đến năm 2008 đạt 70% cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh có đủ điều kiện (theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Bộ Luật Lao động) có tổ chức Công đoàn.

2. Giải pháp

 - Tích cực triển khai công tác tổng kết thực, nghiên cứu lý luận. Vận dụng kinh nghiệm và quan điểm chỉ đạo của Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam, chú trọng về nội dung, nhân sự và công tác tổ chức Đại hội theo tinh thần Đại hội X của Đảng  là đổi mới để đưa phong trào công nhân  và Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát triển.

 - Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra các cấp công đoàn thực hiện chương trình phát triển l triệu đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Thực hiện việc qui hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn, luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ đa dạng hoá mô hình đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và có chế độ đãi ngộ nhằm khuyến khích đối với cán bộ tăng cường cho cơ sở.

- Tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức và nội dung hoạt động công đoàn phù hợp với các loại hình sở hữu. Đặc biệt đối với công đoàn ở khu vực ngoài quốc doanh, chuẩn bị thật tốt cho việc tổng kết Công đoàn cấp huyện và sơ kết tổ chức và hoạt động công đoàn xã phường. Tiến hành tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng công tác công đoàn cho 90 – 100% cán bộ không chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

- Công khai tiêu chuẩn hoá cán bộ công đoàn và công tác tuyển dụng, nhất là  đội ngũ cán bộ chuyên trách. Đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, Chủ tịch Công đoàn chuyên trách các cấp phải có trình độ đại học và được bồi dưỡng kiến thức về Công đoàn.

- Tiếp tục kiến nghị Trung ương và chủ động xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ chuẩn bị đề án tham gia với Trung ương Đảng khi có chủ trương xây dựng Nghị quyết về giai cấp công nhân.

 - Triển khai và tham gia thực hiện có hiệu quả Luật thực hành tiết kiệm, lãng phí, Luật chống tham nhũng, Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước và cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành, tận tuỵ, sáng tạo, gương mẫu.

 -  Tổ chức các lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng cho đoàn viên và CNVCLĐ ở các cấp công đoàn. Tổ chức hội thảo, trao đổi về Đảng, phát triển đảng trong CNVCLĐ ở các khu vực kinh tế, chú trọng CNLĐ trẻ, giới thiệu đoàn viên là công nhân ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp làm tròn trách nhiệm là người giới thiệu do Điều lệ Đảng qui định. Phát hiện, giới thiệu những cán bộ trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn bổ sung cho các cơ quan Đảng và Nhà nước ở từng cấp.

 Chương trình 4: Chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.

 1. Nội dung

 - Tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để chủ động tham gia, bổ sung, sửa đổi một số điều trong Bộ Luật Lao động, các chính sách kinh tế xã hội liên quan đến sản xuất kinh doanh và lợi ích cơ bản của người lao động.

 - Phối hợp với chính quyền và tham gia với cơ quan quản lý các cấp, chủ doanh nghiệp chăm lo giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện quyền dân chủ của CNVCLĐ, giải quyết tốt quan hệ lao động, phát huy vai trò của Công đoàn để đảm bảo ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

 - Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, nhân đạo, tình nghĩa khơi dậy tình tương thân tương ái trong CNVCLĐ để giúp nhau vượt khó khăn, ổn định cuộc sống.

- Nâng cao năng lực các cấp công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp trong việc kiểm tra giám sát, đại diện để bảo vệ lợi ích chính đáng của CNVCLĐ, đặc biệt là CNVCLĐ nữ.

2. Giải pháp

 - Tham gia với Nhà nước xây dựng chiến lược và thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm. Huy động, quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn vay để giải quyết việc làm cho người lao động. Củng cố, quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại quỹ hiện có như quỹ giúp nhau giải quyết việc làm, quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ tài năng sáng tạo nữ, quỹ tấm lòng vàng .... tổ chức tốt các hoạt động tương thân tương ái giúp CNLĐ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống. triển khai có hiệu quả Chương trình mái ấm Công đoàn.

 - Kiểm tra việc thực hiện chính sách tiền lương, thường xuyên phát hiện những bất cập trong chính sách tiền lương tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách đảm bảo tiền lương thực sự là động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, là nguồn sống chính cho CNVCLĐ.

 - Tham gia với Chính phủ có chính sách nhà ở cho CNVCLĐ. Các LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành Trung ương tham gia với chính quyền, chuyên môn thực hiện chương trình xây dựng nhà ở tại các địa phương, để bán cho người lao động có thu thập thấp theo phương thức thích hợp để người lao động có thể mua được nhà.

 -  Kiểm tra đánh giá việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNLĐ như thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động và chính sách đối với lao động dôi dư sau khi sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, BHXH, BH y tế, chính sách đối với lao động nữ...

- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các ban Pháp luật và các văn phòng tư vấn pháp luật của Công đoàn, trợ giúp pháp lý cho người lao động để biết thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

Phát hiện kịp thời những điểm nóng, những yêu cầu chính đáng của CNLĐ, để kiến nghị chủ doanh nghiệp và Nhà nước giải quyết, hạn chế tới mức thấp nhất các cuộc đình công.

Định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa CNLĐ và tổ chức Công đoàn với người sử dụng lao động theo từng lĩnh vực và đối tác để trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn đặt ra.

III. CÔNG TÁC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm có trách nhiệm chỉ đạo và phân công từng Uỷ viên Đoàn Chủ tịch hướng dẫn, theo dõi việc triển khai thực hiện chương trình này trong hệ thống tổ chức Công đoàn cả nước, thường xuyên kiểm tra để rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện. Sơ, tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để chuẩn bị cho đại hội X Công đoàn Việt Nam.

2. Các cấp công đoàn phải cụ thể hoá để xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện tốt Chương trình hành động này ở cấp mình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết đại hội X của Đảng đề ra, trên cơ sở đó chuẩn bị thật tốt cho Đại hội các cấp và Đại hội X Công đoàn Việt Nam vào năm 2008.  

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
Đã ký: Cù Thị Hậu