BÁO CÁO SỐ 57/BC – TLĐ
NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2006
CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Báo cáo Tháng 8 năm 2006

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 61 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ngày 1/8, Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình hành động của Công đoàn Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam, xác định rõ 4 chương trình hành động với các nội dung và giải pháp cụ thể. Chương trình 1: Quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chương trình 2: Tổ chức phong trào hành động cách mạng trong CNVCLĐ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội do Đại hội X đề ra; Chương trình 3: Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh; Chương trình 4: Chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cũng đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với địa phương, ngành và cơ sở.

Kỷ niệm 61 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; tổ chức hội thi tìm hiểu về Đảng và thành tựu 20 năm đổi mới của đất nước, học tập các chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh; tổ chức gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, tham quan các di tích lịch sử. Hầu hết LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương đã tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao thu hút hàng vạn CNVCLĐ tham gia. CNVCLĐ Hậu Giang đăng ký gắn biển 22 công trình, 5 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật chào mừng 2/9; CNVCLĐ Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký 75 công trình; Công đoàn Xây dựng Việt Nam vận động cán bộ, đoàn viên, CNLĐ trên công trường xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia thi đua phấn đấu hoàn thành và bàn giao công trình trong tháng 9/2006 đảm bảo chất lượng, an toàn lao động. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật trong CNVCLĐ, nhất là CNLĐ trẻ khu vực DN tư nhân và DN có vốn ĐTNN, Tổng Liên đoàn đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Lao động trong CNLĐ các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN, KCX 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Thành phố Hồ Chí Minh. Các cấp công đoàn cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tới CNVCLĐ về Luật lao động, Luật BHXH và xây dựng chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn công tác tuyên truyền với phong trào thi đua lao động sản xuất… Công đoàn Bưu Điện Việt Nam tổ chức hội thi CNVCLĐ với truyền thống ngành Bưu điện: “Trung thành- Dũng cảm- Tận tuỵ- Sáng tạo- Nghĩa tình”; LĐLĐ Quảng Ngãi phối hợp với Sở Lao động TBXH tổ chức 5 lớp huấn luyện kỹ thuật ATVSLĐ cho trên 600 CNLĐ; LĐLĐ Bắc Kạn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn công tác bảo vệ môi trường cho CNVCLĐ tại huyện Na Rì; LĐLĐ Đak Nông tổ chức tập huấn về giới, tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS, ma tuý mại dâm, tuyên truyền Luật An toàn giao thông đường bộ cho gần 600 CNVCLĐ.

Hầu hết LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương đã tổng kết 10 năm phong trào “Xanh - Sạch- Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” (1996-2006). 10 năm qua, các cấp Công đoàn đã thường xuyên tuyên truyền cho CNVCLĐ nhận thức rõ tầm quan trọng của phong trào “Xanh - Sạch- Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn làm công tác bảo hộ lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tổ chức thi tìm hiểu về an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ và an toàn vệ sinh viên giỏi. Phong trào đã góp phần cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, phát huy hàng chục ngàn đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cho CNLĐ. Tuy nhiên, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, nhất là khu vực ngoài quốc doanh chưa giảm, môi trường lao động và điều kiện lao động chưa được cải thiện; ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy chế làm việc của người lao động chưa cao…

2. Tham gia quản lý, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người lao động và một số hoạt động xã hội của các cấp công đoàn.

Tình trạng vi phạm pháp luật lao động khá phổ biến, nhất là các quy định về TƯLĐTT, HĐLĐ, BHXH, BHYT…, tập trung ở các doanh nghiệp khu vực kinh tế NQD, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Qua khảo sát tại Bắc Ninh chỉ có 27% DN đăng ký TƯLĐTT, 51% DN đăng ký nội quy lao động, 38% DN thành lập hội đồng BHLĐ, trên 30% người lao động chưa được tham gia BHXH. Tại 12 DN hoạt động trong các KCN tỉnh Hải Dương, tỷ lệ CNLĐ được ký HĐLĐ không xác định thời hạn chỉ có 55/5318 người (chiếm hơn 1%), HĐLĐ có thời hạn từ 1 đến 3 năm là 3.023 người (chiếm 57%), HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng là 2.240 người (chiếm 42%); Chưa có DN nào xây dựng và ký kết TƯLĐTT; 12/12 DN chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, 6/48 DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực hiện mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 03/2006/NĐ-CP ngày 6/1 của Chính phủ. Ngành GTVT nợ đọng vốn xây dựng cơ bản trên 8000 tỷ đồng, phải vay hoạt động trả lãi xuất lớn, không đầu tư phát triển doanh nghiệp và  nợ lương công nhân trên 74 tỷ đồng, nhiều DN nợ lương công nhân từ 4 đến 6 tháng, có nơi chỉ tạm ứng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng tiền lương cho CNLĐ; nợ tiền BHXH, BHYT trên 49 tỷ đồng, khiến cho 282 trường hợp người lao động không được thanh toán các chế độ BHXH.

Hưởng ứng chương trình “Mái ấm Công đoàn”, nhiều nơi đã triển khai thực hiện đạt kết quả, riêng CNVCLĐ các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu và ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp ủng hộ xây dựng 23 căn nhà với tổng trị giá là 184 triệu đồng; CNVCLĐ Tiền Giang ủng hộ xây dựng 10 căn nhà; CNVCLĐ Thừa Thiên Huế 4 nhà; LĐLĐ Hà Tĩnh vận động 4 đơn vị hỗ trợ xây dựng 16 nhà với tổng trị giá 220 triệu đồng. Phong trào xây dựng quỹ “Mái ấm Công đoàn” đang được triển khai rộng rãi ở tất cả các LĐLĐ tỉnh, thành phố và công đoàn ngành trong cả nước.

Chuẩn bị năm học mới 2006-2007, nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW và các đơn vị đã vận động CNVCLĐ tích cực ủng hộ xây dựng trường học, tặng quà, sách vở, đồ dùng học tập giúp đỡ con em CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn Cơ quan Tổng Liên đoàn tổ chức trao phần thưởng cho 82 cháu là con cán bộ, CNVC đang công tác tại cơ quan TLĐ đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2005-2006. LĐLĐ Hậu Giang vận động CNVCLĐ đóng góp được trên 8000 tập vở, 600 bút viết, 100 chiếc áo và trên 5 triệu đồng giúp đỡ con em CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn; LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh trao 200 suất quà, 10 suất học bổng cho con CNVCLĐ nghèo tỉnh Bình Phước; LĐLĐ An Giang vận động 26 DN hỗ trợ 505 suất quà cho con em CNVCLĐ vượt khó học giỏi, trị giá trên 30 triệu đồng; Quỹ Tấm lòng vàng Lao động đã trao đợt 1 cho 30 tỉnh phía Bắc sách vở học sinh để LĐLĐ các tỉnh kết hợp trao cho các cháu học sinh nghèo trong ngày khai giảng năm học mới.

Trong tháng, cả nước xảy ra 8 cuộc đình công, riêng Thành phố Hồ Chí Minh 6 cuộc, Đà Nẵng và Quảng Ngãi mỗi nơi 1 cuộc. Trong đó, 3 cuộc xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 5 cuộc xảy ra ở khu vực NQD. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đình công đều phát sinh từ sự vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động như: kéo dài thời gian thử việc, không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ ngắn hạn để trốn tránh một số nghĩa vụ theo qui định pháp luật đối với người lao động (BHXH, BHYT…); xây dựng đơn giá tiền lương quá thấp, định mức lao động quá cao; thanh toán không đầy đủ các chế độ phụ cấp, làm thêm giờ; nợ lương, chậm trả lương; tổ chức tăng ca, làm thêm giờ liên tục trái với qui định của pháp luật; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật; sa thải người lao động không có lý do chính đáng; điều kiện làm việc không đảm bảo về vệ sinh an toàn lao động; thực hiện chế độ quản lý tuỳ tiện, hà khắc… Về phía người lao động do trình độ văn hoá thấp, lao động phân tán, ít có điều kiện được tiếp cận với thông tin pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động; hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, xử lý vi phạm quá nhẹ chưa có tác dụng răn đe.

Tổng Liên đoàn đã có văn bản gửi Uỷ Ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (phần liên quan đến đình công và giải quyết đình công). Theo đó, đề nghị làm rõ một số quy định liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, như: Cần khẳng định, Công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động theo Hiến định, nên luật cần quy định chỉ có tổ chức Công đoàn mới có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công; Đề nghị quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn; Phân biệt rõ đình công về quyền và đình công về lợi ích; Cần quy định đơn giản hơn các thủ tục đình công về quyền; Nghiên cứu thành lập Hội đồng quan hệ lao động cấp huyện, Uỷ ban quan hệ lao động cấp tỉnh và Uỷ ban quan hệ lao động cấp quốc gia nhằm cụ thể hoá vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương, LĐLĐ địa phương trong việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công.

3. Công tác phát triển đoàn viên và đào tạo cán bộ.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã họp kỳ thứ 16 thảo luận một số nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động (Phần liên quan đến đình công); dự thảo quy chế hoạt động “Quỹ hỗ trợ cán bộ Công đoàn cơ sở”; mô hình hoạt động của Trường Công đoàn miền Trung- Tây Nguyên. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng đã có 2 buổi làm việc với lãnh đạo các Ban Tổng Liên đoàn và đại diện một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW để nghe báo cáo chuẩn bị những nội dung định hướng cho Đại hội X CĐVN; thảo luận dự thảo các nội dung báo cáo chuẩn bị cho cuộc làm việc với Ban Bí Thư TW Đảng và Thủ tướng Chính phủ.

Tổng Liên đoàn phối hợp với Tổng Công đoàn Na Uy tổ chức hội nghị với chủ đề “Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên”; tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo qui chế “Thành lập, tổ chức quản lý hoạt động Quỹ hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở”.

Thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên do Nghị quyết Đại hội IX CĐVN đề ra, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương đã tích cực tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS mới. Tuy nhiên, tỷ lệ thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp, nhất là DN NQD, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, nhiều nơi công đoàn hoạt động hình thức, chưa thực sự là chỗ dựa của người lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ DN tìm mọi cách né tránh việc thành lập CĐCS; cán bộ công đoàn cơ sở vừa thiếu vừa yếu, phụ thuộc vào giới chủ từ việc làm đến thu nhập; nhiều nơi, cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý, xử lý không nghiêm các vi phạm pháp luật của DN, chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Điều 153 Bộ luật Lao động về tổ chức, hoạt động của BCH Công đoàn lâm thời tại các DN…

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp Công đoàn đã có nhiều cố gắng trong phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Trong tháng, LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập được 5 CĐCS, kết nạp 161 đoàn viên, nâng tổng số CĐCS thành lập từ đầu năm đến nay lên 54 CĐCS với 4152 đoàn viên, đạt trên 92% kế hoạch đề ra; Quảng Ninh phát triển 3 CĐCS NQD, kết nạp 260 đoàn viên; Quảng Ngãi thành lập 4 CĐCS, phát triển 101 đoàn viên; Tiền Giang thành lập 3 CĐCS, kết nạp 118 đoàn viên; Long An phát triển 3 CĐCS, 1 NĐ, kết nạp 1.592 đoàn viên; Nghệ An thành lập 2 CĐCS, kết nạp 450 đoàn viên; Thành phố Hồ Chí Minh thành lập 61 CĐCS, kết nạp 3.885 đoàn viên; Quảng Nam thành lập 10 CĐCS, trong đó có 9 CĐCS xã, phường, thị trấn và 1 CĐCS khu vực NQD, kết nạp 241 đoàn viên; Vĩnh Phúc thành lập 18 CĐCS xã, phường, thị trấn với 777 đoàn viên; Hà Giang thành lập 8 CĐCS xã với 160 đoàn viên; Hưng Yên thành lập 5 CĐCS NQD, kết nạp 119 đoàn viên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ được Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn thường xuyên thực hiện. Cơ quan Tổng Liên đoàn đã tổ chức 4 lớp đào tạo nâng cao trình độ tin học cho hơn 100 cán bộ, nhân viên; phối hợp với Tổng Công đoàn Na Uy tổ chức tập huấn công tác nữ công cho cán bộ chuyên trách 15 LĐLĐ tỉnh khu vực miền Trung- Tây Nguyên; tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật cho 36 cán bộ công đoàn. Công đoàn Công nghiệp Việt Nam tổ chức tập huấn những nội dung cơ bản của Luật DN cho cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp; LĐLĐ Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho 460 cán bộ làm công tác thanh tra nhân dân tại các đơn vị HCSN và DNNN; LĐLĐ Bình Thuận tổ chức tập huấn cho trên 200 cán bộ công đoàn về các chuyên đề: Tuyên truyền giáo dục; tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động; công tác kiểm tra; công tác nữ công; công tác xây dựng CĐCS vững mạnh; LĐLĐ Vĩnh Phúc tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn cho 85 cán bộ chuyên trách; LĐLĐ Hà Giang tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn cho 120 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS xã, phường; LĐLĐ Thừa Thiên Huế tổ chức tập huấn về công tác BHLĐ cho 70 cán bộ công đoàn; LĐLĐ Hải Dương tổ chức hội thảo về mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn cấp huyện. 
 
 TL. ĐOÀN CHỦ TỊCH
Chánh Văn phòng
Đã ký: Hoàng Ngọc Thanh