Triệu Mùi Pham cũng như nhiều trẻ em khác vừa mới cất tiếng chào đời chưa được bao lâu đã phải bán đi làm con nuôi. Nhưng Pham may hơn nhiều đứa trẻ khác. Em được bán cho gia đình ông Triệu Nho Phúc (1), một gia đình có truyền thống cách mạng nên đỡ cơ khổ hơn.
Ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ trung đội Cứu quốc quân thứ hai được thành lập. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng công nhận đội Cứu quốc quân II. Phong trào cách mạng lên mạnh. Thực dân Pháp khủng bố trắng Tràng Xá. Gia đình Triệu Mùi Pham có 8 người bị địch bắt. 7 người bị định kết án tù từ 5 năm trở lên. Riêng ông Trần Nho Lưu bị kết án 15 năm tù, đầy ải hết nhà tù Hoả Lò lại đến Sơn La, Chí Hoà và Côn Đảo.
Khi ấy, Triệu Mùi Pham đang còn tuổi niên thiếu. Ngày ngày, lên rừng thả trâu, thấy các bác, các chú tập luyện, bắn súng, đánh trận giả, Pham thích lắm. Thỉnh thoảng có chú lại nhờ Pham làm việc này, việc khác. Cứ theo lời dặn của các chú, các bác, Pham làm tốt công việc được giao. Dần dần Pham được giao nhiệm vụ đưa thư. Thấy được người lớn yêu thương, tin tưởng, thì thích, thì vui, Pham đâu có biết đấy là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự thắng, bại của phong trào cách mạng. Pham rủ luôn vài bạn thân như Dương Thị Bàn, Dương Thị Báo cùng đi đưa thư với mình. Kể từ đây, cô bé Pham trở thành giao liên của đội Cứu quốc quân II. Lúc ra Tràng Xá, khi qua Hợp Tiến, không biết bao nhiêu lần Pham đi lại đưa công văn tài liệu cho các cơ sở. Bất cứ lúc nào, trời nắng hay mưa, ban ngày hay ban đêm, cứ có thư là Pham lại lên đường. Với đôi chân trần bé nhỏ, bấm vào nền đất đá, mặc cho chân chai, rộp, toé máu Pham cố gắng làm sao đưa được thư đến đúng nơi qui định, kịp thời như lời dặn của các bác, các chú. Có hôm, gặp buổi tối trời, đi trong rừng như người bịt mắt, Pham phải bắt đom đóm cho vào chai làm đèn mới đi được. Những đêm có trăng tuy luồn rừng dễ đi hơn nhưng tán rừng ngả nghiêng như ma trơi rượt đuổi, hay con rắn độc quăng từ ngọn cây xuống cũng làm cho Pham có lúc rùng mình. Song nghĩ đến nhiệm vụ Pham vẫn mạnh dạn lên đường. Có lần, Pham nhận được lệnh phải chuyển một lá thư gấp. Nhưng trời mưa vừa tạnh, nước lũ trên nguồn đã đổ về đỏ ối dâng lên lênh láng bờ sông Dong, cuốn theo mọi vật trên dòng chảy. Làm thế nào để vượt qua sông, Pham nóng ruột như có người đốt lửa trong bụng. Cùng đi thư chuyến đó, còn có chị Đặng Thị Báo. Hai chị em loay hoay tìm cách vượt sông. Vừa mới lội xuống, gặp dòng nước chảy xiết, Pham hẫng chân ngã dúi dụi. Chị Báo vột nhoài người kéo được Pham vào bờ. Hút chết. Cuối cùng lá thư cũng được chuyển đến nơi qui định kịp thời.
Pham có cách giấu thư khá đặc biệt. Theo phong tục, con gái Dao đến tuổi trưởng thành đều lấy sáp ong hơ vào lửa, quệt lên tóc, tết lại, vấn khăn kín, cả một năm mới gội đầu, lại quệt sáp ong như cũ. Các lá thư đều được Pham cài giấu lên mái tóc, sơn quệt bằng sáp ong rừng kín mít, trên phủ thêm chiếc khăn truyền thống của người dân tộc Dao. Thế là kín đáo. Khi giả đi chợ, đi nương, đi lấy củi, khi giả đi nhặt lá thuốc, Pham lên đường chuyển giao tài liệu thư từ. Nhờ cách dấu thư đặc biệt như vậy nên không biết bao nhiêu lần Pham gặp bọn chỉ điểm, Tây đồn, lính khố xanh, khố đỏ, nhưng vẫn qua được con mắt soi mói của bọn chúng. Cứ như thế, từng cánh thư mật qua lại trước mũi quân thù, cho tới ngày toàn dân đứng lên, cùng đoàn kết trước ngọn cờ của Đảng, dành lại chính quyền từ tay thực dân. Đã có bao nhiêu lá thư quan trọng của Đảng được dấu vào mái tóc của Triệu Thị Pham, chẳng ai nhớ và ngay cả Triệu Thị Pham cũng không nhớ. Chỉ biết mái tóc dấu thư của người thiếu nữ dân tộc Dao Triệu Thị Pham đã đi vào lịch sử đất nước./.
TS Lê Ban
1) Ông Triệu Nho Phúc có tên hoạt động cách mạng là Triệu Khánh Phương. Sau cách mạng Tháng Tám ông là đại biểu Quốc hội khoá I, Phó chủ tịch khu tự trị Việt Bắc. Cụ thân sinh ra ông là Triệu Tài Lâm mở lò rèn sản xuất vũ khí cho Cứu quốc quân. Bọn lính “Tây” ở đồn Đình Cả đã bắt cả gia đình ông Lâm. Ông và 3 người con trai bị tra tấn đến chết trong nhà giam. Vợ ông là Triệu Thị Miễn cũng bị tra khảo dã man đến khi được thả về nhà thì phát bệnh mà chết.
Theo Phụ nữ Bưu điện
|