QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ NGHỈ DƯỠNG SỨC, PHỤC HỒI SỨC KHOẺ VÀ ĐIỀU DƯỠNG- PHỤC HỒI CHỨC NĂNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN.
(Ban hành kèm theo Quyết định liên tịch số 4104/QĐ-LT/TCT-CĐBĐVN ngày 17/10/2001 của Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam và Ban thường vụ Công đoàn Bưu điện Việt Nam.)
Thực hiện Quyết định số 37/QĐ-TTg ngày 21/03/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động tham gia BHXH và Thông tư hướng dẫn dố 11/2001/BLĐTBXH-TT ngày 11/6/2001 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Để nâng cao sức khoẻ cho CBCNV trong Ngành Bưu điện.
Tổng Giám đốc Tổng công ty và Ban thường vụ Công Đoàn Bưu điện Việt Nam quy định về chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ và điều dưỡng- phục hồi chức năng đối với cán bộ công nhân viên (dưới đây gọi tắt là điều dưỡng) như sau:
Điều 1: Chỉ tiêu kế hoạch hằng năm
1. Căn cứ vào tình hình sức khoẻ của cán bộ công nhân viên (CBCNV) qua khám sức khoẻ định kỳ và nguồn kinh phí được trích từ bảo hiểm xã hội, hàng năm các đơn vị lập kế hoạch điều dưỡng gửi về Tổng Công ty và các bệnh viện Điều dưỡng- PHCN của Tổng công ty theo quy định
2. Trên cơ sở khả năng của các Bệnh viện Điều dưỡng- PHCN, tình trạng sức khoẻ của CBCNV, Tổng công ty giao chỉ tiêu kế hoạch điều dưỡng hàng năm để các bệnh việc Điều dưỡng- PHCN tổ chức thực hiện.
3. Khi kế hoạch điều dưỡng đã được Tổng Công ty phê duyệt, các bệnh viện Điều dưỡng- PHCN có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chế độ điều dưỡng, góp phần chăm sóc sức khoẻ CBCNV.
Điều 2: Đối tượng và điều kiện được hưởng
Là CBCNV đang công tác ở các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty; cán bộ CNVC thuộc Tổng cục Bưu điện và Công đoàn Bưu điện Việt Nam; CBCNV ngành Bưu điện đã nghỉ chế độ hưu, mất sức lao động từ ngành Bưu điện theo quy định. Cụ thể:
1. CBCNV có thời gian làm việc và đóng BNXH bắt buộc từ 3 năm trở lên mà bị suy giảm sức khoẻ.
2. CBCNV sau khi điều trị do bị ốm đau; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (kể cảc điều trị nội trú, ngoại trú) nghỉ thai sản theo quy định của Nhà nước về sinh đẻ có kế hoạch (kể cả trường hợp sảy thai) mà sức khoẻ còn yếu.
3. Người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV,V, VI theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội).
4. CBCNV chuẩn bị nghỉ chế độ hưu, mất sức.
5. CBCNV đã nghỉ chế độ hưu, nghỉ mất sức từ ngành Bưu Điện; mỗi năm đơn vị gửi đi không quá 5% tổng số đối tượng nghỉ chế độ hưu, mất sức do đơn vị quản lý;
6. Cán bộ (lãnh đạo Tổng Cục Bưu điện, Tổng công ty, Công đoàn Bưu điện Việt Nam; Vụ trưởng, vụ phó, chánh phó Văn phòng thuộc Tổng Cục Bưu điện; Trưởng Ban, Phó các ban, Chánh, phó Văn phòng thuộc Tổng công ty, công đoàn BĐVN; Giám đốc, phó giám đốc, Chủ tịch công đoàn, bí thư đảng uỷ, kế toán trưởng các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty và đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Tổng cục Bưu điện) có sức khoẻ sa sút.
Điều 3: Thời gian điều dưỡng
Thời gian điều dưỡng của CBCNV tuỳ theo từng đối tượng, cụ thể:
- Từ 5 đến 10 ngày: áp dụng với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2
- Không quá 30 ngày: đối tượng quy định tại Khoản 2 điều 2. Trong trường hợp đặc biệt nếu CBCNV mắc bệnh cần điều dưỡng PHCN dài ngày, cơ sở điều dưỡng có thể giải quyết trên 30 ngày nhưng tối đa không quá 45 ngày.
- Không quá 20 ngày: đối tượng quy định tại khoản 3,4 điều 2.
- 7 ngày: đối với CBCNV đã nghỉ chế độ hưu, mất sức từ ngành Bưu điện;
- Không quá 10 ngày đối với các đối tượng nghỉ điều dưỡng tại chỗ (theo điều 5)
Thời gian nghỉ điều dưỡng của CBCNV đang công tác không bị trừ vào thời gian nghỉ phép hàng năm.
Điều 4: Địa điểm điều dưỡng
1. Bệnh viện Điều dưỡng- PHCN Bưu điện I (Đồ Sơn- TPHải Phòng): tiếp nhận đối tượng thuộc các đơn vị khu vực phía Bắc từ tỉnh Thừa thiên-Huế trở ra.
2. Bệnh viện Điều dưỡng-PHCN Bưu điện II (An Phú- TPHồ Chí Minh) : tiếp nhận đối tượng thuộc các đơn vị khu vực phía Nam từ Tp Đà Nẵng trở vào.
Trong trường hợp cần thiết đi điều dưỡng trái tuyến so với quy định trên, đơn vị có công văn đề nghị Tổng Công ty xem xét quyết định.
Điều 5: Hình thức điều dưỡng:
1. Điều dưỡng tại Bệnh viện Điều dưỡng – PHCN: là hình thức chủ yếu áp dụng cho tất cả các đối tượng quy định tại điều 2.
2. Điều dưỡng tại chỗ (tại đơn vị, gia đình ). Áp dụng đối với:
a. Các đối tượng quy định tại Khoản 6 điều 2 quy định này mà có sức khoẻ giảm sút nhưng do điều kiện công tác không thể bố trí đi điều dưỡng tại Bệnh viện được.
b. Công nhân làm việc thường xuyên tại các trạm vi ba và công nhân vận chuyển bưu điện ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đạo mà có sức khoẻ loại IV.V ( theo tiêu chuẩn phân loại sức khoẻ của Bộ Y tế) nhưng không bố trí đi điều dưỡng tại Bệnh viện được.
c. Nữ CBCNV có sức khoẻ loại IV,V ( theo tiêu chuẩn phân loại sức khoẻ của Bộ Y tế) trong trường hợp đặc biệt vì lý do sức khoẻ không thể đi điều dưỡng được và nữ CNCNV yếu sức khoẻ sau khi nghỉ thai sản do điều kiện sức khoẻ, công việc không đi điều dưỡng được.
d. CBCNV công tác tại các huyện, xã biên giới, hải đảo, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Nhà nước có sức khoẻ giảm sút nhưng không bố trí đi điều dưỡng tại Bệnh Viện được.
Bệnh viện Điều dưỡng- PHCN kết hợp với y tế đơn vị tổ chức thực hiện điều dưỡng tại chỗ theo đúng quy định.
|