|
CÔNG VĂN SỐ: 2272/QĐ-TLĐ NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2005 CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT VIỆT NAM
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Điều lệ Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
– Căn cứ Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ và Thông tư số 04/2003/TT-BTP ngày 28/10/2003 của Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật; – Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam; – Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; – Căn cứ Quyết định số 2206/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn; – Theo đề nghị của Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày Trung tâm tư vấn pháp luật được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp Giấy đăng ký hoạt động. Điều 3. Ban Tổ chức, Ban Pháp luật, Ban Tài chính, Văn phòng, Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Đã ký: Nguyễn Hoà Bình
ĐIỀU LỆ
TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT TỔNG LIÊN ĐOÀN (Ban hành kèm theo Quyết định số:2272/QĐ–TLĐ ngày14 tháng11 năm 2005 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi, địa chỉ
1. Tên gọi: Trung tâm có tên gọi đầy đủ là TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM. Gọi tắt là TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT TỔNG LIÊN ĐOÀN. 2. Địa chỉ: Trụ sở của Trung tâm đặt tại Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, số 82 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điều 2. Địa vị của Trung tâm1. Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định thành lập; chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn. 2. Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. 3. Quản lý hoạt động của Trung tâm được thực hiện theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT TỔNG LIÊN ĐOÀN
Điều 3. Chức năng của Trung tâm
Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn có chức năng khai thác, cập nhật và cung cấp thông tin pháp lý phục vụ công tác pháp luật của Công đoàn; trực tiếp làm công tác tư vấn pháp luật tại Tổng Liên đoàn; hướng dẫn, hỗ trợ và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn. Điều 4. Nhiệm vụ của Trung tâmTrung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn có các nhiệm vụ sau: 1. Tổng hợp, quản lý và cung cấp thông tin pháp luật liên quan đến CNVCLĐ và Công đoàn a) Thường xuyên khai thác, cập nhật, tổ chức quản lý thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản pháp luật mới ban hành, liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn; b) Cung cấp thông tin pháp lý, các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và Công đoàn phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Hỗ trợ thông tin pháp lý và các văn bản pháp luật cho các tổ chức tư vấn pháp luật trong hệ thống Công đoàn khi có yêu cầu; C) Biên soạn tài liệu phục vụ công tác tư vấn, hướng dẫn thực hiện pháp luật về lao động và công đoàn. 2. Tư vấn pháp luật ở cấp Tổng Liên đoàn; theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn pháp luật trong hệ thống Công đoàn. a) Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại Tổng Liên đoàn cho CNVCLĐ và Công đoàn khi có yêu cầu theo Quy định về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 785/QĐ–TLĐ ngày 27 tháng 5 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; b) Phối hợp với tổ chức tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động địa phương, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của tổ chức Công đoàn; c) Hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tư vấn pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật trong hệ thống Công đoàn. 3. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn a) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật trong hệ thống Công đoàn; bồi dưỡng về kỹ năng thương lượng, đàm phán; tham gia tố tụng tại Tòa án; đại diện bảo vệ CNVCLĐ.v.v. b) Tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động giữa các tổ chức tư vấn pháp luật của Công đoàn.
Chương III
TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT TỔNG LIÊN ĐOÀN
Điều 5. Tổ chức của Trung tâm tư vấn pháp luật.
1. Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn có Giám đốc, Phó Giám đốc, 01 đến 02 tư vấn viên chuyên trách và một số cán bộ kiêm nhiệm. 2. Bộ máy của Trung tâm bao gồm: a) Bộ phận Thông tin pháp luật; b) Bộ phận Tư vấn pháp luật. 3. Trung tâm có đội ngũ cộng tác viên là cán bộ công tác tại một số bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương và một số ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn. Danh sách cộng tác viên của Trung tâm do Giám đốc Trung tâm quyết định sau khi đã báo cáo và được lãnh đạo Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn đồng ý. Điều 6. Quan hệ làm việc của Trung tâm1. Trung tâm chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Ban Pháp luật về cán bộ và nội dung hoạt động. 2. Trung tâm có mối quan hệ phối hợp, hợp tác với các ban, đơn vị trực thuộc cơ quan Tổng Liên đoàn. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các ban, đơn vị có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho hoạt động của Trung tâm. 3. Trung tâm chịu trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Ban Pháp luật và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khi tiến hành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ này. Điều 7. Chế độ báo cáo
1. Định kỳ hàng tháng, Trung tâm có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động của mình với Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn. 2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Trung tâm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động tư vấn pháp luật trong toàn hệ thống Công đoàn với Ban Pháp luật và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Báo cáo 6 tháng được gửi trước ngày 20 tháng 6; báo cáo năm gửi trước ngày 20 tháng 11.
Chương IV
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT TỔNG LIÊN ĐOÀN
Điều 8. Quyền và trách nhiệm của Trung tâm 1. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm có các quyền sau đây:
a) Được đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; b) Kiến nghị với Ban Pháp luật và Tổng Liên đoàn tham gia giải quyết các tranh chấp lao động và bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động. c) Được thực hiện tư vấn pháp luật có thu phí đối với cá nhân, tổ chức không thuộc diện tư vấn miễn phí của Công đoàn Việt Nam. d) Được kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của thành viên Trung tâm tư vấn pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ. đ) Được tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn. 2. Trung tâm có trách nhiệm sau đây:a) Tuân theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về hoạt động tư vấn; b) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin pháp lý, chất lượng nội dung tư vấn và đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên của Trung tâm. Điều 9. Quyền và trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm 1. Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Tổng Liên đoàn có các quyền sau đây:a) Thực hiện quản lý hoạt động của Trung tâm theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn; b) Ký các văn bản theo thẩm quyền nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; c) Tổ chức triển khai thực hiện các công việc theo sự phân công, ủy quyền của Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn; d) Được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. 2. Trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm:
a) Thực hiện các quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn; b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Ban Pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm. Điều 10. Quyền và trách nhiệm của Phó Giám đốc Trung tâmPhó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc điều hành hoạt động của Trung tâm theo sự phân công, ủy quyền của Giám đốc và có các quyền, trách nhiệm sau đây: 1. Thay mặt Giám đốc tổ chức, điều hành hoạt động của Trung tâm khi Giám đốc Trung tâm đi vắng; 2. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về những công việc được Giám đốc phân công hoặc ủy quyền; 3. Có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện công việc với Giám đốc Trung tâm. Điều 11. Quyền và trách nhiệm của tư vấn viên, cán bộ Trung tâm 1. Tư vấn viên, cán bộ của Trung tâm có các quyền sau đây:a) Được tạo điều kiện tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động; b) Được bảo đảm về các chế độ, chính sách như đối với cán bộ, công chức công tác tại các ban của của cơ quan Tổng Liên đoàn; c) Các quyền khác theo quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ, Quyết định số 785/QĐ-TLĐ và Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. 2. Tư vấn viên, cán bộ pháp luật có trách nhiệm sau đây:
a) Chấp hành sự điều hành của Giám đốc Trung tâm; b) Thực hiện và hoàn thành các công việc được phân công; c) Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về kết quả thực hiện các công việc được giao; d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ, Quyết định số 785/QĐ-TLĐ và Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Điều 12. Quyền và trách nhiệm của cộng tác viên của Trung tâmQuyền và trách nhiệm của cộng tác viên của Trung tâm thực hiện theo hợp đồng cộng tác viên ký giữa Giám đốc Trung tâm và cộng tác viên trên cơ sở quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.
Chương IV
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THÔNG TIN, TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Điều 13. Đối tượng phục vụ của Trung tâmĐối tượng phục vụ của Trung tâm bao gồm: 1. Đoàn viên công đoàn;
2. Người lao động;
3. Các cấp công đoàn;
4. Cá nhân và các tổ chức khác khi có yêu cầu. Điều 14. Quyền của đối tượng phục vụ của Trung tâm
1. Được cung cấp thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật theo quy định của Điều lệ này; 2. Tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác đề nghị cung cấp thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật; 3. Được giữ bí mật về nội dung đề nghị tư vấn pháp luật khi có yêu cầu; 4. Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật đối với các hành vi gây phiền hà, cản trở hoặc hành vi vi phạm khác của Trung tâm; 5. Các quyền khác theo quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ, Quyết định số 785/QĐ-TLĐ và Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Điều 15. Trách nhiệm của đối tượng phục vụ của Trung tâm1. Xuất trình thẻ đoàn viên công đoàn hoặc giấy tờ xác nhận khác thuộc đối tượng tư vấn miễn phí của tổ chức công đoàn; 2. Cung cấp đầy đủ, trung thực những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu tư vấn pháp luật và chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu đó; 3. Chấp hành nội quy, Điều lệ hoạt động của Trung tâm; 4. Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ, Quyết định số 785/QĐ-TLĐ và Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
Chương VI
TÀI CHÍNH VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM
Điều 16. Chế độ tài chính của Trung tâm1. Trung tâm được Tổng Liên đoàn bảo đảm kinh phí hoạt động, bao gồm chi phí hành chính, chi phí trả lương cho tư vấn viên, cộng tác viên và các chi phí hợp lý khác. 2. Trung tâm được tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn. 3. Trung tâm được thu phí theo quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ và Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. 4. Chế độ chi tiêu tài chính của Trung tâm thực hiện theo quy định của Nhà nước và của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Điều 17. Các điều kiện khác bảo đảm cho hoạt động của Trung tâm1. Trung tâm được bố trí nơi làm việc phù hợp, bảo đảm thuận lợi cho hoạt động của Trung tâm 2. Trung tâm được trang bị các điều kiện, phương tiện nhằm bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở đề nghị của Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Điều khoản thi hành1. Trong quá trình thực hiện Điều lệ, nếu có khó khăn, vướng mắc, Trung tâm và Ban Pháp luật báo cáo, đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, giải quyết. 2. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định trên cơ sở đề nghị của Trung tâm và Ban Pháp luật Tổng Liên đoàn.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Đã ký: Nguyễn Hòa Bình
|
|
|
|