- Người nông dân cần vươn lên làm chủ kỹ thuật và công nghệ được trang bị, am hiểu các quy định luật pháp, xác định và phát huy đúng lợi thế, năng động, sáng tạo phấn đấu đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
- Đối với ngành thuỷ sản, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nghề cá, tăng cường nghiên cứu và áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nguyên liệu; tăng cường năng lực chế biến cá về chiều rộng và chiều sâu nhằm đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu; tăng năng lực chế biến mặt hàng giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nuôi trồng thuỷ sản là nguồn cung cấp chính nguyên liệu sạch cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:Những thuận lợi khi gia nhập WTO:- Cơ hội lớn nhất ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam có được khi gia nhập WTO là mở ra thị trường mới cho các sản phẩm công nghiệp, mở ra cơ hội mới với khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại đa dạng hơn.
- Có môi trường và điều kiện để làm quen, tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt là của các nền kinh tế công nghiệp phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản. Nhờ tiếp cận những công nghệ tiên tiến và hiện đại này, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện đổi mới sản xuất mở rộng liên doanh, liên kết, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí về nhân công và nguyên liệu, rút ngắn chu kỳ sản xuất sản phẩm, cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã của các nước nhập khẩu.
- Việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới tiên tiến của thế giới góp phần nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam; có thêm cơ hội nâng cao tay nghề cho công nhân lao động, tiếp thu và nâng cao kinh nghiệm quản lý điều hành sản xuất công nghiệp.
- Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn vốn mới, bảo đảm thúc đẩy quá trình phát triển các doanh nghiệp cả về quy mô và chiều sâu.
Những thách thức khi gia nhập WTO: - Giảm đáng kể mức độ bảo hộ của Nhà nước và gia tăng sức ép cạnh tranh đối với sản xuất công nghiệp trong nước, phải đối mặt và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của WTO như các quy định về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ.
- Chưa hiểu biết đầy đủ pháp luật và tập quán của quốc tế và của từng nước đối tác thành viên WTO; thiếu thông tin về các tiêu chuẩn quốc tế, cách thức tiếp cận thị trường, các quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh ở ngoài nước nên trong cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều vấp váp.
- Tình trạng thiếu vốn và công nghệ mới sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hạn chế khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường và tiếp thị sản phẩm hàng hoá.
- Chỗ dựa hậu thuẫn của ngành công nghiệp Việt Nam là ngân hàng, tài chính nhưng các thể chế này phát triển chưa đồng bộ, còn có yếu kém trong khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp Việt Nam, chủ yếu là công nghiệp lắp ráp, công nghiệp chế tạo chưa phát triển, chưa sản xuất được các sản phẩm công nghiệp đòi hỏi dây chuyền công nghệ cao với vốn đầu tư lớn. Thị trường trong nước cũng sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nhập khẩu có ưu thế quốc tế về thương hiệu, chất lượng mẫu mã và giá thành.
- Đối với các ngành công nghiệp có đông lao động tham gia như dệt may, da dày... thì thách thức lớn nhất là giữ vững và mở rộng thị trường nhằm bảo đảm công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều triệu người lao động
Những giải pháp khi gia nhập WTO:
- Lựa chọn, tập trung phát triển những ngành hàng, những nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên cơ sở huy động mạnh mẽ những năng lực còn tiềm ẩn.
- Đẩy mạnh đầu tư và đầu tư có trọng điểm, kết hợp đầu tư mới và đầu tư chiều sâu gắn với đổi mới công nghệ.
- Áp dụng rộng rãi những phương pháp quản lý tiên tiến, áp dụng các giải pháp cần thiết để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
- Cải tiến hệ thống pháp luật, chính sách liên quan tới lĩnh vực công nghiệp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp công nghiệp. Xây dựng các chính sách theo hướng bảo đảm minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu của WTO và các thông lệ quốc tế.
- Sắp xếp lại và đổi mới các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước; điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các đề án chiến lược và các quy hoạch phát triển công nghiệp theo ngành, theo vùng lãnh thổ.
- Gia tăng tốc độ thực hiện chương trình thương mại điện tử, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin để quản lý các nguồn lực như thiết kế mẫu, quản lý nhân lực, quản lý khách hàng và sản xuất, marketing..., đẩy mạnh việc kinh doanh qua mạng.
- Tăng cường hợp tác quốc tế cả chiều sâu và trên diện rộng trong chiến lược phát triển từng ngành công nghiệp Việt Nam.
Trong các lĩnh vực dịch vụ:Gia nhập WTO, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, vận tải sẽ là các lĩnh vực mở cửa mạnh mẽ.
Những thuận lợi khi gia nhập WTO:- Tăng uy tín và vị thế của từng lĩnh vực trên thị trường dịch vụ khu vực và thế giới, mang lại rất nhiều lợi thế trong khai thác, sử dụng từng loài dịch vụ.
- Có thể sử dụng vốn, công nghệ, kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển có trình độ dịch vụ văn minh cao, có điều kiện tiếp cận thị trường dịch vụ quốc tế rộng mở, huy động thêm các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
- Bước trưởng thành và kinh nghiệm của các lĩnh vực dịch vụ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước sẽ giúp các doanh nghiệp dịch vụ giảm thiểu rủi ro, đứng vững khi hội nhập, vượt qua thử thách và phát triển.
- Có thêm động lực thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ Việt Nam nâng cao tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của mình, để mỗi ngành dịch vụ vươn lên, thích nghi, tự hoàn thiện và phát triển với tốc độ cao hơn.
- Lợi thế về uy tín của từng lĩnh vực dịch vụ đối với khách hàng Việt Nam, về hệ thống mạng lưới có sẵn, về khả năng am hiểu thị trường nội địa, về hiểu biết và nắm vững nhu cầu tâm lý khách hàng.
- Tiếp nhận nguồn vốn đầu tư lớn, kỹ thuật tiến tiến, công nghệ hiện đại, phương pháp và kinh nghiệm quản lý... từ bên ngoài.
Những thách thức khi gia nhập WTO:- Nhiều lĩnh vực dịch vụ Việt Nam có điểm xuất phát thấp về trình độ phát triển thị trường, về quy mô doanh nghiệp dịch vụ, về vốn, về kỹ thuật và công nghệ, về kinh nghiệm quản lý và kinh doanh...lại phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài vượt trội về các tiêu chí nêu trên.
- Tiềm lực tài chính so với các tập đoàn kinh tế quốc tế còn quá nhỏ bé, mô hình kinh doanh dịch vụ thiếu tính đa dạng chất lượng dịch vu thấp và thiếu tính chuyên nghiệp.
- Có thể gặp nhiều rủi ro như giảm thì phần, trong giới hạn nào đó, thậm chí có đổ vỡ, phá sản.
Những giải pháp khi gia nhập WTO:- Gia tăng tiềm lực tài chính để tiếp nhận kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
- Đào tạo bổ sung đội ngũ nhân viên dịch vụ có tính chuyên nghiệp cao, nâng cao chất lượng dịch vụ tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, giảm giá thành dịch vụ, kinh doanh dịch vụ một cách văn minh, dựa trên và tuân thủ luật pháp.
- Duy tri các biện pháp giám sát nội bộ, phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro cả trong phạm vi doanh nghiệp, ngành, địa phương, quốc gia, khu vực và thế giới
Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội:Văn hóa, xã hội hướng vào bảo vệ và chăm sóc con người, là lĩnh vực thể hiện tập trung tính ưu việt của chế độ xã hội ta. Việt Nam gia nhập WTO, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tuy không giữ vị trí trọng tâm mở cửa như các lĩnh vực kinh tế nhưng cũng chịu những tác động nhiều mặt, đa dạng, mạnh mẽ, tiềm ẩn các yếu tố gây xung đột xã hội.
Những thuận lợi khi gia nhập WTO: - Có thêm môi trường và không gian mới cho giao lưu và hội nhập, những điều kiện kinh tế mới bảo đảm cho phát triển, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống sức khỏe, tri thức, văn hóa, tính thần nhân dân.
- Tiếp nhận các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc trên thế giới, các giá trị văn hóa hiện đại và mang tính thời đại, mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
- Tiếp nhận các cơ hội giao lưu văn hóa và tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại, qua đó, thông tin và giới thiệu hình ảnh dân tộc, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; thông tin và giới thiệu hình ảnh thế giới với Việt Nam.
- Hợp tác, trao đổi, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật mới trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh, công tác điều trị các bệnh, công nghệ sản xuất thuốc, mạng lưới lưu thông phân phối thuốc.
- Hợp tác tiếp nhận công nghệ giáo dục và đào tạo hiện đại, tăng cơ hội học tập đối với người dân, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo do nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về trình độ kỹ thuật xây dựng các trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Những thách thức khi gia nhập WTO:- Sẽ xuất hiện những diễn biến mới phức tạp trên các lĩnh vực đời sống tinh thần văn hóa, xã hội. Các thế lực phản động trong và ngoài nước sẽ tăng cường chống phá cách mạng nước ta trên các vấn đề: quyền tự do cư trú, tự do ngôn luận, báo chí, xuất bản, lập hội; các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; một số vấn đề lịch sử để lại; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, vấn đề chống buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia....
- Bảo vệ bản sắc văn hóa, lối sống văn hóa, truyền thống và tập quán văn hóa tốt đẹp của dân tộc trước sự xâm nhập của các trào lưu lối sống văn hóa thực dụng và các sản phẩm văn hóa độc hại tư tưởng, nhất là đối với thanh niên, sinh viên, học sinh.
- Trong giáo dục và đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, phân hóa sâu sắc trong những người hưởng thụ giáo dục, khó khăn hơn trong kiểm soát chất lượng giáo dục đối với các trường quốc tế.
- Cạnh tranh quyết liệt hơn với các cơ sở sản xuất văn hóa phẩm; các cơ sở y tế khám, chữa bệnh; các cơ sở giáo dục và đào tạo; các trung tâm huấn luyện thể thao có yếu tố nước ngoài, do nước ngoài đầu tư.
- Tác động lũng đoạn thị trường của các tập đoàn kinh tế nước ngoài đối với các mặt hàng thiết yếu và quan trọng đối với đời sống tinh thần và sức khỏe nhân dân như: xuất nhập khẩu sách, băng đĩa nhạc, tác phẩm điện ảnh, trò chơi giải trí, thuốc chữa bệnh...
- Hình thành các bộ phận, các nhóm xã hội có công ăn, việc làm, thu nhập, nhu cầu tư tưởng tình cảm, nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, phong cách lối sống, thị hiếu thẩm mỹ ... gắn bó và phục vụ các lợi ích bên ngoài, xa rời lợi ích trước mắt và lâu dài của đất nước.
Những giải pháp khi gia nhậpWTO:
Đẩy mạnh phổ biến các giá trị văn hóa tốt đẹp Việt Nam cả truyền thống và hiện đại; tôn trọng các giá trị văn hóa tinh thần có tính dân tộc và tính nhân loại của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
- Nhận diện và tổ chức đấu tranh với sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại tư tưởng; chống tư tưởng tôn sùng và vọng ngoại thái quá.
- Bảo vệ trận địa an ninh tư tưởng, văn hóa; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về văn hóa; đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế-xã hội.
- Trang bị vũ khí tư tưởng, văn hóa cho con người Việt Nam có đủ sức đề kháng trước tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại tư tưởng.
- Phát triển hệ thống y tế công bằng và hiệu quả, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ, tăng cường thể lực của thanh niên.
- Bảo đảm dự trữ quốc gia các loại thuốc đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, điều trị bệnh cho nhân dân; tăng cường hợp tác phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc và thuốc kém chất lượng; ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
- Hỗ trợ người dân nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, người dân yếm thế và dễ bị tổn thương xã hội về chăm sóc y tế và bảo vệ sức khỏe.
- Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”.
- Chuyển đổi mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình mở-mô hình xã hội học tập, học tập suốt đời; tăng cường hợp tác quốc tế giáo dục đào tạo; hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc, miền núi, học sinh là đối tượng chính sách, học sinh giỏi.
- Hoàn chỉnh khung pháp lý để tạo lập cơ sở cho hoạt động dịch vụ giáo dục, đào tạo; thành lập tổ chức kiểm định chất lượng tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các nhà trường; củng cố và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập; đổi mới cơ chế cấp phát ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.
IV - Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp, nguời lao động phải làm gì khi Việt Nam gia nhập WTO?Đối với cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân.
- Tạo sự đồng thuận xã hội trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ quyết định gia nhập WTO của Việt Nam trên cơ sở làm cho mọi người hiểu rõ đây là cơ hội lớn và là sự lựa chọn đúng đắn đối với Việt Nam. Gia nhập WTO sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho đất nước, phát triền mạnh mẽ thương mại, tăng cường thu hút FDI, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế thúc đẩy tốc độ cải cách kinh tế trong nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh.
- Giải toả tư tường tâm lý lo ngại của các doanh nghiệp và người lao động khi Nhà nước giảm thiểu các biện pháp bảo hộ và gia tăng áp lực cạnh tranh quyết liệt cả trong và ngoài nước, bởi cạnh tranh là lợi ích giúp sàng lọc loại tham nhũng doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại phải đổi mới, thích nghi và phát triển.
- Giải toả tư tưởng tâm lý lo ngại về việc giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, bởi cả trước mắt và lâu dài, kinh tế phát triển sẽ tăng thu ngân sách, người lao động sẽ có thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập.
- Chuẩn bị về tư tưởng, tâm lý trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đầy đủ khó khăn, yếu kém của Việt nam khi hội nhập, từ đó chấp nhận thử thách nghiệt ngã, đoàn kết, phấn đấu để vươn lên.
- Giáo dục công dân sống và làm việc theo pháp luật Việt Nam và tôn trọng luật lệ của WTO.
- Chủ động giải quyết nhiều vấn đề phức tạp về nhận thức, cơ chế, chính sách, môi trường khu vực kinh tế tư nhân.
- Góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, nhất là trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông.
- Rèn luyện thành tập quán tôn trọng nhãn hiệu thương mại bản quyền tác giả, bảo vệ thiết kế công nghiệp, tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ.
- Tiếp tục tham gia xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan tới việc thực thi các cam kết của Việt nam với tư cách thành viên WTO.
- Phổ biến và hướng dẫn cho các doanh nghiệp biết các cam kết của Việt Nam với WTO để doanh nghiệp có kế hoạch phù hợp trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh, khai thác thị trường xuất nhập khẩu.
- Hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn có lãi.
- Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, chống tham nhũng, quan liêu, tạo môi truờng đầu tư và kinh doanh lành mạnh; có chiến lược và kế hoạch tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, từ đào tạo kỹ năng người lao động đến nâng cao kiến thức và kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh của đội ngũ doanh nhân.
- Xây dựng kế hoạch an sinh xã hội và các phương án thích hợp để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình gia nhập WTO như bảo vệ môi trường, công nhân đình công, doanh nghiệp phá sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị vi phạm.
Đối với doanh nhân, doanh nghiệp.
- Chủ động tìm hiểu các quy định của WTO, nhất là luật lệ của các đối tác, các cam kết của Việt Nam để có chiến lược và kế hoạch sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
- Chủ động và gia tăng liên kết với nhau tạo thêm tiềm lực tranh thủ thời cơ và ứng phó với những thách thức, rủi ro. Chủ động chiếm lĩnh thị trường nội địa, xâm nhập chiếm lĩnh và từng bước gia tăng thị phần tại thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Chăm lo đào tạo, bồi dương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ người lao động đến cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh.
Đối với người lao động.
- Bình tĩnh trước mọi sự thay đổi có thể, tránh nhận thức phiến diện, hoặc quá kỳ vọng cho rằng Việt Nam vào WTO là thắng lợi huy hoàng mang lại phồn vinh tức thời cho đất nước, hoặc quá bi quan coi WTO như một thực thể nhận chìm nền kinh tế nước ta.
- Có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia cùng Nhà nước và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hiến kế để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
- Tích cực học tập, lao động sáng tạo, vươn lên thích nghi với yêu cầu mới của doanh nghiệp và với biến động của thị trường lao động; đề phòng, chấp nhận và khắc phục những rủi ro khi doanh nghiệp phá sản và người lao động thất nghiệp.
*
* *
Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội lớn đi liền thách thức không nhỏ. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng thuận trong nhận thức và hành động, quyết tâm tận dụng thời cơ lớn, nêu cao ý chí vượt qua thách thức, khó khăn, phát huy cao độ nội lực tự thân bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần lao động cần cù sáng tạo. Với bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống đoàn kết quật cường của dân tộc Việt Nam, chúng ta vững vàng bước vào chặng đường mới, biến khó khăn thành thuận lợi, sáng tạo mọi biện pháp tích cực để xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng./.
BAN TƯ TƯỞNG-VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG