 |
Một cuộc họp hưởng ứng Nghị quyết của đại hội Công đoàn thế giới lần thứ 3 do Công đoàn Bưu điện Việt nam tổ chức tại chiến khu Việt Bắc
| |
Trong giai đoạn mới, dựa trên tính chất đặc thù và điều kiện của Bưu điện là sản xuất, khai thác, Công đoàn Bưu điện đã phát động nhiều cuộc vận động lớn, trước hết tập trung mở rộng phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm nhằm đạt đến tối đa hiệu suất lao động và giảm thiểu chi phí. Rút kinh nghiệm trong giai đoạn trước, Ban Chấp hành Công đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở phải nắm bắt được tình hình thực tế của từng đơn vị, từng bộ phận sản xuất khác nhau từ đó đề ra những yêu cầu và nội dung thi đua phù hợp. Trong đó, vấn đề nâng cao chất lượng thông tin vẫn là yêu cầu chủ yếu và trọng tâm trong phong trào thi đua lao động sản xuất.
Đối với các bộ phận xây dựng kiến thiết cơ bản, công đoàn đưa ra nội dung thi đua chủ yếu là hạn chế sai lầm, nâng cao hiệu suất thiết kế, nâng cao chất lượng công trình, hạ thấp giá thành thi công, chuẩn bị nguyên vật liệu và nhân lực lao động bảo đảm sát và phù hợp với kế hoạch từng bước trong thi công.
Ở các bộ phận văn phòng hành chính và sự nghiệp, nội dung thi đua chủ yếu tập trung hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, giảm thiểu biên chế với phương châm “áp dụng triệt để chế độ thủ tục”. Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu suất công tác và giảm bớt chi phí quản lý hành chính với khẩu hiệu thi đua “sửa đổi lề lối làm việc”. Công đoàn lấy việc hoàn thành tốt chương trình công tác chuyên môn làm mục tiêu thi đua, khích lệ cán bộ viên chức đi sâu vào thực tế, tăng cường liên hệ với quần chúng, lấy việc tăng cường hợp tác giữa nhân viên văn phòng với nhau và với công nhân trực tiếp sản xuất để kịp giải quyết những khó khăn trong kế hoạch, tăng cường công tác tư tưởng, giáo dục lập trường giai cấp đối với cán bộ nhân viên. Ngoài ra, cán bộ công đoàn dựa trên hoàn cảnh, đặc điểm của từng cá nhân để có hình thức tổ chức và phương pháp theo dõi, bình bầu khen thưởng thích hợp để anh chị em công nhân phấn khởi, hăng hái thi đua. Nhờ đó các Bưu cục trên miền Bắc đều có những chuyển biến quan trọng, được các cấp, các ngành và nhân dân khen ngợi.
Qua việc phổ biến và theo dõi thực hiện các nội dung thi đua, công đoàn Bưu điện ở các cấp cơ sở đã thực sự đi sâu vào phong trào sản xuất của quần chúng, coi trọng công tác tổng kết và phổ biến sáng kiến kinh nghiệm tiên tiến, lấy sáng tạo của công nhân viên chức để quản lý tốt xí nghiệp. Những cải tiến kỹ thuật như cân thư kèm giá cước (kim chỉ trọng lượng đồng thời chỉ giá cước) của bưu chính, trục ra dây của bưu điện Lệ Thủy,... được phổ biến rộng rãi. Có những tổ công đoàn lập bản danh dự ghi tên những đồng chí là lao động tiên tiến hàng tháng để biểu dương và nêu gương cho quần chúng. Ngày càng nhiều chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến xuất hiện trên các lĩnh vực, đơn vị. Năm 1960, toàn Ngành có 155 chiến sĩ thi đua và 2.079 lao động tiên tiến.
Công tác tổ chức lãnh đạo và theo dõi thi đua cũng được cải tiến. Thông qua việc sơ kết, tổng kết phong trào, vận động thực hiện giao ước, Công đoàn lựa chọn đơn vị xuất sắc để tổng kết và phổ biến kinh nghiệm tới các phân đoàn trong toàn tỉnh, phát hiện và phổ biến kinh nghiệm của các công đoàn cơ sở trong lãnh đạo các tổ công đoàn huyện. Phong trào giao ước thi đua giữa các ty, các đơn vị với nhau được mở rộng, từ đó đẩy mạnh phong trào giao ước thi đua trong nội bộ cơ sở, lấy việc động viên các tổ và cá nhân cùng bộ phận công tác làm hình thức cơ bản để mở rộng phong trào.
Công tác động viên, khen thưởng cũng được quan tâm hơn, đồng thời với việc tìm hiểu, nghiên cứu chính sách cụ thể để bồi dưỡng công nhân viên chức có thành tích. Khi một đơn vị được tuyên dương khen thưởng, Ban Chấp hành Công đoàn, cán bộ phụ trách chuyên môn cũng được xét thành tích khen thưởng cùng lúc, động viên sự quan tâm của cán bộ lãnh đạo đối với công tác thi đua.
Gắn liền với các phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm là phát động cán bộ công nhân viên chức tham gia sâu hơn, thực chất hơn vào việc cải tiến chế độ dân chủ quản lý xí nghiệp. Công đoàn Bưu điện các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ cán bộ, nhận thức Bưu điện là đơn vị sản xuất thuộc chế độ sở hữu toàn diện có tính chất xã hội chủ nghĩa, trong đó, cán bộ công nhân viên chức vừa là người lao động vừa là chủ nhân thực sự. Mối quan hệ giữa người lãnh đạo xí nghiệp với quần chúng cán bộ công nhân viên chức là quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Từ đầu năm 1958, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc thực hiện từng bước chế độ hạch toán kinh tế tại các xí nghiệp quốc doanh, ngành Bưu điện chuyển thành một xí nghiệp quốc doanh quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế. Nhiều chính sách, chế độ thủ tục về xây dựng cơ bản, về phát hành báo chí được ban hành. Các tiêu chuẩn về kinh tế, kỹ thuật được xây dựng và cải tiến không ngừng để đạt định mức tốt nhất về sử dụng nhân lực, sử dụng vốn, máy móc, vật tư v.v... Vấn đề quản lý vốn lưu động và vốn cố định có ý nghĩa quan trọng, là biện pháp chủ yếu để tiết kiệm vốn, tăng tích luỹ cho Nhà nước và làm cho nguồn vốn phát huy vai trò tích cực đối với sản xuất của Ngành, rất cần đến vai trò giám sát, kiểm tra của công nhân viên chức. Những đổi mới trong hoạt động quản lý của Ngành đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải nhận thức đầy đủ, thi hành dân chủ, tiến hành công tác theo đường lối quần chúng, nêu cao vai trò và trách nhiệm chủ nhân xí nghiệp của cán bộ công nhân viên chức, động viên tính tích cực và sáng tạo của quần chúng trong sản xuất thì tính ưu việt của chế độ mới có thể phát huy được đầy đủ. Tuy nhiên, do chế độ quản lý dân chủ trong Ngành chưa được xây dựng cơ bản và đồng bộ nên quyền hạn và nhiệm vụ của công đoàn trong lĩnh vực này cũng chưa được quy định rõ ràng, nhiều lúc còn phụ thuộc chuyên môn, chậm hơn so với chuyên môn... Những vướng mắc này cần được tháo gỡ kịp thời để không ảnh hưởng đến nhiệt tình công tác của bản thân cán bộ công đoàn và hạn chế quyền lợi dân chủ của cán bộ công nhân viên chức.
Dựa vào Luật Công đoàn, Công đoàn Bưu điện đã phối hợp cùng với chuyên môn xây dựng chế độ quản lý dân chủ ở các cấp. Đồng thời đẩy mạnh chế độ hội nghị sản xuất ở cơ sở, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên chức có thể thảo luận một số vấn đề quan trọng của xí nghiệp, đề ra những quyết nghị thiết thực cho việc đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch, động viên tính sáng tạo và tích cực của quần chúng. Phong trào “mở rộng dân chủ quản lý” còn được đẩy mạnh bằng hình thức giáo dục nâng cao ý thức làm chủ của công nhân viên chức, động viên họ phát hiện những bất hợp lý gây lãng phí nhân công, vật tư, thời gian,… đồng thời đề xuất kiến nghị giải quyết khó khăn trong sản xuất. Công đoàn thu thập ý kiến của công nhân viên chức, cùng chuyên môn nghiên cứu biện pháp giải quyết. Qua đó, công đoàn đã góp phần đảm bảo thực thi quyền dân chủ của công nhân viên chức, làm cho công nhân viên chức thể hiện trách nhiệm chủ nhân xí nghiệp, tích cực thực hiện vai trò giám sát hoạt động chuyên môn, làm cho ý kiến của lãnh đạo gần hơn và gắn chặt với trí tuệ của cán bộ công nhân viên chức, dựa vào quần chúng để quản lý tốt xí nghiệp.
Đi đôi với cải tiến chế độ dân chủ quản lý xí nghiệp, việc phát huy dân chủ đầy đủ trong nội bộ sinh hoạt công đoàn được đẩy mạnh. Các cấp công đoàn đi sâu sát thực tế quần chúng, giáo dục quần chúng về ý nghĩa của việc mở rộng quản lý dân chủ, tổ chức của các hội nghị nâng cao năng suất sản xuất, tăng cường công tác xây dựng tổ công đoàn. Ban Chấp hành công đoàn giám sát theo dõi, giúp chuyên môn và quần chúng thi hành nghị quyết của hội nghị sản xuất. Sau khi mở rộng chế độ dân chủ quản lý xí nghiệp, trách nhiệm của Công đoàn cũng đồng thời được nâng lên cùng với việc kiện toàn sinh hoạt dân chủ tập thể trong nội bộ công đoàn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, nội dung và phương pháp tham gia quản lý dân chủ.
Về công tác đời sống, trong giai đoạn mới, dù đã kết thúc thời kỳ khôi phục kinh tế nhưng do xuất phát điểm thấp, bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề nên sức sản xuất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa còn thấp kém, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Công đoàn Bưu điện phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia giải quyết những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện sinh hoạt, lao động cho cán bộ công nhân viên trong Ngành.
Công đoàn Trung ương tiến hành kiểm tra, khảo sát và điều tra nghiên cứu tình hình thực tế ở từng bộ phận, từng cấp công đoàn để giải quyết các vấn đề theo hướng vì lợi ích quần chúng, vì lợi ích tập thể, vì đoàn kết của cán bộ công nhân viên chức. Công đoàn xác định cải tiến công tác tiền lương và các chế độ phụ cấp phải là một khâu quan trọng trong công tác đời sống và phải kiên quyết thực hiện thành công. Sau khi điều tra, xác định được điểm bất hợp lý, Công đoàn phối hợp với chuyên môn bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, tình hình. Công đoàn Trung ương triệu tập cán bộ các cơ sở về dự hội nghị học tập và đào tạo về tiền lương để công đoàn các cấp có thể tự theo dõi và thực hiện công tác tiền lương thường xuyên. Tháng 7-1957, nhiều loại phụ cấp Ngành quan trọng như phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ, phụ cấp đi đường của giao thông viên, hộ tống viên, điện tuyến được giải quyết. Tiền lương của cán bộ công nhân viên được áp dụng phương thức thanh toán mỗi tháng 2 kỳ. Qua việc tổng kết công tác lương và phụ cấp được thực hiện từ sau hoà bình, Công đoàn Bưu điện Trung ương đã phát hiện, rút ra những kinh nghiệm quý báu.
Công đoàn không chỉ quan tâm cùng chuyên môn trang bị dụng cụ bảo hộ lao động cho những bộ phận sản xuất nguy hiểm, vất vả mà dần nhận thức được trách nhiệm chính của mình là tuyên truyền, giáo dục để công nhân tự ý thức về vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ an toàn lao động. Xuất phát từ phương châm “coi con người là vốn quý nhất”, công đoàn đã phát động phong trào quần chúng rộng rãi về giữ vệ sinh và an toàn lao động. Bước đầu đã khắc phục được tư tưởng trông chờ, phụ thuộc vào chuyên môn trong cung cấp dụng cụ, vật liệu bảo hộ mà chuyển sang hình thức phát huy khả năng tự bảo vệ của người lao động trong sản xuất để giảm thiểu tai nạn lao động có thể xảy ra trong điều kiện trang bị còn thiếu thốn (đặc biệt đối với những bộ phận trực đường dây, hộ tống viên, giao thông đi xe đạp). Phong trào dọn dẹp vệ sinh nơi công sở, nơi sản xuất, bố trí sạch sẽ, ngăn nắp chỗ làm việc, tránh bụi bẩn… nhằm giảm tỉ lệ ốm đau, bệnh tật được đẩy mạnh. Nhờ đó, sức khoẻ công nhân viên chức được bảo vệ và bồi dưỡng tốt hơn, tập trung hoàn thành tốt các kế hoạch sản xuất.
Để cải thiện tốt hơn đời sống cán bộ công nhân viên chức, Công đoàn tổ chức các quỹ tiết kiệm hỗ trợ công nhân viên khó khăn, tổ chức các cuộc thảo luận về kế hoạch chi tiêu khoa học, tổ chức đời sống hợp lý. Ngoài ra, công đoàn tổ chức hướng dẫn làm nghề phụ cho gia đình cán bộ công nhân viên để tăng thu nhập, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt tự cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe... Chế độ cho cán bộ công nhân viên nghỉ phép hàng năm, nghỉ mát mùa hè bắt đầu được áp dụng. Các công đoàn cơ sở kiến nghị với Ngành xây dựng các nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ăn để công nhân viên yên tâm công tác. Đời sống văn hóa tinh thần cũng được coi trọng với việc xây dựng các câu lạc bộ, thư viện, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao...
Kết thúc giai đoạn khôi phục kinh tế ở miền Bắc, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc kiến thiết và xây dựng đặt ra những yêu cầu cao hơn trên lĩnh vực tư tưởng đối với Công đoàn: đó là giáo dục sâu rộng tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, khắc phục những tàn dư tư tưởng tư sản của một bộ phận cán bộ, đề cao trách nhiệm to lớn của công nhân viên chức trong công cuộc củng cố miền Bắc, nâng cao ý thức nghề nghiệp cho cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng của Công đoàn nhiều lúc còn lẫn lộn, chồng chéo với công tác đảng và chuyên môn.
Để khắc phục tình trạng đó, Công đoàn Bưu điện các cấp tiến hành định kỳ thảo luận và nghiên cứu đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục. Các ban tuyên huấn công đoàn tiến hành điều tra phân tích tình hình tư tưởng của công nhân viên chức, sau đó tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, tham mưu cho Ban Chấp hành công đoàn nắm được những phần tử tích cực, lấy đó làm lực lượng nòng cốt để phát động phong trào học tập của quần chúng. Công tác tuyên truyền giáo dục của các cấp công đoàn chú trọng vào một số nội dung lớn trong đó nổi bật là đợt học tập Nghị quyết Trung ương 14 và đợt chỉnh huấn chính trị sâu rộng trong toàn Ngành. Qua đó, giáo dục ý thức giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động, phát huy tinh thần chịu đựng gian khó, cần kiệm liêm chính trong thời kỳ kháng chiến để xây dựng Ngành, xây dựng đất nước; giáo dục ý thức đoàn kết trong cán bộ công nhân viên chức, đoàn kết giữa viên chức cũ và viên chức mới, giữa cán bộ miền Bắc và cán bộ tập kết miền Nam, giữa lao động trí óc và lao động sản xuất chân tay, giữa lãnh đạo với lãnh đạo, giữa lãnh đạo với anh chị em công nhân viên chức... Hình thức và phương pháp tuyên truyền giáo dục cũng được đổi mới, linh hoạt và đa dạng hơn: báo cáo giảng dạy, học tập, nêu gương điển hình tiên tiến, liên hệ kiểm điểm, triển lãm, tham quan, hoạt động văn hoá, thể dục thể thao. Kết quả đạt được từ các hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao tinh thần giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ nghiệp vụ của cán bộ đoàn viên mà còn khắc phục được tình trạng học tập và sinh hoạt nặng nề, làm cho công tác tuyên truyền giáo dục ngày càng đi sâu vào quần chúng.
Thực hiện những chủ trương của Tổng Liên đoàn và Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện lần I, nhiệm vụ hàng đầu của Công đoàn Bưu điện là phải chuyển mạnh hướng công tác hoạt động từ Trung ương đến cơ sở để phong trào công đoàn theo kịp với sự phát triển của Ngành. Tuy nhiên, phương pháp chỉ đạo công tác công đoàn theo ngành dọc còn lúng túng, công tác quản lý, lãnh đạo của cán bộ công đoàn còn yếu, chưa bảo đảm được nguyên tắc lãnh đạo dân chủ tập thể, chưa chú trọng phát triển các phần tử tích cực để giúp việc cho phong trào, chưa xây dựng tốt tổ công đoàn làm hạt nhân gắn kết đoàn viên...
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đó, trước hết Công đoàn Bưu điện tập trung chỉnh đốn lại toàn bộ hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, phân cấp rõ trách nhiệm và chức năng hoạt động của Công đoàn Trung ương và công đoàn các cấp. Ban Chấp hành công đoàn các cấp được bầu lại theo đúng nhiệm kỳ đã định, mở rộng phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, để cán bộ đoàn viên trực tiếp tham gia bàn bạc mọi công việc của công đoàn. Bên cạnh đó, chú trọng vai trò công đoàn ở các vùng dân tộc, ở các thành phố lớn... để có quy định rõ ràng, phù hợp hơn. Cán bộ công đoàn cấp trên (nhất là công đoàn Trung ương) thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo sát hơn với từng công đoàn bộ phận. Qua đó, rút ra kinh nghiệm trong việc bổ sung, xây dựng những chủ trương mới thiết thực và phù hợp hơn, ngày càng kiện toàn sự lãnh đạo của cấp trên với cấp cơ sở, hoàn thiện dần chế độ lãnh đạo theo ngành dọc.
Việc tập trung xây dựng các tổ công đoàn nghề nghiệp mạnh là một biện pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả hoạt động. Do đặc thù của Bưu điện là đơn vị sản xuất phân tán, ở mỗi đơn vị, mỗi cơ sở lại có nhiều loại nghiệp vụ khác nhau nên trong mỗi phong trào, công đoàn cấp trên chỉ đặt ra chủ trương chung, còn mỗi cấp công đoàn tự đặt ra nhiệm vụ cụ thể phù hợp với đơn vị mình. Do đó, muốn phong trào công đoàn phát triển tốt, phải xây dựng được các tổ công đoàn mạnh, chủ động, độc lập công tác, không phụ thuộc, ỷ lại, chờ đợi cấp trên. Tổ công đoàn đi sâu, đi sát phong trào, nắm sát điều kiện lao động sản xuất của từng cá nhân, từng bộ phận để tham gia đề đạt ý kiến trong xây dựng chế độ tiền lương, phụ cấp v.v...
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn chú trọng hơn đến việc đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở, bồi dưỡng các phần tử tích cực để hỗ trợ hoạt động công đoàn. Khối lượng công việc cấp cơ sở rất lớn trong khi thường chỉ có một đến hai cán bộ chuyên trách công đoàn, phần tử tích cực là người giúp việc quan trọng cho phong trào, là nguồn dự trữ để đào tạo cốt cán bổ sung vào đội ngũ cán bộ công đoàn. Theo phương châm đó, công đoàn cơ sở đã tìm tòi những nhân tố tích cực trong sản xuất, dựa vào đó tạo dựng mối quan hệ mật thiết với quần chúng, huy động mọi khả năng của quần chúng giải quyết khó khăn trong công tác.
Sau sáu năm hoà bình cùng toàn miền Bắc tập trung khôi phục và xây dựng kinh tế, trong hoàn cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp kém, lạc hậu, lại bị chiến tranh kéo dài tàn phá (13 năm), ngành Bưu điện đã khắc phục mọi thiếu thốn về nguyên liệu, về kỹ thuật, về nghiệp vụ, trình độ quản lý và tổ chức để đưa Bưu điện từ nền bưu điện kháng chiến lạc hậu tiến dần lên theo hướng chính quy, hiện đại, cơ khí hoá trong đó có phần đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn Bưu điện Việt Nam. Trong quá trình đó, Công đoàn đã hết sức tập hợp, đoàn kết và động viên quần chúng, đẩy mạnh và mở rộng phong trào thi đua sản xuất, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm. Qua đó, các cấp công đoàn giáo dục và tổ chức toàn thể cán bộ, công nhân viên chức phát huy truyền thống tốt đẹp của cuộc đấu tranh gian khổ trong thời kỳ kháng chiến, của 6 năm lao động hoà bình, tăng cường đoàn kết thống nhất, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thông tin trong thời kỳ mới; đưa phong trào công đoàn ngày càng đi sâu, đi sát vào sản xuất, vào quần chúng, góp phần hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ngành.
Theo Lịch sử Công đoàn BĐVN.