Tìm kiếm:
ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM, LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2013 - 2018:
CÁC KỲ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN:
Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam
14:52' - 05/12/2012
Đồng chí Tổng cục trưởng Trần Quang Bình tham gia lao động tuần hai buổi tại Nhà máy Thiết bị Bưu điện trong phong trào thi đua ba cao điểm.
Năm 1961 được lấy là mốc đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đồng thời đánh dấu sự kiện quan trọng của giai cấp công nhân và lao động toàn quốc: từ ngày 23 đến ngày 27-2-1961, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội chỉ rõ: trong giai đoạn cách mạng hiện nay, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản vừa thi đua lao động sản xuất và chi viện cho miền Nam để thực hiện thắng lợi hai ngọn cờ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Nhiệm vụ của các tổ chức công đoàn là đoàn kết, tổ chức, giáo dục toàn thể công nhân viên chức phát huy khí thế cách mạng, khí thế làm chủ và tính tích cực sáng tạo của quần chúng, làm cho quần chúng mau chóng nắm vững kỹ thuật tiên tiến để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, trước mắt là thi đua hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ này, Tổng Công đoàn Việt Nam  đã phát động công nhân viên chức lao động tham gia cuộc vận động phấn đấu trở thành “tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”.

Những chủ trương, phương hướng của Đại hội tạo ra cơ sở cho bước tiến mới trong phong trào công nhân và công đoàn toàn miền Bắc.

Cuối năm 1960, Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện đã tổng kết đánh giá toàn diện phong trào “người lao động tiên tiến, tổ và đơn vị tiên tiến” được thực hiện trong các cấp công đoàn Bưu điện những năm trước. Hội nghị xác định phải đưa phong trào lên bước phát triển mới cao hơn trong những năm tiếp theo. Đại hội công nhân viên chức và đại hội công đoàn cơ sở được tiến hành sớm hơn, tạo thuận lợi cho cán bộ và công nhân viên chức nắm được kế hoạch thi đua từ đầu năm, bàn biện pháp phấn đấu. Nhờ đó, khi Tổng Công đoàn mở cuộc vận động xây dựng “tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa” thì trên thực tế, phong trào toàn ngành Bưu điện đã được khởi động, lan tỏa nhanh chóng.

Được nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Công đoàn chỉ dẫn, trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Trung ương đã tổ chức học tập cho cán bộ công đoàn cơ sở về tinh thần tr¸ch nhiệm và ý thức phục vụ của các tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa - những hạt nhân đầu đàn trong phong trào công nhân viên chức. Về phía cán bộ công nhân viên, tinh thần hăng hái thi đua trong thực hiện thắng lợi kế hoạch ba năm (1958-1960) vẫn nóng bỏng, lại được động viên, cổ vũ bởi các chính sách vừa mới ban hành của Nhà nước, của Ngành (như chính sách Bảo hiểm xã hội, thưởng nâng cao chất lượng hoàn thành vượt mức kế hoạch, chế độ đãi ngộ đối với trạm Bưu chính xã), càng phấn khởi tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”. 

Nằm trong mục tiêu chung phấn đấu “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, cuối năm 1961, Công đoàn Bưu điện phát động phong trào thi đua “Học tập Duyên hải” . Nội dung chủ yếu của phong trào thi đua với Duyên Hải là phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sửa đổi tác phong làm việc, nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tiết kiệm thời gian, nhân công, nguyên vật liệu... Các đơn vị đồng loạt hưởng ứng “Học tập Duyên Hải” với khẩu hiệu: “thư, điện, báo đúng, nhanh, phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, quyết tâm hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch”. Công đoàn các cấp đã xây dựng các giao ước thi đua cụ thể trên từng lĩnh vực, tiến hành kí giao ước bằng văn bản cho các đơn vị tham gia, kiểm điểm quá trình giao ước và tiến hành sơ kết, phổ biến kinh nghiệm. Qua phong trào thi đua Duyên hải, các đơn vị của Ngành từ sản xuất, khai thác, phục vụ, sự nghiệp đã cổ vũ, động viên nhau hoàn thành vượt mức kế hoạch thường xuyên, hàng quý, hàng tháng, 6 tháng và hàng năm. Trong mỗi dịp tổng kết thắng lợi hoàn thành kế hoạch, các bộ phận, đơn vị đều mời các đơn vị bạn tham gia để trao đổi, học tập kinh nghiệm và chào mừng thành tích của nhau. Phong trào “thi đua Duyên Hải” đã thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, sôi nổi, ngày càng đi vào thực chất và đạt được những kết quả to lớn:

Những hoạt động sôi nổi đó ở khắp các công đoàn cơ sở trong phong trào thi đua “học tập Duyên Hải” đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua chung, lớn và xuyên suốt của toàn Ngành “xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa” ngày càng sôi động dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Công đoàn Việt Nam.

Tháng 5-1962, tại Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3, Tổ Điện báo Nội A của Bưu điện Hà Nội vinh dự được Chính phủ công nhận là Tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Đây là tập thể tiên tiến điển hình đầu tiên trong phong trào thi đua “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa” của toàn Ngành. Sau sự kiện này, phong trào thi đua phát triển lên một bước cao hơn cả về chất và lượng.

Trong những thành tích lớn lao của các đơn vị toàn Ngành giai đoạn này, nổi bật lên là thành tích đặc biệt của Tổ phát thư Hải Phòng. Thư từ là nhu cầu trao đổi tình cảm thường xuyên và thiêng liêng của nhân dân, tuy nhiên, trong điều kiện hai miền Nam - Bắc bị chia cắt, liên lạc quốc tế khó khăn, hiện tượng thất lạc, chậm trễ, hỏng rách của những lá thư trong quá trình vận chuyển là việc vẫn thường xảy ra. Từ nhận thức sâu sắc ý nghĩa của công tác phát thư, xuất phát từ lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao, trong một thời gian ngắn, Tổ phát thư Hải Phòng đã làm được công việc tưởng chừng như “mò kim đáy bể” - phát tới tận tay người nhận hàng trăm bức thư không rõ, không đủ địa chỉ mà thông thường, những lá thư loại này không thể chuyển được, bưu điện chỉ có thể trả về người gửi hoặc lưu lại. Những bức thư này khi đến được tay người nhận đã đem lại nỗi vui mừng, hạnh phúc khôn xiết, qua thư, nhiều gia đình đã đoàn viên, sum họp, nhiều tấm lòng được chắp nối, nhiều vấn đề dang dở trong công tác, trong đời sống của nhân dân được tiếp tục... Bằng nỗ lực đáng khâm phục đó, những bưu tá Tổ phát thư Hải Phòng đã gây được ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong nhân dân đối với nhân viên bưu điện cách mạng. Trong bối cảnh toàn ngành Bưu điện đang trong đà thi đua sôi nổi nhưng những hiện tượng sai lầm, chậm trễ trong công tác, thái độ phục vụ thiếu nhiệt tình, tư tưởng chưa an tâm công tác ở những bộ phận như bưu tá, chia thư v.v... vẫn thường xảy ra thì thành tích của Tổ phát thư Hải Phòng rất cần được nêu gương và nhân rộng. Công đoàn Trung ương phối hợp với Tổng cục phát động phong trào “Học tập tinh thần trách nhiệm của Tổ phát thư Hải Phòng” sâu rộng trong toàn Ngành, yêu cầu công đoàn cơ sở các cấp vận dụng sáng tạo tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của Tổ phát thư Hải phòng phù hợp với đặc thù sản xuất, khai thác của từng đơn vị nhằm mục tiêu cao nhất là cải tiến tổ chức, tác phong làm việc, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến nghiệp vụ, kỹ thuật, cải tiến tác phong phục vụ…

Chỉ sau mấy tháng phát động phong trào, kết quả đạt được hết sức khả quan. Cán bộ bưu tá khắc phục khó khăn, giao tận tay người nhận hàng ngàn bức thư khó phát. Tại Hà Nội, có bưu tá một ngày phát hàng chục bức thư thiếu địa chỉ, sai địa chỉ: có bức thư gửi ông Trần Độ ở số nhà 14-16 Hà Nội, bưu tá các tuyến phố đã rà soát những phố có số nhà nói trên, cuối cùng đã phát đúng người nhận ở 14 - 16 Hàng Vôi; hoặc có lá thư từ nước ngoài gửi về địa chỉ Albert Clavier, 29 Rue Ba te Ha Noi, Hà Nội từ lâu không tồn tại tên phố này, cán bộ bưu tá sau nhiều ngày tìm kiếm, hỏi những người sống lâu năm ở Hà Nội và phát được cho người nhận ở số nhà 29 Nguyễn Lộ Trạch. Bưu tá Minh ở Bưu điện Bắc Kạn nhận công văn của Ban Thanh tra Trung ương gửi cho bà Nguyễn Thị Diệp ở phố Minh Khai, Bắc Kạn nhưng khi đến phố này thì không có người nào tên là Diệp, anh đã tìm hiểu trong thời gian này ở địa phương có trường hợp nào khiếu nại lên Thanh tra Trung ương hay không thì tìm được bà Phạm Thị Dụt - đây chính là người được nhận bức điện. Tại Hưng Yên, điện tá viên Phan Quốc Biên có thành tích phát hàng chục bức điện sai địa chỉ, tiêu biểu như bức điện của bà Vũ Thị Tâm xã Quảng Châu, dù lúc đó nước sông Hồng đang ở mức báo động cấp 2, anh vẫn thuê thuyền đi phát điện, khi tìm được nhà thì bà Tâm đã đi Hà Nam, anh tiếp tục thuê thuyền sang Hà Nam phát điện đến tận tay người nhận. Tại Bưu điện Thái Nguyên, điện tá viên nhận phát bức điện gửi cho Đào Bích Ngọc, ở số nhà 27 phố Lao Động, sau nhiều giờ hỏi thăm ở nhiều khu phố, nhờ nhân dân giúp đỡ, anh đã phát đúng người nhận ở số nhà 27 phố Sản Xuất. Tại Bưu điện Hải Dương, điện tá mất hai tuần lễ tìm kiếm, rà soát, cuối cùng phát được tận tay người nhận một bức điện từ Campuchia gửi theo địa chỉ cũ từ thời Pháp thuộc...

Phong trào học tập tinh thần Tổ phát thư Hải Phòng không chỉ diễn ra sôi nổi trong các bộ phận bưu chính mà còn lan rộng sang các đơn vị, bộ phận khác. Trong công tác phát hành báo chí, ý thức phục vụ, ý thức quản lý kinh doanh của cán bộ công nhân viên được nâng lên rất nhiều. Điều đáng chú ý là phong trào đã lan rộng đến phòng huyện, trạm bưu chính xã - những nơi phong trào thi đua vốn ít sôi nổi. Công tác chuyển vận thư báo đảm bảo thường xuyên và nhanh chóng hơn trước. Việc đưa các loại báo chủ yếu vào các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng phát triển (đặc biệt là thành tích của Bưu điện Yên Mỹ đã được nhiều công đoàn hưởng ứng). Việc thu hồi nợ đọng và thu tiền báo chí đã đi vào quy củ, thường xuyên .

Trong không khí thi đua sôi nổi của toàn Ngành hưởng ứng các phong trào lớn “phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, “Học tập Duyên Hải”, “Học tập tinh thần Tổ phát thư Hải Phòng”, các cấp công đoàn Bưu điện đồng thời quan tâm phát động cán bộ công nhân viên chức phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý nhằm góp phần giải quyết những khâu còn yếu trong sản xuất, quản lý. Ngày càng có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, máy móc được nhân ra diện rộng (năm 1961 có 1.674 sáng kiến, năm 1962 có 2.462 sáng kiến). Có sáng kiến tăng năng suất từ 100 - 120%, đã giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất, tiết kiệm được nhiều nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm. Tháng 7-1962, công nhân Nhà máy Bưu điện Truyền thanh có sáng kiến thu nhặt sắt vụn, tự nấu thành công thép nam châm, giải quyết được khó khăn về nguyên vật liệu, tiết kiệm cho công quỹ hàng trăm đồng; cải tiến cách nấu tụ điện dùng trong máy thu chỉ mất 45 phút (trước đây là 2 giờ 30 phút); cải tiến cách uốn cosse máy thu bán dẫn, tăng năng suất lên 400%. Công nhân Bưu điện Hà Đông cải tiến dòng điện hai chiều thành điện một chiều sử dụng trong máy điện thoại để tiết kiệm pin khô - mặt hàng phải nhập khẩu. Công nhân Bưu điện Hải Dương thiết kế đường điện bằng hệ thống cột xi măng thay cho cột gỗ, cột tre tạo ra một bước ngoặt về kỹ thuật điện chính. Bộ phận nghiệp vụ ở các cơ quan Cục, Vụ, văn phòng Tổng cục trong phong trào “3 cải” cũng đã có nhiều sáng kiến cải tiến quản lý: tăng cường việc giám sát, kiểm tra các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bộ phận ngân vụ cải tiến mức kiểm soát đối chiếu thư chuyển tiền từ 450 lên 550 cái một ngày; bộ phận đánh máy khắc phục tình trạng thiếu giấy bằng việc tự sản xuất ra giấy nến in rônêô...

Trong quá trình đẩy mạnh thi đua phát huy sáng kiến, cơ sở nào có nhiều hình thức tuyên truyền, chú ý công tác tổ chức và động viên phát huy sáng kiến thì ở đó sáng kiến nảy nở nhiều (Hà Nội, Hải Phòng). Công đoàn Trung ương xác định muốn đẩy mạnh thi đua phát huy sáng kiến đồng thời phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng đến việc đa dạng hoá các hình thức, biện pháp tuyên truyền.

Từ cuối năm 1962, các hình thức tuyên truyền cổ động có nhiều cải tiến, giảm bớt sự xơ cứng, đơn điệu: ngoài việc tổ chức học tập, còn có hình thức viết báo tường, phát thanh, tổ chức bảo tàng triển lãm thành tích. Các công đoàn cơ sở đã thực hiện ngày càng hiệu quả hơn việc tuyên truyền, điển hình là công đoàn Bưu điện Hà Nội và Công đoàn Bưu điện Hải Phòng. ở Hải Phòng, không những Tổ phát thư mà các bộ phận khác như tiếp phát, điện thoại, phát hành báo chí, hành chính đều có những bước tiến bộ vượt bậc. Công đoàn Bưu điện Hải Phòng đã phối hợp với chuyên môn đưa tin thi đua của những bộ phận đó lên tờ tin của Ngành, lên báo chí, đài địa phương, nhờ đó, tác dụng tuyên truyền rất cao. Hải Phòng cũng là đơn vị duy nhất trong Ngành thực hiện được hình thức bảo tàng có tác dụng giáo dục rất lớn. Công đoàn Bưu điện Hà Nội phân công mỗi ngày một đơn vị cung cấp tin tức thi đua và cá nhân có sáng kiến lên phát thanh.

Cuối năm 1962, Công đoàn Trung ương phối hợp với Tổng cục thực hiện một hình thức tuyên truyền mới: tổ chức cuộc thi viết về “người mới việc mới” để động viên phong trào phát huy sáng kiến. Những bài viết hay, đáp ứng yêu cầu đã được giải thưởng của Tổng cục, được đăng trên tờ tin của Ngành và được Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh. Để bồi dưỡng cho phong trào viết tin tức và viết về “người mới việc mới”, nhiều đoàn viên đã được giới thiệu đi dự lớp bồi dưỡng của Đài tiếng nói Việt Nam. Đây là bước tiến bộ mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn Bưu điện, giúp phong trào phát huy sáng kiến cải tiến quản lý, kỹ thuật ngày càng sâu rộng, làm tăng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu chi phí sản xuất. Qua các đợt tuyên truyền vận động thi đua, không những ý thức tư tưởng, trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa của cán bộ công nhân viên được nâng lên, mà bản thân công tác tuyên truyền giáo dục của Công đoàn cũng không ngừng tiến bộ.

Cùng với vận động thi đua sản xuất, việc đẩy mạnh thực hiện tham gia quản lý dân chủ ở cơ quan, đơn vị là hai mặt trong một vấn đề được công đoàn tiến hành song song nhằm đảm bảo vai trò làm chủ thực sự của công nhân viên chức. Trong giai đoạn này, việc phát huy tinh thần dân chủ trong quản lý, sản xuất của công đoàn biểu hiện trên ba nét lớn: đẩy mạnh tổ chức hội nghị công nhân viên chức, hội nghị sản xuất và tổ chức lập các quản ở tổ công đoàn.

Ngay từ cuối năm 1960, dưới sự hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, Công đoàn Bưu điện cùng với Tổng cục xây dựng quy định chế độ tiến hành hội nghị công nhân viên chức. Bước sang năm 1961, Công đoàn Bưu điện các cấp đã tiến hành hội nghị công nhân viên chức đúng thời hạn quy định (3 tháng, 6 tháng) mỗi năm hai lần, có nhiều đơn vị tiến hành ba lần. Việc mở hội nghị công nhân viên chức ở các đơn vị là một hình thức dân chủ rộng rãi theo đúng tinh thần Luật công đoàn, kết hợp được công tác chính trị với chuyên môn, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của công nhân viên chức, qua đó, phát hiện những bất cập, sai lầm trong quản lý (quản lý sản xuất, quản lý kinh tế và kỹ thuật), đề ra biện pháp giải quyết. Nhiều công đoàn cơ sở đã hướng hội nghị đi sâu vào những vấn đề trọng tâm trong quản lý như thảo luận và bàn bạc các biện pháp nâng cao chất lượng sản xuất, hiệu quả quản lý kinh tế... Nhờ đó, qua các hội nghị đã phát huy được tính sáng tạo của quần chúng, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất của đơn vị.

Nhằm phát huy cao nhất dân chủ trong quản lý, dưới sự chỉ đạo của Tổng công đoàn và Công đoàn Bưu điện Trung ương, công đoàn các cơ sở đã hướng dẫn thành lập các quản ở cấp tổ. Các quản có nhiệm vụ theo dõi quản lý trên nhiều mặt, phổ biến trong những năm 1961, 1962 là hình thức 4 quản ở các bộ phận khai thác nghiệp vụ, 5 quản ở các bộ phận sản xuất và xây dựng . Các tổ công đoàn đã hướng dẫn công nhân tham gia 4 quản, 5 quản và từng quản theo dõi một lĩnh vực khác nhau, có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình quản lý ở các quản. Trong mỗi quản đã thực hiện chế độ bàn bạc tập thể và dân chủ trong thực hiện chi tiêu, kế hoạch sản xuất và các mặt chất lượng, nguyên vật liệu, lao động. Trong quản có sự phân công mỗi người chịu trách nhiệm một phần việc. Phong trào tham gia các quản lan rộng trong các tổ công đoàn, có những đơn vị đạt 100% số tổ viên tham gia các quản.

Để đảm bảo việc kiểm tra, theo dõi chặt chẽ, kịp thời hoạt động của các quản, hàng tháng các tổ công đoàn thường xuyên tiến hành hội nghị sản xuất. Tại các hội nghị sản xuất ở tổ, Công đoàn nghe chuyên môn báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch của tổ do công đoàn hướng dẫn, sau đó tiến hành kiểm điểm các quản, quản nào hoạt động chưa tốt thì hội nghị bàn bạc, rút kinh nghiệm và đưa ra biện pháp hỗ trợ. Phần cuối của hội nghị sản xuất là sự trao đổi, bàn bạc dân chủ, đi đến thống nhất kế hoạch cụ thể cho tháng sau.

Bên cạnh những mặt tiến bộ, công tác phát huy quản lý dân chủ vẫn còn những tồn tại, hạn chế: vai trò giám sát của công đoàn theo tinh thần Luật Công đoàn chưa được phát huy đúng mức; đại hội công nhân viên chức chưa đúng nội quy đã quy định, thậm chí có những công đoàn cơ sở lớn như Bưu điện Phú Thọ chưa mở kỳ đại hội công nhân viên chức nào trong năm 1961, 1962; Tổ sản xuất là nơi hàng ngày quần chúng bàn bạc những biện pháp cụ thể về kỹ thuật, tổ chức làm việc, nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập; tổ chức và các chế độ quản lý còn bất hợp lý, năng suất lao động thấp, tham ô lãng phí vẫn còn phổ biến...

Bên cạnh vận động thi đua lao động sản xuất, công tác đời sống là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Công đoàn hướng tới cải thiện hơn nữa đời sống công nhân, khuyến khích tinh thần hăng say lao động. Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ II cũng đã nêu rõ: “Công đoàn phải ra sức phát huy tác dụng tích cực của mình trong việc chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của công nhân viên chức, công đoàn cần tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách lao động và các biện pháp về cải thiện đời sống của Đảng và Nhà nước, đồng thời phát động lực lượng quần chúng tự tổ chức đời sống của mình”. Đối với công tác tiền lương, tiền thưởng, trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ công tác tiền lương năm 1958, công đoàn cùng bộ phận tiền lương của Tổng cục Bưu điện điều chỉnh những điểm cơ bản: thực hiện chế độ lương ngày, chế độ bảo hiểm xã hội và thực hiện thưởng hoàn thành kế hoạch.

Từ năm 1962, Ngành bắt đầu thực hiện chế độ lương ngày và tiến hành điều chỉnh lương phù hợp với từng loại lao động (trực tiếp sản xuất, phục vụ, hành chính văn phòng...). Công đoàn các cấp đã khẩn trương tiến hành giáo dục chính sách lương mới đảm bảo tính nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa, có lợi cho người lao động. Sau một thời gian áp dụng thực tế, được công đoàn giáo dục chính sách, nắm được nội dung và tầm quan trọng của vấn đề, cán bộ công nhân viên phấn khởi khi thấy mức thu nhập của mình tăng lên rõ rệt, thấy việc điều chỉnh chế độ lương là đúng đắn và ghi nhận nỗ lực của Công đoàn trong việc tham gia cùng với Ngành xây dựng và cải tiến chế độ lương. Thực hiện chế độ lương ngày không những có tác dụng khuyến khích tăng năng suất, bảo đảm chất lượng lao động mà còn nâng cao hơn ý thức kỷ luật của người lao động (vì tính công bằng, kỷ luật trong việc chấm công hàng ngày).

Sau khi Chính phủ ban hành chế độ bảo hiểm xã hội, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Tổng Công đoàn, Công đoàn Bưu điện đã cùng Tổng cục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên. Đây là mảng công tác mới, chưa từng được thực hiện nên trong quá trình tiến hành, Công đoàn cơ sở luôn bám sát sự chỉ đạo của Liên hiệp công đoàn các địa phương để vận dụng phù hợp chính sách. Nhờ đó, mặc dù bước đầu áp dụng nhưng những chế độ bảo hiểm cơ bản như hưu trí, thai sản, tuất... thực hiện tương đối hợp lý và được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ viên chức.

Từ năm 1962, Công đoàn Bưu điện các cấp phối hợp cùng bộ phận quản lý chuyên môn thực hiện rộng rãi chế độ “thưởng nâng cao chất lượng và hoàn thành vượt mức kế hoạch”. Công đoàn các cấp giáo dục chính sách, giáo dục tinh thần trách nhiệm cho công nhân viên chức bưu điện, từ đó, mỗi người tự đặt cho mình tỉ lệ sai sót trong công tác ở mức tối thiểu. Công đoàn đã tư vấn, giúp đỡ tổ, đơn vị, cá nhân đăng ký mức thưởng và hoàn thành định mức đặt ra. Thông qua công tác vận động thực hiện “thưởng nâng cao chất lượng”, công đoàn đã đi sâu hơn vào sản xuất, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, đồng thời quần chúng nhận rõ hơn vai trò, tác dụng của công đoàn trong việc nâng cao đời sống. ở các đơn vị, cơ sở đã thi đua nâng cao chất lượng, đẩy mạnh sản xuất, thu về số tiền thưởng đáng kể, bổ sung vào nguồn thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Có những tổ đạt 100% số tổ viên được đạt mức thưởng với số tiền trung bình khoảng 6 đồng mỗi người/một quý. Tỉ lệ tổ và cá nhân đăng kí mức thưởng ngày càng nhiều và tỉ lệ đạt định mức ngày càng tăng (năm 1962: quý I đạt 57%, quý II đạt 59,5%, quý III: 65%). Trong hai năm 1962, 1963, tổng số tiền “thưởng nâng cao chất lượng” đã lên tới 53.000 đồng.

Công tác tổ chức Công đoàn cũng không ngừng được củng cố và phát triển bên cạnh sự phát triển của tổ chức chuyên môn. Ngày 25-3-1961, Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã bầu đồng chí Phạm Văn Nam (tức Nam Sơn) làm Chánh Thư ký thay đồng chí Hoàng Bắc chuyển công tác; bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Chi làm Phó Thư ký và phân công lại nhiệm vụ cụ thể trong Ban Thường vụ1. Thực hiện chủ trương thống nhất sự nghiệp thông tin của Chính phủ, tháng 2-1962, Tổng cục Bưu điện đã sát nhập thêm bộ phận Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh. Với sự hợp nhất Truyền thanh vào Bưu điện, tổ chức Công đoàn cũng tiến hành hợp nhất. Số đoàn viên tăng lên nhanh, từ  5.149 đoàn viên đầu 1960 tăng lên 8.023 đoàn viên năm 1962; nhiều đơn vị mới được thành lập (1959 có 40 cơ sở công đoàn, năm 1960 là 45 cơ sở). Số đoàn viên chiếm tỉ lệ trên 81% cán bộ viên chức toàn Ngành. Việc thống nhất tác động tốt đến tâm lý của cán bộ công nhân viên cả hai hệ thống, cán bộ Bưu điện và Truyền thanh đều phấn khởi trước sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn Ngành mình, từ đó chia sẻ, tương trợ lẫn nhau trong công tác, sản xuất, trong sinh hoạt, học tập, động viên nhau thi đua hoàn thành kế hoạch chung của Ngành. Đối với cán bộ công nhân viên bộ phận truyền thanh, sau khi sát nhập, được sự giúp đỡ to lớn của Bưu điện về phương tiện, kỹ thuật, về phương pháp điều khiển máy móc hiện đại hỗ trợ phát thanh nên rất phấn khởi, hào hứng. Kết quả thi đua năm 1962 của bộ phận truyền thanh đã hoàn thành ở mức cao dù đây là năm có biến động lớn về mặt tổ chức. Sự hợp nhất đó đòi hỏi Công đoàn phải tăng cường hơn nữa công tác tổ chức và xây dựng, tăng cường đoàn kết thống nhất giữa đoàn viên hai bộ phận, tham gia tích cực giải quyết những khó khăn cho công nhân viên chức bộ phận truyền thanh.

Sau Hội nghị Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc (1962), Tổng Công đoàn cũng như các công đoàn ngành đều nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề củng cố công đoàn cơ sở và tập trung vào nhiệm vụ này. Vai trò kiểm tra, đôn đốc của Công đoàn Trung ương được đẩy mạnh, qua đó, có tác dụng giúp đỡ các công đoàn cấp dưới thi đua hoàn thành kế hoạch. Trong năm 1962, cùng với cán bộ kiểm tra của Tổng Công đoàn, Công đoàn Bưu điện đã xuống các cơ sở kiểm tra tình hình hoạt động, kip thời phát hiện và uốn nắn những lệch lạc của đơn vị cấp dưới (như công đoàn Bưu điện Lạng Sơn, quá chú trọng tăng gia cải thiện, coi nhẹ thi đua nên chưa hoàn thành kế hoạch đầu năm). Trong củng cố Công đoàn cơ sở, biện pháp mấu chốt là sử dụng, bồi dưỡng phần tử tích cực và bồi dưỡng cán bộ công đoàn, đặc biệt là tổ trưởng công đoàn. Các tổ Công đoàn đã nắm sát các phần tử tích cực, bồi dưỡng và sử dụng làm hạt nhân ở các quản, các tiểu ban hoạt động. Nhờ đó, công tác công đoàn cơ sở đã đi sâu hơn vào các nội dung thi đua sản xuất, bám sát quần chúng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong lao động sản xuất và trong đời sống của cán bộ công nhân viên. Công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn được đẩy mạnh hơn, Công đoàn Trung ương đã mở nhiều đợt tập huấn các nội dung công tác công đoàn cho trên 70 cán bộ chủ chốt, Ban Chấp hành cơ sở, Thư ký Công đoàn bộ phận và một số Tổ trưởng tổ tiên tiến. ở cấp cơ sở, các hội nghị chuyên đề từng mặt công tác công đoàn thường xuyên được tổ chức nhằm trau dồi thêm kinh nghiệm cho cán bộ. Hầu hết Tổ trưởng, Tổ phó Công đoàn được đào tạo nâng cao, bồi dưỡng thêm về lý luận và nghiệp vụ công đoàn, về kinh nghiệm lãnh đạo phong trào ở các trường Công đoàn địa phương.

Công tác nữ công được chú trọng hơn trước, việc vận động phụ nữ thi đua lao động đã đạt được kết quả tốt. Nhiều tổ phần đông là nữ giới đã đăng ký phấn đấu trở thành Tổ lao động xã hội chủ nghĩa như Tổ điện báo Nội A, Tổ điện thoại Nam Định. Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp với chuyên môn, Đoàn Thanh niên để hoàn thành các công tác công đoàn như xây dựng đơn vị, cá nhân tiên tiến, phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa... đạt hiệu quả cao hơn.

Những mặt tiến bộ trong công tác củng cố và xây dựng tổ chức công đoàn trong những năm 1961, 1962 có tác động tích cực đến các mặt công tác khác của công đoàn, góp phần cùng Ngành tiến tới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.

Theo Lịch sử Công đoàn BĐVN
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá II (1960-1963) (05/12/2012)
1
CÁC TIN KHÁC:
 Công đoàn Bưu Điện Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã qua 13 kỳ Đại hội (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam trước tháng 12/1957 (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá I (1957-1960) (07/11/2012)
 Đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội I Công đoàn Bưu điện VN (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ III Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam (11/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam khoá III (1963-1968) (11/12/2012)
 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá IV (1968-1973) (18/12/2012)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV (18/12/2012)
 Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá V (1973-1978) (18/12/2012)
 Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam (18/12/2012)
 Thống nhất, củng cố tổ chức Công đoàn Bưu điện trong cả nước (18/12/2012)
 Vận động cán bộ công nhân viên đẩy mạnh thi đua, bước đầu thiết lập mạng lưới thông tin Bưu điện thống nhất (18/12/2012)
 Một số bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 1954-1975 của Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
1 2 3
TIN ẢNH
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam