Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam10:30' - 07/11/2012
|
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam | | Hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế (1954-1957), toàn miền Bắc sôi nổi bước vào thời kỳ thực hiện “Kế hoạch ba năm cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá” (1958-1960) theo tinh thần Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II (tháng 11-1958). Thực hiện chủ trương của Đảng, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các Công đoàn trực thuộc kịp thời chuyển hướng công tác công đoàn, hướng trọng tâm hoạt động vào phục vụ những nhiệm vụ kinh tế - xã hội cơ bản của miền Bắc. Trong tình hình mới, nhiệm vụ chủ yếu của ngành Bưu điện được giao trong kế hoạch ba năm là: - Tăng cường sự phục vụ chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng và phục vụ dân sinh, đặc biệt chú trọng nông thôn, miền núi và các cơ sở kinh tế mới.
- Tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa Bưu điện các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ bưu điện với các nước.
- Đẩy mạnh bằng mọi hình thức, đấu tranh lập lại quan hệ bưu điện bình thường Bắc- Nam.
Trong bối cảnh miền Bắc chuyển mình bước sang một giai đoạn phát triển mới, Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ I được tổ chức từ ngày 9 đến 14-12-1957, với sự tham gia của 135 đại biểu.
Đại hội tổng kết quá trình hoạt động của Công đoàn Bưu điện Việt Nam trong 10 năm kể từ khi thành lập, nhất là những kết quả đạt được từ khi hoà bình lập lại ở miền Bắc; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, rút ra những kinh nghiệm, đề ra phương hướng hoạt động Công đoàn Bưu điện trong giai đoạn tới.
Được đường lối của Đảng soi rọi, sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Liên đoàn, trải qua hơn 10 năm hoạt động, Công đoàn Bưu điện Việt Nam từ chỗ chỉ là một công đoàn ngành nhỏ bé được thành lập trong những ngày đầu kháng chiến đã lớn mạnh, trưởng thành khá toàn diện. Công đoàn Bưu điện được tổ chức ở tất cả các đơn vị sản xuất và khai thác, đã tập hợp được hầu hết công nhân viên chức toàn ngành đứng trong hàng ngũ của mình. Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, Công đoàn luôn giữ vững được vai trò đoàn kết và thống nhất lực lượng, giáo dục, bồi dưỡng, động viên công nhân viên chức làm tốt nhiệm vụ giữ vững mạch máu kháng chiến. Hoà bình lập lại, trong những năm đầu hàn gắn vết thương chiến tranh, khó khăn chồng chất nhưng Công đoàn Bưu điện luôn phát huy truyền thống anh dũng trong kháng chiến, nêu cao tinh thần lao động quên mình, động viên đông đảo công nhân viên chức xây dựng thông tin Bưu điện đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà...
Thành tựu đó phản ánh sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân phong trào công nhân viên chức và Công đoàn Bưu điện, đồng thời gắn liền và hoà chung vào thành tựu đấu tranh cách mạng anh dũng của toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, tình hình công tác của Công đoàn Bưu điện còn không ít khuyết điểm, hạn chế.
Công tác tư tưởng và giáo dục chính trị của công đoàn còn chưa kịp thời, chưa gắn chặt với nhiệm vụ mới của cách mạng miền Bắc. Hình thức và phương pháp tuyên truyền giáo dục còn nặng nề, chưa phù hợp với đặc thù sản xuất phân tán, lưu động của Ngành. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ mặc dù đã được đẩy mạnh thành phong trào sâu rộng nhưng tiến bộ chưa cao so với yêu cầu đáp ứng công tác thông tin bưu điện. Trong tham gia cải tiến chế độ quản lý, vai trò giám sát của quần chúng chưa được đề cao đúng mức, chưa động viên triệt để tinh thần tích cực, tự giác và tinh thần sáng tạo của cán bộ công nhân viên chức. Công tác tiền lương, tiền thưởng, chế độ phụ cấp cho các bộ phận sản xuất còn nhiều bất hợp lý. Việc động viên, khen thưởng để bồi dưỡng các cá nhân và phong trào chưa đầy đủ và kịp thời, chưa đáp ứng sự phát triển của thi đua.
Quán triệt Nghị quyết 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II, chủ trương của Tổng Liên đoàn, bám sát kế hoạch của Ngành thời kỳ 1958-1960 đồng thời triệt để phát huy những thành tựu, ưu điểm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, Đại hội xác định nhiệm vụ của Công đoàn Bưu điện trong nhiệm kỳ tới là: Phát huy truyền thống đoàn kết phấn đấu của công nhân viên chức bưu điện, ra sức xây dựng công đoàn vững mạnh, củng cố và phát triển sự nghiệp thông tin, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Để đạt được phương hướng, mục tiêu trên, Đại hội chỉ rõ phải tiếp tục củng cố về tổ chức, phát động phong trào “thi đua điển hình tiên tiến” và cuộc vận động “cải tiến quản lý xí nghiệp” nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960). Từng bước nâng cao năng lực làm chủ của công nhân viên chức, phấn đấu thực hiện mục tiêu phục vụ của Ngành: : “Nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi”.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Công đoàn Bưu điện Việt Nam gồm 19 uỷ viên. Ban Thường vụ gồm có 7 đồng chí, Chánh thư ký là đồng chí Hoàng Bắc (phụ trách chung và liên lạc quốc tế), hai đồng chí Phó Thư ký là Trần ảnh và Nguyễn Chi (phụ trách sản xuất, tiền lương và tuyên huấn) .
Thành công của Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt nam lần thứ I không chỉ có tác dụng khích lệ, động viên cán bộ công nhân viên chức toàn Ngành hăng hái thi đua lao động, sản xuất, mà còn định hướng hoạt động công đoàn phù hợp với tình hình mới, góp phần đưa phong trào công đoàn hướng tới mục tiêu cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong kế hoạch ba năm.
Theo Lịch sử Công đoàn BĐVN. |
|
|
|