Tìm kiếm:
ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM, LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2013 - 2018:
CÁC KỲ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN:
Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam
14:48' - 05/12/2012
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt gặp mặt các Chiến sỹ thi đua toàn quốc ngành Bưu điện, năm 1957
Bước sang năm 1960, cách mạng hai miền Nam - Bắc đều đạt được những bước tiến quan trọng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ - Diệm ở miền Nam giành được thắng lợi lớn qua phong trào “Đồng Khởi”; công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa miền Bắc đạt nhiều thành tựu to lớn. Tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã họp ở Thủ đô Hà Nội.

Trên cơ sở xác định vai trò, vị trí có tính quyết định của cách mạng miền Bắc, Đại hội đề ra kế hoạch Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1961-1965) với mục tiêu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, “đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Với nội dung trọng tâm của kế hoạch 5 năm là tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa đã đặt ra những yêu cầu, thử thách mới và những trách nhiệm nặng nề hơn đối với giai cấp công nhân nói chung và cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện nói riêng.

Đại hội III của Đảng đặt ra yêu cầu: Phát triển giao thông - bưu điện để phục vụ kịp thời yêu cầu của nền kinh tế quốc dân, mở rộng quan hệ trong và ngoài nước, đồng thời phục vụ củng cố quốc phòng... Tiếp đó, cụ thể hoá đường lối của Đại hội, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (6-1962) đề ra nhiệm vụ cụ thể của công tác bưu điện là phải ra sức củng cố và phát triển mạng lưới bưu điện, đảm bảo liên lạc trong nước được chính xác, an toàn, kịp thời và thuận lợi giữa Trung ương và địa phương, đến tận cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giữa nước ta và nước ngoài, nhằm phục vụ tốt việc phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân...

Trước những nhiệm vụ và yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra, ngành Bưu điện đề ra phương hướng chính trong thời kỳ này là coi trọng củng cố và phát triển mạng lưới, phát huy triệt để khả năng sẵn có, đưa Ngành tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho các ngành, các địa phương việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Trong không khí thi đua lao động, sản xuất sôi nổi của giai cấp công nhân toàn miền Bắc và của ngành Bưu điện lập thành tích hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ II được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 26-3-1960.

Đại hội đã tổng kết hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ Đại hội I (1957-1960). Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đại hội nghiêm túc đánh giá: những năm vừa qua, nhiệm vụ của ngành Bưu điện ngày càng nặng nề, vai trò của công nhân viên chức và tổ chức công đoàn đặt ra rất lớn, nhưng hoạt động công đoàn chưa theo sát với sự phát triển của cách mạng và yêu cầu của phong trào. Công tác vận động thi đua phát triển sản xuất dù đạt được những thành công đáng kể, nhưng chưa trở thành một phong trào thi đua mạnh, sôi nổi và đồng đều. ý thức làm chủ kỹ thuật và ý thức tập thể xã hội chủ nghĩa của cán bộ công nhân viên vẫn còn thấp, trình độ văn hoá, nghiệp vụ kỹ thuật còn kém, gây trở ngại lớn đến việc nâng cao năng suất, chất lượng thông tin, chống lãng phí, tham ô… Công tác cải tiến quản lý dân chủ trong sản xuất còn hạn chế. ở nhiều cơ sở, công đoàn chưa phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của công nhân viên chức, vai trò giám sát của công đoàn theo tinh thần Luật Công đoàn. Các hình thức mở rộng dân chủ quản lý như đại hội công nhân viên chức, hội nghị sản xuất v.v... chưa được tiến hành đầy đủ và thường xuyên. Công tác đời sống tuy có chuyển biến tích cực nhưng tình hình mới lại xuất hiện thêm khó khăn: mức lương, thưởng, phụ cấp được điều chỉnh trong những năm 1957, 1958 của Ngành tỏ ra chưa theo kịp mức giá cả sinh hoạt. Những nhu cầu ngày càng cao của cán bộ công nhân viên chức chưa được đáp ứng kịp thời, phù hợp với đặc thù của Ngành vừa tập trung sản xuất vừa lưu động. ý thức và nhiệt tình với phong trào công đoàn của cán bộ công nhân viên chức đã được nâng cao, nhưng trước những nhiệm vụ của Ngành đặt ra ngày càng lớn, vai trò và tác dụng của tổ chức công đoàn từ Trung ương đến cơ sở chưa thực sự phát huy đầy đủ như tinh thần của Luật công đoàn quy định. Bên cạnh đó, trình độ và phương pháp công tác công đoàn dù được cải tiến song vẫn biểu hiện sự non yếu và lúng túng.

Xuất phát từ nhiệm vụ của cách mạng miền Bắc trong giai đoạn mới, Đại hội chỉ rõ yêu cầu đối với cán bộ công nhân viên chức và tổ chức Công đoàn Bưu điện là: Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn phải phát huy truyền thống đấu tranh, tự rèn luyện mình thành một giai cấp có trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cao, có ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, có văn hoá, kỹ thuật tiên tiến xứng đáng là giai cấp tiền phong lãnh đạo cách mạng. Giai cấp công nhân nói chung và công nhân Bưu điện ở miền Bắc không chỉ là người giữ vai trò làm chủ tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội mà còn là lực lượng lãnh đạo Nhà nước. Do đó, Đại hội xác định: lúc này, nhiệm vụ hàng đầu của công nhân viên chức và tổ chức công đoàn Ngành là phải ra sức phát triển sản xuất. Công đoàn phải phát huy khí thế cách mạng và tính tích cực sáng tạo của quần chúng, làm cho quần chúng mau chóng nắm vững kỹ thuật tiên tiến. Về phương hướng hoạt động cụ thể, Nghị quyết Đại hội nêu rõ trong hai năm tới, cần tăng cường tổ chức lãnh đạo thi đua, đi sâu vào sản xuất, chỉ đạo chặt chẽ phong trào tiên tiến phát triển đều ở các ngành nghiệp vụ, kiên quyết nâng cao chất lượng thông tin lên một bước mới, đồng thời coi trọng và nâng cao công tác quản lý xí nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa việc tham gia cùng với Đảng, Chính phủ và Ngành trong công tác cải tiến tiền lương, tăng cường công tác bảo hộ lao động và các hoạt động phúc lợi tập thể cho quần chúng. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Đây là những vấn đề đòi hỏi Công đoàn phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm của mình giáo dục chính sách, vận động quần chúng tham gia và giám sát thực hiện tốt đồng thời đề cao tinh thần tiết kiệm, tự cải thiện lấy đời sống của mình”.

Xuất phát từ đặc điểm của năm 1960 là năm cuối của kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế. Đại hội II Công đoàn Bưu điện đưa ra 2 chủ trương: “Phát động phong trào phấn đấu trở thành người lao động tiên tiến, tổ và đơn vị tiên tiến”; “kiên quyết nâng cao chất lượng thông tin, hoàn thành vượt mức, toàn diện kế hoạch năm 1960 và năm 1961- năm đầu của kế hoạch 5 năm”. Đại hội nhấn mạnh đây là công tác trọng tâm, qua đó đào tạo một lớp người lao động tiên tiến, tăng cường công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, củng cố tổ chức công đoàn và cải thiện thêm một bước điều kiện lao động và đời sống vật chất, văn hoá của công nhân viên chức.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam gồm 29 uỷ viên. Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Hoàng Bắc được bầu làm Chánh Thư ký, hai đồng chí Phó Thư ký là Phạm Văn Nam (tức Nam Sơn) và Trần ảnh .

Được sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, sau Đại hội II, Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã đề ra chương trình công tác cụ thể. Phát huy truyền thống anh hùng đảm bảo giao thông liên lạc trong kháng chiến, phong trào thi đua phấn đấu người lao động tiên tiến, tổ và đơn vị tiên tiến đã lan toả sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên chức toàn Ngành. Các giao ước thi đua của cá nhân cũng như từng tập thể được lập ra với bốn chỉ tiêu phấn đấu cụ thể: nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, vượt mức kế hoạch và xây dựng con người mới. Trên cơ sở bám sát phong trào chung này, công đoàn các cơ sở liên tục phát động các phong trào thi đua bộ phận, mở rộng đến các phòng huyện, các trạm bưu chính xã - những nơi trước đây phong trào thi đua yếu và không đều. ở Đài điện báo Trung ương, công đoàn đề ra mức phấn đấu là “không phạm sai lầm về nội dung, mỗi tháng chỉ châm chước một đến hai sai lầm về thủ tục”. Để hoàn thành định mức đó, công đoàn đã vận động một phong trào tương trợ lẫn nhau trong các tổ, người tích cực giúp đỡ người non yếu, thực hiện giám sát chặt chẽ các khâu thao tác, không để sai lầm xảy ra. Nhờ vậy, trong năm 1960, tỷ lệ sai lầm về nội dung giảm 16 lần so với năm 1958. ở Bưu điện Nghệ An, Công đoàn phối hợp với chuyên môn, thực hiện cuộc vận động “tiếng trống Xô viết”, đi sâu vào những mặt còn non yếu, vào từng bộ phận sản xuất, khai thác và phục vụ để đưa ra khẩu hiệu sát hợp: bộ phận  điện thoại có khẩu hiệu “hai chống, hai tốt”; bộ phận điện báo có khẩu hiệu “3 nhanh, 3 đủ, 3 gọn”; bộ phận dây là “3 chắc”; bộ phận khai thác bưu là “3 đúng”...

Sau hội nghị sơ kết phong trào tiên tiến (7-1960), phong trào càng phát triển rộng rãi, không chỉ mạnh ở các đơn vị công trình, cơ sở khai thác bưu, điện, phát hành báo chí Sở, Ty mà còn lan rộng đến các đơn vị là văn phòng hành chính, sự nghiệp, các đơn vị giảng dạy... Tình trạng “đầu năm đủng đỉnh lơ là, cuối năm dồn dập đẩy đà thi đua”, “phong trào có phát mới động, động rồi lại lắng” những năm trước đây được đẩy lùi.

Đặc biệt, cuộc vận động mang lại một tác động kép nổi bật là ngoài việc nâng cao năng suất lao động, cán bộ công nhân viên toàn Ngành còn phát hiện được bất hợp lý ở nhiều công đoạn sản xuất và đề xuất giải pháp sửa chữa, cải tiến. Sáng kiến của công nhân viên không chỉ hướng đến cải tiến kỹ thuật mà còn trải rộng sang quản lý và nhiều lĩnh vực khác. Các bộ phận khai thác bưu chính tập trung cải tiến việc bố trí ca kíp, bố trí lại dây chuyền sản xuất, chia phát và đóng gói hợp lý hơn với giờ tàu, xe, rút ngắn hành trình đường thư, báo. Nếu như những năm trước đây, các bưu cục chỉ phục vụ trong giờ hành chính thì đến nay, thực hiện phương châm vừa phục vụ vừa kinh doanh, cán bộ nhân viên khai thác bưu điện và phát hành báo chí đã “tìm nhân dân mà phục vụ, ở đâu Đảng cần là có bưu điện”. Nhiều bưu cục đã tự nguyện mở cửa thêm giờ trưa, tối, tổ chức bưu cục lưu động, các loa tuyên truyền và bán tem, báo, bưu thiếp ở chợ, bến xe, trường học, xí nghiệp; phát đến tay người nhận hàng trăm bức điện, bức thư địa chỉ không rõ ràng. Đối với các bộ phận sự nghiệp, sáng kiến đã hướng vào cải tiến tổ chức và tác phong làm việc (cải tiến sổ sách cấp phát theo dõi) để giải quyết khối lượng công việc triệt để và nhanh chóng. ở các đơn vị sản xuất, xây dựng và quản lý dây máy, nghiên cứu kỹ thuật, các sáng kiến đã đi vào cải tiến công tác, cải tiến kỹ thuật và nghiệp vụ. Trước tình hình nguyên vật liệu, thiết bị máy móc và phụ tùng thay thế thiếu thốn, các Bưu điện khu, sở, ty, công nhân viên đã có nhiều sáng kiến cải tiến nhằm biến “không thành có, xấu thành tốt”, chủ động tự chế ra những vật liệu trước đây phải chờ được cung cấp như pile thô sơ, cầu chì thu lôi hoặc máy điện thoại đơn giản, cải tiến cơ cấu mạch điện để ghép tổng đài... Cán bộ kỹ thuật ở Cơ xưởng Bưu điện Trung ương đã chế tạo ra thép nam châm bằng phương pháp thủ công, nhờ vậy việc tự sản xuất máy điện thoại đã tăng từ 300 máy năm 1959 lên 1.200 máy năm 1960.

Những đơn vị điển hình trong phát huy sáng kiến là: Cơ xưởng Bưu điện Trung ương có trên 200 sáng kiến, Tổng đội công trình Bưu điện có 134 sáng kiến, Bưu điện Hà Nội có 74, Bưu điện Nghệ An có 60, Hà Nam 17, Hải Dương 10, Cục điện chính có 60 sáng kiến… Đặc biệt trong đợt thi đua chào mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tròn 15 tuổi và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, công nhân viên chức ở nhiều công đoàn cơ sở đã phấn đấu đạt được mức năng suất cao nhất so với trước1. Mặc dù việc phát huy sáng kiến nảy sinh trong quá trình thực hiện phong trào thi đua tiên tiến, chưa trở thành một phong trào thi đua riêng nhưng nó đã phản ánh khả năng sáng tạo, làm chủ kỹ thuật của công nhân viên toàn Ngành, tạo cơ sở tốt để công đoàn phát động phong trào ở giai đoạn sau.

Những kết quả đạt được của phong trào công nhân viên chức và hoạt động của Công đoàn Bưu điện các cấp trong năm 1960 vừa có ý nghĩa góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi kế hoạch ba năm (1958-1960) vừa tạo đà cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội II những năm tiếp theo, cùng Ngành Bưu điện và giai cấp công nhân miền Bắc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá II (1960-1963) (05/12/2012)
 Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
1
CÁC TIN KHÁC:
 Công đoàn Bưu Điện Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã qua 13 kỳ Đại hội (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam trước tháng 12/1957 (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá I (1957-1960) (07/11/2012)
 Đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội I Công đoàn Bưu điện VN (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ III Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam (11/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam khoá III (1963-1968) (11/12/2012)
 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá IV (1968-1973) (18/12/2012)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV (18/12/2012)
 Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá V (1973-1978) (18/12/2012)
 Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam (18/12/2012)
 Thống nhất, củng cố tổ chức Công đoàn Bưu điện trong cả nước (18/12/2012)
 Vận động cán bộ công nhân viên đẩy mạnh thi đua, bước đầu thiết lập mạng lưới thông tin Bưu điện thống nhất (18/12/2012)
 Một số bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 1954-1975 của Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
1 2 3
TIN ẢNH
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam