Tìm kiếm:
ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM, LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2013 - 2018:
CÁC KỲ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN:
Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV
09:59' - 18/12/2012
Được khích lệ bởi những thành công to lớn của Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ IV, các cấp công đoàn Bưu điện phối hợp với chuyên môn đẩy mạnh phong trào thi đua “Quyết tâm bảo đảm thông tin với chất lượng cao nhất”, vận động cán bộ công nhân viên ra sức phục vụ chiến đấu và sản xuất, hoàn thành toàn diện kế hoạch của Ngành. Đoàn viên, công nhân viên chức đã quán triệt sâu sắc mục tiêu chủ yếu là phải bảo đảm thông tin trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và các ngành, các cấp, phục vụ đắc lực cho quốc phòng và giao thông vận tải, phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi, đặc biệt bảo đảm bí mật thông tin.

Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV Ngày 1-11-1968, tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom bắn phá miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng tại hội nghị Pari. Tranh thủ điều kiện hòa bình, ngành Bưu điện tập trung khôi phục mạng lưới bị tàn phá, xuống cấp trong chiến tranh, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp mạng lưới đề phòng địch ngoan cố đánh phá trở lại.

Trước tình hình mới, Tổng Công đoàn Việt Nam chủ động đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác công đoàn là tập trung đẩy mạnh sản xuất, giải quyết những vấn đề cấp thiết của công nhân viên chức và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Tổng Công đoàn đã phát động phong trào thi đua trên toàn miền Bắc “Lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu”. Hưởng ứng chủ trương của Tổng Công đoàn và bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, Công đoàn Bưu điện đã phát động nhiều phong trào thi đua như “Phong trào thi đua với Ty Bưu điện Ninh Bình” (1969), “Phong trào lao động sản xuất” (1970-1971), phong trào “Bảo dưỡng đường dây giỏi”, “Điện thoại viên giỏi”, “Điện báo viên giỏi”, “Khai thác bưu chính giỏi”, “Lái xe thư báo giỏi” (1971-1973)… thu hút hàng vạn công nhân viên chức tham gia, tạo ra khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi trong toàn Ngành. Các cấp công đoàn cơ sở trong chỉ đạo hoạt động đã khai thác khí thế chiến đấu và chiến thắng của cán bộ công nhân viên trong chiến tranh để phát huy trên mặt trận lao động sản xuất, khôi phục và xây dựng mạng lưới thông tin. Công nhân viên chức toàn Ngành đã tập trung lao động cần cù, sáng tạo, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn trong sản xuất, đời sống, tích cực nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác, khôi phục và cải tạo chất lượng thông tin, hoàn thành các kế hoạch của Ngành. Xuyên suốt hoạt động công đoàn thời kỳ này là phong trào “Ba nội dung” theo Nghị quyết 23 của Tổng Công đoàn. Từ tinh thần của “Ba nội dung”, các cấp công đoàn cơ sở, các ngành nghề đã linh hoạt mở các đợt thi đua sát với đặc thù công tác. Tiêu biểu là các phong trào “Khai thác giỏi” của bưu chính, “Bảo dưỡng dây giỏi”, “Bốn chấn chỉnh” của điện chính, “quản lý giỏi” cho cán bộ quản lý, “3 điểm cao” ở xí nghiệp, nhà máy và khối kiến thiết cơ bản, phong trào “Hai mũi tiến công thắng Mỹ” (Hải Phòng), phong trào “2 đúng 3 không” ở Trung tâm Bưu chính và phát hành báo chí Hà Nội ... Đồng thời phát động các đợt thi đua ngắn chào mừng các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị như “Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng”, “Chào mừng 100 năm ngày sinh Lênin”; “80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1970), “Chào mừng chiến thắng đường 9 Nam - Lào” (1971)... Phong trào “Bảo dưỡng dây giỏi” kéo dài đến 1973 và được hầu hết các Sở, Ty hưởng ứng, tổ chức thực hiện. Kết quả phong trào đưa lại sự tiến bộ rõ rệt trên những mảng công tác: chất lượng đường dây thông suốt hơn tạo điều kiện thuận lợi cho sự chỉ đạo nhanh chóng từ Trung ương xuống địa phương, giữa tỉnh và huyện; nội dung công tác bảo dưỡng, nội quy kỷ luật lao động đã bước đầu đi vào nề nếp.

Để tăng giờ công có ích, đạt hiệu suất công tác cao, công đoàn các cấp vận động quần chúng tham gia cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, thực hiện kiêm nhiệm theo phương châm “giỏi một nghề biết nhiều việc”. Hầu hết các công đoàn cơ sở đều đạt kết quả khả quan, số giờ công, ngày công tăng cao so với năm 1969. Công đoàn Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm 1970 đạt trung bình ngày công là 21,5 ngày (6 tháng đầu năm 1969 bình quân 20 ngày). Công đoàn Bưu cục Trung tâm đài điện báo điện thoại đạt 24 ngày công trong tháng, 6,5 đến 7 giờ công trong ngày, Trung tâm Bưu chính và Phát hành báo chí Hà Nội đạt bình quân 23 ngày công trong tháng và 7 giờ công trong ngày. Công đoàn Ty Bưu điện Quảng Bình do giờ công có ích tăng, thực hiện kiêm nhiệm tốt nên đã sắp xếp được 280 lao động tăng cường sang mảng công tác khác. Sang năm 1971, nhiều cơ sở thực hiện triệt để định mức lao động nên ngày công được nâng lên: Trung tâm Bưu chính và Phát hành báo chính, Trung tâm điện tín Hà Nội có những bộ phận đạt 25, 26 ngày công/một tháng. Công đoàn Ty Lào Cai đạt mức ngày công bình quân là 23 ngày/tháng. Nghệ An 22 ngày/tháng, giờ công có ích đạt 6 đến 7 giờ/ngày. Số lao động toàn Ngành năm 1971 giảm được 1.460 người so với năm 1970, chuyển sang phục vụ những nhiệm vụ chính trị đột xuất khác như làm thuỷ lợi, chống bão lụt.

Không chỉ đạt hiệu quả cao trong tăng giờ công lao động, phong trào “ba nội dung” còn đưa đến những thay đổi lớn trong công tác chấp hành chế độ, thủ tục nghiệp vụ, quy trình, quy phạm sản xuất, chế độ chức trách công tác nên chất lượng khai thác sản xuất có nhiều tiến bộ. Trong bưu chính, đường thư được củng cố và cải tiến, bỏ qua khâu trung gian nên hành trình thư báo, công văn nhanh hơn, phát trực tiếp trong ngày tới được 17 bưu cục. Trong khai thác bưu chính hiện tượng sai lầm, lạc hướng, mất mát đã giảm nhiều . Trong khai thác điện chính, khối lượng điện báo, điện thoại ít bị ứ đọng, sai sót, lạc hướng. Đường điện được tu sửa, củng cố và trang bị thêm thiết bị nên chất lượng tốt hơn, số giờ mất liên lạc 6 tháng đầu năm 1970 chỉ bằng 62% và số lần mất liên lạc giảm 17% so với 6 tháng đầu năm 1969. Trong sản xuất công nghiệp, giá trị tổng sản lượng, giá trị thương phẩm và sản phẩm chủ yếu đều tăng hơn trước từ 21 đến 25%. Năng suất lao động bình quân tăng 2,9%. Chất lượng thiết kế thi công các công trình sản xuất công nghiệp đều có bước tiến bộ. Trong thực hiện nội dung này, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật xuất hiện ở mọi lĩnh vực. Tại Đài phát Đại Mỗ, cán bộ công nhân đã nghiên cứu, xây dựng thêm nhiều tuyến thông tin, tự lắp đặt được máy phát quy mô lớn nhất so với trước, nhờ đó, thời gian đưa vào khai thác vượt kế hoạch dự định hai tháng. Tại Đài thu Quế Dương, đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên phát huy tinh thần lao động, làm thêm ngoài giờ sửa chữa trên 10 máy thu cỡ lớn đưa vào khai thác kịp thời, tự chế tạo được điều hòa không khí tiết kiệm cho công quỹ gần 2.500 đồng. Nhà máy Vật liệu Bưu điện từ chỗ chỉ sửa chữa và phục hồi thiết bị hỏng thì nay đã tiến lên sản xuất được các thiết bị thông tin phức tạp như các loại tổng đài, máy tăng âm, dây cáp, dây thông tin bọc nhựa. Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên các xí nghiệp công nghiệp của Ngành đã nỗ lực nghiên cứu, chế thử và đưa vào sử dụng những thiết bị thông tin cực kỳ phức tạp trước đây thường phải đặt mua ở nước ngoài như máy điện thoại BM.02; ăngten có độ tăng ích cao dùng cho đường thông tin đi nước ngoài. Các kỹ sư còn chế tạo được những phương tiện để đối phó với những vũ khí phá hoại tinh vi, tối tân của Mỹ như chế tạo được pherít dùng trong phá bom nổ chậm, phá bom từ trường, thuỷ lôi. Cán bộ và công nhân của Ngành đã xây dựng và hoàn thành hai Đài phát quốc tế hiện đại, trong đó đài C27 hoàn toàn tự thiết kế, xây lắp không phải nhờ chuyên gia nước ngoài, đưa vào sử dụng kịp thời, giữ vững liên lạc với quốc tế thay thế cho đài phát Trung ương bị địch đánh phá.

Nhờ bàn tay, óc sáng tạo trong lao động sản xuất của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, cơ sở vật chất của Ngành không ngừng lớn lên, màng lưới đường điện và trạm máy vẫn phát triển về số lượng và trình độ kỹ thuật. Trong khoảng thời gian hoà bình khôi phục trên miền Bắc, ngoài mạng phục vụ giao thông vận tải gồm trên 3.000 km đôi dây, trên 1.200 máy và hệ thống vi ba phục vụ cho trên 700 điểm giao thông vận tải, công nhân viên chức Bưu điện còn xây dựng màng lưới thông tin rộng lớn phục vụ khí tượng, thuỷ văn, chống lụt, bao gồm hàng trăm điểm thông tin, hàng ngàn máy móc, hàng ngàn kilômét đôi dây.

Nội dung thứ ba trong phong trào “Ba nội dung” là bảo vệ của công, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí trong sản xuất. Các bộ phận khai thác bưu chính, đường dây tự đảm nhiệm nhiều công đoạn trước đây phải thuê như bốc xếp bưu phẩm, bưu kiện, tiết kiệm được những khoản kinh phí lớn, giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của cán bộ công nhân viên. Tiêu biểu như bộ phận bưu chính Bưu điện Hải Phòng tự bốc xếp bưu phẩm, bưu kiện, mỗi tháng tiết kiệm được 250 đồng, bộ phận dây máy nhờ phương tiện của bộ đội hải quân thả cáp qua sông Cam Lộ tiết kiệm được trên 40.000 đồng. Trong các bộ phận khai thác, sản xuất, công nhân tiết kiệm, tận dụng nguyên vật liệu cũ, hỏng để tái chế sử dụng, tự đúc được cột, xà, sứ phục vụ xây dựng đường dây. Ngày 1-1-1971, Công đoàn toàn Ngành phát động đợt kiểm kê vào 0 giờ,  thu hồi nhiều tài sản còn giá trị sử dụng, khối lượng lớn vật liệu để lãng phí trong quá trình thi công. Ty Bưu điện Vĩnh Phú thu hồi được hàng tấn dây tốt, nhiều vật liệu khác như cột, xà, sứ… Từ việc tự huy động nhân lực tìm kiếm, tận dụng vật liệu, toàn Ngành đã dựng được trên 1000 khu nhà ở, không phải thuê nhân công và mua vật liệu, tiết kiệm cho công quỹ hàng chục vạn đồng.

Kết quả của phong trào “ba nội dung” đã đưa lại những thay đổi lớn trong lao động sản xuất, trong thực hành tiết kiệm, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo sản xuất, chiến đấu và phục vụ nhu cầu giao lưu tình cảm của nhân dân . Cùng với việc phát động phong trào thi đua rộng lớn “ba nội dung”, công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh phong trào phấn đấu xây dựng “tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa” thành một trong những phong trào có thời gian lâu dài nhất, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của Ngành. Nhiều cấp công đoàn vẫn duy trì được sự sôi nổi của phong trào như Bưu điện  Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình . Càng về sau, chất lượng các tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa càng được nâng cao. Đặc biệt, số tổ được công nhận liên tục nhiều năm tiếp tục tăng: Lào Cai có 2 tổ được công nhận liên tục 10 năm; ở Ninh Bình, Viện thiết kế, Đài V1 có 3 tổ 9 năm, 3 tổ 8 năm, 2 tổ 7 năm, 3 tổ 6 năm và 1 tổ 5 năm. Các công đoàn cơ sở đã tổng kết kinh nghiệm phấn đấu của các tổ lao động xã hội chủ nghĩa nhiều năm để phổ biến, tiếp tục bồi dưỡng phong trào. Được rèn luyện qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, trên 50% cán bộ công nhân viên chức đạt danh hiệu lao động tiên tiến, nhiều đồng chí là chiến sĩ thi đua, nhiều cá nhân và tập thể được tặng danh hiệu chiến sĩ kiên cường thắng Mỹ trên mặt trận thông tin Bưu điện, chiến sĩ tự vệ quyết thắng, thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang. Nhiều đơn vị, cá nhân được Chính phủ, Tổng Công đoàn khen thưởng như Đội đường trục H Nghệ An, các tổ Quản lý máy ở Đài thu, Đài điện thoại đường dài, Bưu điện Hà Nội v.v...

Thực hiện Chỉ thị 39 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 10 của Tổng cục, Công đoàn Bưu điện tham gia cùng chuyên môn thực hiện nghiêm túc chế độ tiền lương. Công đoàn tổng kết việc thực hiện nâng cấp, nâng bậc 3 năm 1968 - 1970, tiến hành kiểm tra thực hiện nhiều cơ sở, kể cả các cơ sở miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Lạng Sơn. Qua đó, Công đoàn phát hiện nhiều trường hợp bố trí sử dụng lao động, cho về hưu, mất sức không đúng chính sách, đề xuất với Ngành kịp thời uốn nắn, giải quyết. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh thang lương cho một số bộ phận như thợ dây xây dựng và bảo quản ở địa phương, phụ cấp trách nhiệm cho kế toán trưởng v.v... Từ năm 1969 đến 1971 có trên 7.000 công nhân và trên 5.000 cán bộ, viên chức được nâng bậc lương, đã góp phần động viên tinh thần thi đua sản xuất, công tác của cán bộ công nhân viên.

Công đoàn Trung ương đã phối hợp cùng Thanh tra Tổng cục điều tra, xác minh và đôn đốc các cấp cơ sở giải quyết những khiếu nại của quần chúng về những vi phạm quyền lợi như: kỷ luật, nâng lương, nâng bậc, cắt lương... Năm 1970, Công đoàn Trung ương đã phối hợp với Tổng cục giải quyết dứt điểm 13 trường hợp; năm 1971 đã nhận 101 đơn, giải quyết được 93 đơn. Qua đó, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ lợi ích của công nhân viên chức càng được khẳng định, uy tín của công đoàn ngày càng được nâng cao.

Để khắc phục những khó khăn trong đời sống công nhân sau chiến tranh, cùng với việc giải quyết những vấn đề cấp thiết trước mắt về ăn, ở, xây dựng nhà giữ trẻ để công nhân yên tâm sản xuất, chế độ chăm sóc y tế v.v… Công đoàn Bưu điện đã cùng với Tổng cục trích quỹ xí nghiệp hàng chục nghìn đồng để bồi dưỡng cho những cán bộ đang điều trị phục hồi sức khoẻ, đặc biệt là cán bộ các cơ sở khu IV . Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển mạnh làm tăng thêm tinh thần thoải mái, lạc quan, bồi dưỡng thể lực cho cán bộ, công nhân viên chức. Năm 1969, hội diễn văn nghệ toàn Ngành do Công đoàn Ngành và Tổng cục phối hợp tổ chức đã nhân rộng hơn phong trào ca hát trong công nhân viên toàn Ngành. Đã tổ chức tổng kết hội diễn toàn Ngành tại Nhà hát Lớn Hà Nội, từ đó thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển. Nhiều công trình thông tin lớn của Ngành như tuyến đường trục K, H đã được xây dựng trong lời ca, tiếng hát át bom đạn kẻ thù.

Công tác bảo hộ lao động được chú trọng hơn trước. Công đoàn nghiêm túc tổ chức giáo dục quy tắc và kỷ luật an toàn lao động cho công nhân, đặc biệt là số công nhân mới vào nghề. Năm 1971, thực hiện Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra tay nghề công nhân, Công đoàn Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn tiến hành chỉ đạo thí điểm ở Ty Bưu điện Nam Hà, sau đó rút kinh nghiệm và tiến hành nhân rộng ở các công đoàn cơ sở khác. Qua đợt kiểm tra này, Công đoàn cùng với Tổng cục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi những tiêu chuẩn của một số chức danh nghề nghiệp hợp lý hơn, nhiều vấn đề tồn tại trong chế độ trang bị bảo hộ lao động, cung cấp phương tiện đi đường, quy chế thi nâng bậc hàng năm cho giao thông viên, thợ dây công tác ở miền núi và các chế độ phụ cấp đã được Công đoàn các cấp phát hiện và tham gia với Ngành nghiên cứu bổ sung, sửa đổi phù hợp. Nhờ đó, số vụ tai nạn năm 1971 chỉ bằng 40% so với năm 1970. Trong thời gian chiến tranh phá hoại lần hai, Công đoàn đã kịp thời tập hợp, nghiên cứu và tham gia với Ngành bổ sung, sửa đổi nhiều chính sách thích hợp với thời chiến như chế độ trang bị bảo hộ lao động và phụ cấp đi đường cho giao thông viên ở các tỉnh Khu IV, chế độ trang bị cho lái xe, đường dây, đường trục, tổng đài v.v...

Thực hiện chủ trương chung của Tổng Công đoàn, tranh thủ thời gian Mỹ tạm ngừng đánh phá miền Bắc, Công đoàn Bưu điện đã tập trung củng cố đội ngũ công nhân viên chức của Ngành trên hai mặt: tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tư tưởng và đào tạo nâng cao nghiệp vụ.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được coi là nhiệm vụ hàng đầu nhằm làm cho cán bộ công nhân viên chức nhận thức rõ hơn tình hình mới và yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, củng cố và nâng cao chất lượng thông tin, hoàn thành vượt mức kế hoạch. Ngoài các hoạt động thường xuyên như chỉnh huấn chính trị, học tập nội dung các Nghị quyết của Tổng Công đoàn, Công đoàn Bưu điện, tổ chức các đợt giáo dục truyền thống nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, 40 năm ngày thành lập Đảng, năm 1971, Thường vụ Công đoàn Trung ương phát động đợt giáo dục “Thái độ lao động mới của người bưu điện xã hội chủ nghĩa”. Công đoàn đã biên soạn tài liệu “Thái độ lao động mới của người Bưu điện xã hội chủ nghĩa” và nhiều loại tài liệu khác phục vụ cho đợt giáo dục như: diễn ca 5 tiêu chuẩn của người Bưu điện xã hội chủ nghĩa, truyền thống của Ngành qua các giai đoạn cách mạng. Đợt giáo dục này được nhiều cấp ủy quan tâm, các cấp chuyên môn trong Ngành hưởng ứng và phối hợp chỉ đạo. Các cơ sở có nhiều biện pháp và hình thức phong phú, sinh động giáo dục quần chúng như: chỉnh huấn nghiệp vụ, tập hợp những ý kiến góp ý của nhân dân đối với Ngành; nêu gương “người tốt, việc tốt” trên tờ tin của Công đoàn và nội san của Tổng cục, bảng thông báo của tổ. Nhiều đơn vị có tới 85 đến 95% cán bộ công nhân viên chức tham gia học tập, liên hệ kiểm điểm và từ 60 đến 80% số tổ xây dựng được nội quy kỷ luật lao động, quy ước bảo vệ của công và quy ước bảo mật thông tin như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Linh, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Ninh Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Trung tâm Bưu điện Hà Nội v.v... Qua đợt giáo dục, quần chúng đã thẳng thắn đấu tranh phê phán thái độ lao động cẩu thả, chây lười, gây sai sót nghiêm trọng về chất lượng. Cán bộ công nhân viên chức toàn Ngành đã có những chuyển biến trong từng công tác cụ thể, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được phân công, nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch của đơn vị, tránh sai sót, nhầm lẫn, đảm bảo tốt chất lượng thông tin.

Song song với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Công đoàn phối hợp với chuyên môn tăng cường tổ chức học tập văn hoá, kỹ thuật nghiệp vụ để từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật, kèm cặp nâng cao tay nghề cho cán bộ công nhân viên chức. Năm 1971, thực hiện Chỉ thị 38 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra trình độ công nhân, phong trào học tập nghiệp vụ, kỹ thuật được các cấp công đoàn tập trung đẩy mạnh. Công đoàn các cấp tiếp tục vận động quần chúng duy trì phong trào học tại chức, phân công kèm cặp nhau trong thực tế lao động sản xuất. Nhiều đồng chí trước đây là giao thông viên, thợ dây trình độ văn hoá thấp, đã vươn lên nắm vững kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, hàng năm công đoàn cơ sở đều tổ chức các đợt huấn luyện lại về quy trình, quy phạm sản xuất, chế độ thủ tục khai thác cho cán bộ công nhân viên.  Công tác đào tạo chính quy được đẩy mạnh. Đến năm 1972, toàn Ngành có 13.970 người trình độ sơ học và công nhân kỹ thuật, 1.197 cán bộ đại học, hơn 20 Phó tiến sĩ .

Theo tinh thần Nghị quyết 23, 24 của Tổng Công đoàn, các cấp công đoàn chú trọng xây dựng và củng cố tổ chức, cải tiến phương pháp công tác công đoàn đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Sau khi tách bộ phận Truyền thanh ra khỏi Bưu điện, tình hình đội ngũ và tổ chức có nhiều biến động, xáo trộn, Công đoàn Trung ương chỉ đạo các cấp nhanh chóng kiện toàn tổ chức. Hầu hết các công đoàn cơ sở đã mở Đại hội để bầu Ban chấp hành mới, các công đoàn bộ phận và tổ công đoàn được kiện toàn, bổ sung cán bộ cho các tiểu ban giúp việc công đoàn.

Phương pháp công tác của công đoàn tiếp tục được cải tiến, hướng vào hai nội dung: tăng cường đi sâu hơn trong công tác chỉ đạo cơ sở; bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ công đoàn. Chất lượng của các tổ chức công đoàn được nâng lên.    Năm 1971, theo báo cáo của 5 cơ sở Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Hải Phòng, Trung tâm Bưu chính và Phát hành báo chí Hà Nội, số công đoàn bộ phận khá là 38%, trung bình 30% và kém 32%. Công đoàn Trung ương đã tiến hành hướng dẫn Công đoàn Bưu điện Hà Tây, Công đoàn Bưu điện Hải Phòng vận động phong trào “những người khai thác bưu chính giỏi”, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành và phổ biến cho các cơ sở vận dụng; phối hợp với Tổng cục xét chọn đơn vị và cá nhân anh hùng lao động...

Công tác công đoàn trong tình hình mới đặt ra ngày càng nhiều nhiệm vụ, nhưng không ít cán bộ công đoàn còn lúng túng trong lãnh đạo nội dung và phương pháp công tác, trên các mặt sản xuất, công tác, giáo dục, đời sống và rèn luyện con người mới. Theo tinh thần Nghị quyết 23 của Tổng Công đoàn, Công đoàn Bưu điện đẩy mạnh hơn công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công đoàn, đặc biệt là thư ký công đoàn bộ phận và tổ trưởng công đoàn. Cán bộ công đoàn sau khi học tập đã đi sâu vào phong trào quần chúng, rèn luyện trưởng thành. Nhiều cán bộ chủ chốt công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận, tổ trưởng, tổ phó công đoàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại hy sinh gian khổ, ngày đêm miệt mài công tác, thường xuyên có mặt ở những nơi khó khăn nguy hiểm nhất để vận động quần chúng bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu, đồng thời nêu cao tấm gương liêm khiết, giản dị, được quần chúng tin yêu. Đội ngũ cán bộ công đoàn không ngừng được bổ sung và lớn mạnh đáp ứng yêu cầu công tác công đoàn. Năm 1972, cán bộ công đoàn Ngành có 4.831 đồng chí giữ cương vị là tổ trưởng, tổ phó công đoàn, chiếm 20,9% tổng số công nhân viên chức toàn Ngành.

Cùng với sự phát triển của lực lượng lao động Bưu điện, số nữ cán bộ công nhân viên chức trong Ngành tăng lên nhanh, từ 6.887 người năm 1968 tăng lên 9.552 người cuối năm 1972, chiếm 38% tổng số lao động toàn Ngành. Đó là chưa kể hàng ngàn nữ học sinh đang học ở các Trường nghiệp vụ của Ngành. Phần lớn chị em là những người trực tiếp sản xuất ở những khâu quan trọng trong các nghiệp vụ bưu điện .

Trên tinh thần Nghị quyết 152, 153 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 31 của Hội đồng Chính phủ và Nghị quyết về công tác vận động nữ công nhân viên chức của Tổng Công đoàn, công đoàn Bưu điện các cấp quán triệt hơn công tác nữ công trên các mặt công tác của công đoàn. Trong đó đặc biệt chú trọng chỉ đạo phong trào “3 đảm đang” ngày càng đi vào nội dung từng ngành nghề cụ thể, lôi cuốn nhiều chị em vươn lên làm chủ kỹ thuật, nghiệp vụ, phấn đấu đạt chất lượng thông tin liên lạc tốt, năng suất lao động - hiệu suất công tác cao trên mọi lĩnh vực hoạt động. Trong hoà bình cũng như trong khói lửa chiến tranh, các chị luôn nêu những tấm gương phấn đấu kiên cường, thu xếp việc gia đình, giữ vững vị trí công tác. Công đoàn các cấp chú trọng giáo dục đạo đức người phụ nữ mới thích hợp với yêu cầu phục vụ của Ngành, vận động sinh đẻ có kế hoạch và công tác vệ sinh phòng bệnh, giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt riêng của cán bộ nữ. Công đoàn các cấp tích cực tham gia với chuyên môn thực hiện bố trí lao động nhẹ, cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức kiểm tra thực hiện chế độ chính sách đối với nữ giới; thường xuyên tổ chức điều tra tình hình sử dụng lao động nữ ở các đơn vị, tham gia với Ngành bổ sung, sửa đổi chế độ chính sách bố trí và sử dụng lao động nữ hợp lý hơn, tạo điều kiện để chị em yên tâm phấn khởi công tác. Trước sự quan tâm của các cấp ủy và chuyên môn, sự đi sâu, đi sát của công đoàn, với sự phấn đấu của bản thân, số cán bộ nữ được đề bạt giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chuyên môn, đặc biệt là tham gia công tác công đoàn ngày càng nhiều. Trong các cấp công đoàn Bưu điện tỉnh, thành và công đoàn Tổng cục, có 26 đồng chí Thư ký, Phó thư ký và Thường vụ công đoàn là nữ, trong đó có 17 người làm công tác công đoàn chuyên trách; số tổ trưởng, tổ phó là 1.319 người. Ban nữ công các cấp cũng được củng cố và tăng cường hoạt động. Một số nơi đã chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nữ công qua các hội nghị nữ công nhân viên chức toàn Ngành được đều đặn tổ chức hàng năm. Đó là những điều kiện tốt cho nữ cán bộ công nhân viên chức phát huy vai trò tích cực trong xây dựng tổ chức công đoàn, xây dựng Ngành lớn mạnh.
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá IV (1968-1973) (18/12/2012)
1
CÁC TIN KHÁC:
 Công đoàn Bưu Điện Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã qua 13 kỳ Đại hội (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam trước tháng 12/1957 (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá I (1957-1960) (07/11/2012)
 Đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội I Công đoàn Bưu điện VN (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá II (1960-1963) (05/12/2012)
 Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Đại hội lần thứ III Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam (11/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam khoá III (1963-1968) (11/12/2012)
 Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá V (1973-1978) (18/12/2012)
 Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam (18/12/2012)
 Thống nhất, củng cố tổ chức Công đoàn Bưu điện trong cả nước (18/12/2012)
 Vận động cán bộ công nhân viên đẩy mạnh thi đua, bước đầu thiết lập mạng lưới thông tin Bưu điện thống nhất (18/12/2012)
 Một số bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 1954-1975 của Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
1 2 3
TIN ẢNH
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam