Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V10:03' - 18/12/2012
|
Đ/c Lê Vân, Thư ký Khóa III (1967 - 1968); Khóa IV (1968 – 1973);Khóa V (1973 – 1978)
| |
Sau khi Hiệp định Pari kí kết, hòa bình được lập lại trên miền Bắc. Khí thế chiến thắng bao trùm khắp hai miền đất nước, lần đầu tiên trong vòng một thế kỷ, không còn bóng dáng quân xâm lược nước ngoài hiện diện trên đất Việt Nam. Tuy nhiên, hai cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc gây ra cho miền Bắc đã “phá hủy hầu hết những cái mà nhân dân đã tốn biết bao công sức để xây dựng nên, làm cho quá trình tiến lên sản xuất lớn bị chậm lại đến vài ba kế hoạch 5 năm”. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ra chỉ thị yêu cầu các ngành, các địa phương phải lập tức ổn định sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trên cơ sở nhiệm vụ chung đó, ngành Bưu điện đặt ra nhiệm vụ cụ thể trong ba năm tới (1973-1975) là tập trung khôi phục, ổn định mọi mặt công tác sản xuất, xây dựng đời sống, tích cực cải tạo và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật của Ngành, mở rộng diện phục vụ, nâng cao chất lượng thông tin liên lạc, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phục vụ đấu tranh chính trị, giữ vững hoà bình, thực hiện hòa hợp dân tộc. Nhằm định hướng phong trào công nhân phục vụ những mục tiêu, nhiệm vụ chung của đất nước, Tổng Công đoàn ra Nghị quyết 28 nêu rõ những nội dung trọng tâm công tác công đoàn trong tình hình mới.
Ngày 21-5-1973, Công đoàn Bưu điện Việt Nam khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ V. Đại hội đã tổng kết các mặt công tác công đoàn trong năm năm qua, nêu bật những thành tựu, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại và đề ra phương hướng hoạt động của Công đoàn trong nhiệm kỳ tới.
Đánh giá các mặt hoạt động công tác công đoàn nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội nhận định: phong trào thi đua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào “thái độ lao động mới của người cán bộ Bưu điện xã hội chủ nghĩa”, “ba đảm đang”, “Ba nội dung”, “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa” được phát động sôi nổi và động viên được đông đảo cán bộ công nhân viên chức tham gia. Công tác tham gia cải tiến quản lý, kỹ thuật không ngừng được đẩy mạnh, cán bộ công nhân viên chức toàn Ngành đã cần cù lao động sản xuất, nêu cao tinh thần sáng tạo, tích cực cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng thông tin, hoàn thành tốt các kế hoạch của Ngành. Tiêu biểu là những công trình thông tin như Đài phát quốc tế C2, được xây dựng bằng chính bàn tay của công nhân Bưu điện Việt Nam trong điều kiện giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng có nhiều chuyển biến, đặc biệt sau đợt giáo dục rộng lớn của Công đoàn về thái độ lao động mới của người cán bộ Bưu điện xã hội chủ nghĩa. Tinh thần giác ngộ giai cấp, ý thức về vai trò làm chủ tập thể của cán bộ công nhân viên đã được nâng cao. Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân viên chức có nhiều tiến bộ so với giai đoạn trước. Công tác đời sống chú trọng hơn đến việc giám sát chế độ, chính sách về lương thưởng, phụ cấp cho công nhân, phối hợp với chuyên môn quan tâm giải quyết những ý kiến khiếu nại của quần chúng. Công tác củng cố tổ chức công đoàn tiếp tục chuyển biến tích cực theo hướng đi sâu chỉ đạo cơ sở, xây dựng thí điểm, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Đặc biệt, công tác nữ công có nhiều tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước nhờ các cấp công đoàn đã quan tâm đúng mức đến vai trò, vị trí của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để nữ công nhân viên chức phát huy khả năng lao động sản xuất và chiến đấu, góp phần vào sự thành công chung của Ngành.
Những thành tựu trong năm năm qua hết sức to lớn, góp sức cùng với toàn miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công cơ bản đó, Đại hội cũng chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại trên một số lĩnh vực. Trong công tác thi đua và tham gia quản lý còn nhiều khiếm khuyết. Phong trào thi đua chưa đồng đều. Cuối năm 1972, Công đoàn Trung ương đã tiến hành thống kê trong 60 đơn vị sản xuất và công tác trong Ngành chỉ có 28 nơi đăng ký tổ lao động xã hội chủ nghĩa. 3 công đoàn Bưu điện tỉnh và 3 công đoàn Trường chưa có tổ lao động xã hội chủ nghĩa nào được công nhận. Năng suất lao động, hiệu suất công tác còn thấp, công suất sử dụng máy móc thiết bị chỉ đạt 30-40%. Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ dù có tiến bộ so với trước nhưng chưa bắt kịp yêu cầu phát triển của Ngành trong giai đoạn mới. Trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật và tay nghề của công nhân viên chức nói chung còn thấp, tỷ lệ công nhân chưa qua đào tạo còn cao (trên 50%). Công tác đẩy mạnh quản lý dân chủ chưa phát huy được quyền làm chủ thực sự của công nhân viên chức, việc tiến hành các Hội nghị công nhân viên chức và Hội nghị chuyên đề chưa được tiến hành đều đặn và bài bản. Công tác đời sống chưa làm thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của cán bộ công nhân viên. Phương pháp hoạt động công đoàn vẫn thiếu sự phối hợp hành động chặt chẽ Liên hiệp công đoàn các tỉnh trong một số công tác.
Xuất phát từ nhiệm vụ của Ngành, từ chủ trương, định hướng của Tổng Công đoàn, Đại hội Công đoàn Bưu điện lần thứ V đề ra phương hướng công đoàn Ngành trong thời gian tới là: “phải phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên toàn Ngành, chuyển khí thế chiến thắng giặc Mỹ thành khí thế cách mạng tiến công trên mặt trận sản xuất, khôi phục và phát triển ngành, hăng hái thi đua lao động sản xuất và tham gia quản lý, tăng nhanh năng suất lao động, nâng cao chất lượng thông tin bưu điện, hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch 3 năm của Ngành” . Đại hội chính thức phát động cuộc vận động thi đua “Rèn luyện thái độ lao động đúng của người Bưu điện”, trọng tâm là vận động cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành phấn đấu rèn luyện trên bốn nội dung:
1. Hăng say công tác, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ lao động, bảo đảm ngày công giờ công chế độ, làm việc có định mức và vượt định mức lao động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh quy trình, quy phạm, quy tắc kỹ thuật, chế độ, thể lệ, thủ tục nghiệp vụ; nhiệm vụ chức trách, nội quy công tác; bảo đảm các chỉ tiêu về chất lượng thông tin liên lạc, chất lượng sản phẩm, chất lượng công trình.
3. Tích cực học tập nâng cao trình độ, thành thạo về nghiệp vụ, kỹ thuật, tay nghề. Hăng hái phát huy sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, khắc phục khó khăn về nguyên vật liệu.
4. Quý trọng và bảo vệ tốt của công, chấp hành tốt định mức sử dụng vật tư, tiền vốn, có tinh thần tiết kiệm, hăng hái sản xuất, đấu tranh chống lãng phí, tham ô.
Ngoài 2 đồng chí Chánh, Phó thư ký, Ban Thường vụ còn các đồng chí Bùi Thị Tình (Hoàng Lê), Ngô Huy Văn, Nguyễn Văn Đậu (phụ trách Cục Truyền thanh). Tháng 4-1966, đồng chí Phạm Văn Nam đi học, đồng chí Trần ảnh giữ cương vị Quyền Chánh Thư ký; bổ sung đồng chí Lê Đức Kiên vào Ban Thường vụ. Đến tháng 5-1967, Hội nghị Ban Chấp hành bầu đồng chí Lê Vân làm Chánh Thư ký và bổ sung đồng chí Lương Bình áng làm Phó Thư ký.
|
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 21 đồng chí. Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Lê Vân tiếp tục được bầu làm Chánh Thư ký, đồng chí Trần ảnh làm Phó Thư ký.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh toàn Ngành đang được đặt trước những nhiệm vụ cách mạng mới vô cùng to lớn: tập trung mọi lực lượng ra sức khôi phục, điều chỉnh cải tạo và phát triển mạng lưới thông tin. Nghị quyết Đại hội đã kịp thời đưa ra những chủ trương chuyển hướng hoạt động công đoàn phù hợp với tình hình mới, theo sát và phục vụ những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ngành. Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội, cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện hăng hái bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin.
Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam |
|
|
|