Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam10:08' - 18/12/2012Trên cơ sở 4 nội dung của phong trào “Rèn luyện thái độ lao động đúng của người Bưu điện” do Công đoàn Trung ương đề ra, công đoàn các cấp ở từng đơn vị, ngành nghề tuỳ theo đặc điểm sản xuất, công tác của đơn vị vận động công nhân viên chức tích cực đấu tranh khắc phục mặt yếu, sửa chữa những thái độ lao động không đúng như: “Lao động hăng say, quản lý tận tuỵ” (Công ty công trình), “giao thông viên phát thư giỏi” (Nam Hà), “5 ổn định” (Quảng Bình), “Dạy giỏi, học hay, hăng say phục vụ” (Trường Công nhân). Công đoàn Trung ương đã cử cán bộ xuống cơ sở để phổ biến và hướng dẫn thể lệ đăng kí phấn đấu. Ngay trong năm 1973, đã có 100% tổ công đoàn và công nhân viên chức được phổ biến nội dung thái độ lao động đúng, 70% tổ công đoàn và công nhân viên chức đăng ký phấn đấu. Năm 1974 có 80% tổ công đoàn và cán bộ viên chức đăng ký phấn đấu rèn luyện thái độ lao động đúng, thậm chí nhiều đơn vị đã vận động từ 85% đến 95%, có nơi 100% số tổ và cá nhân đăng ký như Hải Phòng, Hà Tây, Nam Hà, Thanh Hoá, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Cục Bưu điện Trung ương, Hải Hưng, Nhà máy thiết bị bưu điện, Chi cục vận chuyển, V1, C4, Vụ tổ chức cán bộ...
Trong khối Bưu chính, 4 nội dung Thái độ lao động đúng tập trung vào khâu chấp hành đúng chế độ thể lệ khai thác, chế độ kiểm soát vận chuyển bưu chính và phát hành báo chí, chấp hành đúng hành trình quy định, chế độ giao nhận, bảo đảm an toàn tài liệu, an toàn phương tiện… Từng tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở đã thống kê số lượng người đăng ký thi đua; sau đó hàng tháng, hàng quý sơ kết, kiểm điểm so sánh số người đạt 4 nội dung, số người sai phạm về chất lượng, số người đảm bảo ngày công, giờ công chế độ, số người làm việc đạt định mức, vượt định mức để có biện pháp thúc đẩy phong trào. Qua rèn luyện và đấu tranh thực hiện nội dung Thái độ lao động đúng, tình trạng tuỳ tiện trong việc chấp hành chế độ thủ tục nghiệp vụ, qui trình qui phạm kỹ thuật đã từng bước được khắc phục. Số đoàn viên và số tổ công đoàn đảm bảo chất lượng thông tin Bưu điện ngày càng nhiều .
Trong các đơn vị điện chính, nội dung Thái độ lao động đúng được áp dụng hầu hết trong khâu công tác: bảo dưỡng, quản lý dây máy như thực hiện đúng qui trình, quy phạm kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, bảo quản, xử lý hư hỏng, chế độ kiểm tra, tuần tra, đo thử, báo cáo thống kê định kỳ và bất thường; bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu sử dụng nguyên vật liệu, dụng cụ... Sau khi học tập và đăng ký rèn luyện Thái độ lao động đúng, các đơn vị thực hiện quản lý lao động ngày càng chặt chẽ hơn. Ngày công, giờ công định mức được nâng lên, sai sót kỹ thuật giảm xuống tối thiểu . Những kết quả đó phản ánh bước tiến bộ mới trong công tác vận động thi đua của các cấp Công đoàn, đồng thời thể hiện tinh thần quyết tâm cao của các đơn vị và cá nhân trong Ngành. Những đơn vị và cá nhân đăng ký thi đua nêu cao quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt những nội dung đã đề ra, góp phần tích cực nâng cao chất lượng thông tin liên lạc, tăng năng suất lao động, hoàn thành kế hoạch.
Qua học tập và rèn luyện Thái độ lao động đúng của người Bưu điện, ý thức thực hành tiết kiệm, bảo vệ của công trong cán bộ công nhân viên chức được nâng lên một bước. Nhiều đơn vị đã tổ chức thu gom nguyên vật liệu hỏng, quá thời hạn sử dụng để tái chế những sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Công đoàn các cấp phát động phong trào đấu tranh chống tham ô, lãng phí bằng nhiều hình thức như theo dõi chặt chẽ sổ sách thu chi, lập hòm thư quần chúng kịp thời phát hiện và đề xuất với chuyên môn biện pháp xử lý. Để nâng cao giờ công có ích, nhiều công đoàn cơ sở đã cùng với chuyên môn sắp xếp cho công nhân viên chức làm việc theo chương trình, xây dựng và thực hiện định mức lao động. Tỷ lệ cán bộ công nhân viên chức làm việc theo định mức ở Nhà máy Thiết bị là 89%, Đội phát thư Nhân dân Hà Nội là 93%, Trung tâm Phát hành báo chí là 96%; Vụ tổ chức cán bộ có 100% số người làm việc có chương trình. Lạng Sơn 76% công nhân viên chức làm việc có định mức. Các Đội bảo dưỡng đường dây, xây dựng công trình, giao thông viên mặc dù tính chất công việc lưu động thường xuyên song cũng tiến hành thực hiện định mức. Nhờ đó ngày công, giờ công có ích tăng lên, tình trạng chây lười, làm bừa, làm ẩu trong một bộ phận công nhân viên chức đã giảm xuống rõ rệt .
Để thúc đẩy phong trào xây dựng “tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, trong những năm 1974, 1975, Công đoàn Ngành phối hợp với Tổng cục mở nhiều Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa trong toàn Ngành; đưa nội dung phấn đấu của phong trào “Rèn luyện thái độ lao động đúng” thành một trong những yêu cầu cơ bản trong hướng phấn đấu của các tổ đăng kí xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đẩy mạnh phong trào xây dựng tổ đội xã hội chủ nghĩa cũng đồng thời có tác dụng thúc đẩy phong trào “Rèn luyện thái độ lao động đúng”. Thực hiện yêu cầu của Công đoàn Trung ương, các công đoàn cơ sở vận động các tổ lao động xã hội chủ nghĩa phải có 100% tổ viên đăng ký thực hiện nội dung thái độ lao động đúng và phấn đấu không có tổ viên phong cách kém. Năm 1973, toàn Ngành có 348 tổ sản xuất và công tác đăng ký phấn đấu, tăng hơn năm 1972 là 72 tổ. Các tổ đạt được công nhận Tổ lao động xã hội chủ nghĩa tiếp tục trở thành nòng cốt để đẩy mạnh phong trào “Rèn luyện thái độ lao động đúng”. Năm 1974, mỗi công đoàn cơ sở trong toàn Ngành đã có ít nhất một tổ được công nhận. Những đơn vị có một hoặc nhiều tổ đã được công nhận tiếp tục duy trì thành tích và phấn đấu nâng tỷ lệ số tổ đăng kí và được công nhận lên mức cao hơn. Có được kết quả đó là nhờ các cấp công đoàn luôn quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, thường xuyên tổ chức kiểm tra để phát hiện sai sót, kịp thời uốn nắn, tạo điều kiện tốt để các tổ phấn đấu. Nhiều cơ sở đẩy mạnh vượt bậc phong trào thi đua tập thể, tiêu biểu là Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Trung tâm Bưu điện Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình, Lào Cai, Hà Bắc, Vĩnh Linh, Viện thiết kế, Cục Điện chính...
Qua ba năm thực hiện Nghị quyết 28 của Tổng Công đoàn, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V, phong trào rèn luyện bốn nội dung “Thái độ lao động đúng của người Bưu điện” gắn liền với thi đua xây dựng “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa” đã đưa lại năng suất lao động cao, chất lượng thông tin bảo đảm hơn trước, vật tư, thiết bị được giữ gìn, bảo vệ và sử dụng tốt nên tiết kiệm được cho công quỹ hàng vạn đồng. Năm 1975, toàn Ngành có 90% tổ công đoàn và công nhân viên chức đăng ký phấn đấu, 70% tổ công đoàn và công nhân viên chức được công nhận đạt bốn nội dung. Phong trào công nhân viên chức chuyển biến rõ rệt: thái độ lao động đúng của người bưu điện thể hiện ở tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ vô điều kiện cho Đảng, Chính phủ, tận tuỵ phục vụ nhân dân trong sử dụng bưu điện, mỗi công nhân viên chức với lòng tự hào nghề nghiệp, cố gắng phấn đấu trở thành người cán bộ bưu điện trung thành, tận tuỵ, tin cậy của Đảng, của nhân dân. Ngoài ra, thái độ đúng còn thể hiện ở tinh thần làm chủ tập thể cao hơn, làm việc có kỷ luật chặt chẽ hơn, thành thạo nghiệp vụ và tay nghề giỏi, có tinh thần sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ công nhân viên toàn Ngành.
Trong giai đoạn này, các phong trào công nhân viên chức Bưu điện được mở rộng cả về phía Nam theo kịp bước tiến của quân giải phóng. Sau khi giải phóng Quảng Trị, đến đầu năm 1973, cán bộ công nhân viên chức của Ngành đã xây dựng được đường liên lạc vô tuyến điện Đông Hà - Hà Nội bằng máy đơn biên Poloca, từ đó, việc liên lạc giữa Trung ương và miền Nam nhanh chóng hơn. Những chủ trương của Công đoàn Ngành cũng đến được với đoàn viên Bưu điện Nam Bộ. Mặc dù đang phải tập trung vào nhiệm vụ phục vụ chiến đấu “đánh cho Ngụy nhào” nhưng các cấp công đoàn cơ sở miền Nam vẫn hăng hái tham gia hưởng ứng những phong trào do Công đoàn Trung ương phát động. Trong phong trào tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, có một số đơn vị hưởng ứng như Gia Lai - Kon Tum, Công ty Công trình Trung bộ, những cơ sở chưa tổ chức thi đua tập thể thì vận động thi đua cá nhân và phấn đấu tổ tiên tiến.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, Nghị quyết của Tổng Công đoàn, Công đoàn Bưu điện cùng với Tổng cục Bưu điện tích cực động viên cán bộ công nhân viên phát huy vai trò làm chủ tập thể, tuyên truyền, phổ biến nội dung về khôi phục và tăng cường công tác tham gia quản lý; duy trì đều đặn hình thức Hội nghị công nhân viên chức từ cấp tổ trở lên, mở rộng việc thực hiện dân chủ hóa kế hoạch, khôi phục hình thức kí kết hợp đồng tập thể. Hầu hết các công đoàn cơ sở đều duy trì mở các hội nghị công nhân viên chức từ cấp tổ, thậm chí có những đơn vị thực hiện được 100%. Hình thức hội nghị cũng được đa dạng hóa phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, từng ngành nghề cụ thể nên đạt hiệu quả cao hơn. Các hội nghị không chỉ là nơi trao đổi kinh nghiệm mà quan trọng hơn là qua đó quần chúng tích cực và mạnh dạn tham gia ý kiến tháo gỡ khó khăn về sản xuất, đời sống, tổ chức lao động. Qua các hội nghị, nhiều ý kiến tham gia của quần chúng được công đoàn tập hợp và đề xuất với Ngành, sau đó đưa vào thực hiện như: tham gia xây dựng kế hoạch năm 1974, 1975; tham gia giải quyết phương tiện xe đạp cho giao thông viên; tham gia xét duyệt nâng bậc cho công nhân và 10% lương cho cán bộ viên chức; tham gia cải tiến tổ chức bưu điện địa phương, sử dụng lao động v.v...
Về thực hiện dân chủ hóa kế hoạch, sau khi tổng kết thí điểm ở Hải Phòng, Công đoàn Bưu điện Trung ương đã tổ chức họp liên tịch với Tổng cục để xây dựng chương trình mở rộng ra toàn Ngành. Trong năm 1974, 1975, những ý kiến đề xuất của quần chúng tham gia xây dựng kế hoạch quý, kế hoạch từng công trình ở các phòng, đài, đội, xưởng có chất lượng cao hơn, sát hợp hơn. Nhiều ý kiến của cấp cơ sở tham gia về chủ trương, biện pháp, nội dung kế hoạch năm của toàn Ngành do Công đoàn Trung ương tập hợp gửi sang chuyên môn được lãnh đạo Tổng cục Bưu điện hoan nghênh, tiếp thu thực hiện.
Hình thức kí kết đồng tập thể giữa các tổ công đoàn và lãnh đạo chuyên môn được khôi phục và mở rộng. Bước đầu mỗi cơ sở chọn một nội dung để kí kết, rút kinh nghiệm và mở rộng. Năm 1974, sau bước khởi động, phong trào đã lan khá rộng trong các cấp công đoàn, bước sang năm 1975 việc kí kết hợp đồng tập thể được tiến hành rộng rãi và phát huy tác dụng tích cực. Những cơ sở tiến hành chặt chẽ thì trách nhiệm của công đoàn và chuyên môn đều phát huy, phong trào và chất lượng lao động sản xuất tiến bộ vượt bậc như Công đoàn Ty Bưu điện Quảng Bình, Quảng Ninh, Trung tâm Bưu điện Hà Nội...
Qua phong trào “Rèn luyện thái độ lao động đúng”, Công đoàn chú trọng đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến trong công nhân viên chức . Được sự giúp đỡ của Ban Thi đua Tổng Công đoàn, Công đoàn Bưu điện đã bước đầu thực hiện thí điểm hình thức xây dựng các nhóm, tổ hỗ trợ sáng kiến ở Nhà máy thiết bị Bưu điện. Sau một thời gian ngắn, Nhà máy đã xây dựng được 12 tổ và 43 nhóm hỗ trợ sáng kiến, động viên quần chúng phát huy nhiều sáng kiến, trong tổng số tổ công đoàn và đoàn viên toàn đơn vị đã có 65% số tổ, và 32% số người phát huy và áp dụng sáng kiến. Đầu năm 1974, kinh nghiệm các nhóm, tổ hỗ trợ sáng kiến của Nhà máy Thiết bị Bưu điện được phổ biến rộng đến các công đoàn cơ sở khác. Đến năm 1975, trong toàn Ngành có khoảng 50% số tổ và công đoàn bộ phận có nhóm, tổ sáng kiến hoạt động tốt, phát huy tác dụng tích cực. Những cơ sở trước đây phong trào phát huy sáng kiến còn yếu như Nhà máy Vật liệu Bưu điện, Cục Bưu điện Trung ương, sau khi tổ chức tổ, nhóm hỗ trợ sáng kiến đã có tiến bộ rõ rệt.
Trong công tác đời sống, năm 1973, Công đoàn Bưu điện phối hợp với chuyên môn thực hiện trợ cấp thêm 10% lương cho những cán bộ công nhân viên chức có mức lương dưới 90 đồng/1tháng với tổng số tiền là 21.597 đồng; khen thưởng các đơn vị có thành tích cao trên 10.000 đồng. Công đoàn tích cực tham gia nghiên cứu cải tiến tiền lương và chế độ thâm niên cho một số bộ phận như khai thác bưu điện. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tham gia cùng chuyên môn sắp xếp, bố trí, sử dụng lao động hợp lý: bảo đảm cho cán bộ, công nhân viên chức có đủ việc làm liên tục, làm việc có chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, có chương trình cụ thể, có định mức lao động, vật tư và đủ phương tiện, dụng cụ, thực hiện tốt chế độ kiểm tra trình độ công nhân và nâng cấp bậc cho cán bộ công nhân viên chức.
Sau Hiệp định Pari, các cơ sở Bưu điện từ nơi sơ tán trở về thành phố, thị xã, thị trấn. Hầu hết nhà cửa của cán bộ công nhân viên đã bị bom đạn tàn phá, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. ổn định và cải thiện đời sống cho đoàn viên trở thành một yêu cầu cấp bách đặt ra cho công đoàn các cấp. Trước tình hình đó, các Công đoàn cơ sở đặc biệt là những vùng trọng điểm chiến tranh đã vận động cán bộ công nhân khắc phục khó khăn, xây dựng nhà ở, vườn trẻ, nhà ăn…nhằm sớm ổn định đời sống. Công đoàn cùng với Tổng cục đã tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt của quần chúng như: trích quỹ công đoàn, quỹ cơ quan để hỗ trợ những gia đình công nhân viên chức quá khó khăn . Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tham gia cùng chuyên môn nghiên cứu, bố trí sắp xếp lại lao động phù hợp với những đối tượng sức khỏe suy giảm, gia đình khó khăn, phụ nữ có con nhỏ, chuyển công tác cho những cán bộ công nhân viên chức trước đây vì điều kiện chiến tranh phải thay đổi cơ quan nay được hợp lý công tác, gần gũi gia đình… Cùng với chuyên môn củng cố và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh, điều dưỡng, nghỉ mát để tăng cường sức khoẻ cho cán bộ, công nhân viên chức toàn Ngành.
Tham gia tích cực hơn vào việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn quan tâm giải quyết các trường hợp khiếu tố, khiếu nại của quần chúng. Số lượng đơn thư khiếu tố giảm hơn so với giai đoạn trước. Năm 1973, Công đoàn Trung ương nhận 57 đơn khiếu tố (giảm 10 đơn so với 1972) trong đó có 2 đơn của tập thể, 35 đơn của cán bộ và 20 đơn của công nhân, nhân viên khiếu tố. Công đoàn Ngành đã cử cán bộ theo dõi, giải quyết được 43 trường hợp, sau đó chuyển những trường hợp khác về cấp công đoàn cơ sở tiếp tục xử lý.
Công tác bảo hộ lao động được đẩy mạnh trên hai mặt: giáo dục tuyên truyền về an toàn lao động và phối hợp với chuyên môn xây dựng các chế độ an toàn lao động, trang bị bảo hộ lao động. Các công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về an toàn lao động, vừa kết hợp tuyên truyền giáo dục cho công nhân viên chức nắm vững và chấp hành triệt để các quy tắc an toàn lao động (quy tắc an toàn về điện, vệ sinh công nghiệp, quy tắc làm việc nơi nguy hiểm, nơi độc hại…). Công đoàn Trung ương, công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn tổ chức kiểm tra thường kỳ về công tác bảo hộ lao động, phổ biến kinh nghiệm phòng tránh những tai nạn nghiêm trọng. Việc hoàn thiện và bổ sung các chế độ bảo hộ lao động đặt ra ngày càng lớn, đặc biệt trong điều kiện Ngành đang vươn lên xây dựng mạng lưới thông tin, nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, khối lượng xây dựng cơ bản lớn. Công đoàn đã tham gia với các ban chức năng của Tổng cục nghiên cứu bổ sung và xây dựng những chế độ trang bị bảo hộ lao động còn thiếu hoặc chưa phù hợp; nghiên cứu xây dựng quy chế xử lý đơn vị, cá nhân để xảy ra tai nạn, thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với những tập thể để xảy ra tai nạn lớn như Công ty đường dài, Công đoàn Ty Thanh Hóa, Nam Hà, Hà Bắc, Xí nghiệp sửa chữa…
Từ nhận thức muốn có chất lượng thông tin cao trước hết phải có đội ngũ làm công tác thông tin tốt, Công đoàn Bưu điện chủ trương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công nhân viên chức toàn Ngành. Qua đó, nâng cao hơn nhận thức của quần chúng về vị trí, nhiệm vụ, truyền thống của Ngành, bồi dưỡng quan điểm lao động đúng, nâng cao ý thức và nhiệt tình phục vụ, nâng cao ý thức nghề nghiệp của người cán bộ Bưu điện. Ngoài việc giáo dục thường xuyên về thời sự, chính sách, về nhiệm vụ kế hoạch, Công đoàn phối hợp với Tổng cục mở đợt tuyên truyền giáo dục về “Thái độ lao động đúng của người Bưu điện” với nội dung và hình thức phong phú. Công đoàn Ngành đã hướng dẫn cơ sở tiến hành phổ biến bốn nội dung thái độ lao động đúng (in 15.000 khẩu hiệu về nội dung lao động đúng gửi về cơ sở), mở các hội nghị toàn Ngành để sơ kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng các đơn vị xuất sắc.
Song song với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Công đoàn Ngành đã tham gia với Tổng cục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên chức 3 năm 1973-1975, chú trọng cả về trình độ văn hoá và nghiệp vụ kỹ thuật. Các công đoàn cơ sở miền núi tích cực thực hiện bổ túc văn hóa phổ thông; Công đoàn Trung ương tổ chức các lớp tập trung, tại chức đào tạo kỹ sư, công nhân lành nghề ; lựa chọn những công nhân giỏi gửi đi đào tạo ở các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển ; công đoàn cấp tổ hướng dẫn công nhân kèm cặp tay nghề lẫn nhau trong lao động. Nhiều cơ sở phối hợp với chuyên môn khôi phục và mở rộng sinh hoạt câu lạc bộ khoa học kỹ thuật có tác dụng phổ biến và nâng cao hơn trình độ kỹ thuật cho công nhân viên. Đi liền với động viên đoàn viên tích cực học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên chức học tốt, phù hợp với mọi lứa tuổi, công đoàn còn tiến hành theo dõi, kiểm tra và khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tổ và đơn vị duy trì được phong trào học tập tốt.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 93 của Hội đồng Chính phủ về cải tiến các bưu điện địa phương, Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Tổng Công đoàn, Nghị quyết Đại hội Công đoàn lần thứ III (1974), các cấp công đoàn Ngành đã kịp thời tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức công đoàn phù hợp với sự thay đổi của tổ chức chuyên môn, với hoạt động của đơn vị, hướng hoạt động công đoàn đi sâu hơn vào sản xuất, vào kinh tế kỹ thuật, tạo nên sức bật mới trong hoạt động. Các lớp bồi dưỡng được tổ chức thường xuyên cho các cán bộ công đoàn cơ sở, Thư ký công đoàn bộ phận và từ đó, hướng dẫn công đoàn cơ sở bồi dưỡng cho tổ công đoàn và công đoàn bộ phận còn lại. Đến năm 1975, có gần trên 90% cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở và thư ký công đoàn bộ phận được bồi dưỡng về nội dung quản lý ngành; các công đoàn cơ sở bồi dưỡng cho 90% tổ trưởng, tổ phó và chấp hành công đoàn bộ phận theo nội dung hướng dẫn của Công đoàn Bưu điện. Ngoài việc học tập bồi dưỡng cán bộ theo các hệ thống trường, lớp, để vươn lên đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới và của phong trào quần chúng, cán bộ công đoàn mà đặc biệt là cán bộ chuyên trách từ công đoàn Trung ương đến cơ sở tích cực tự bồi dưỡng, giúp nhau học tập trong thực tiễn phong trào, xây dựng nề nếp công tác của công đoàn. Các cấp công đoàn đã mạnh dạn hơn trong đề bạt, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học kỹ thuật làm công tác công đoàn, kịp thời thay thế cho những cán bộ công đoàn sức khoẻ kém, tuổi cao.
Công tác nữ công được đẩy mạnh trên hai mặt: giáo dục đạo đức người phụ nữ Bưu điện xã hội chủ nghĩa và hướng phụ nữ vào hoạt động thi đua rèn luyện thái độ lao động đúng. Tháng 4-1973, Hội nghị nữ công toàn Ngành đã được tổ chức, qua tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp hoạt động nữ công, nhận thức của nữ công nhân viên chức về vị trí, nhiệm vụ của công tác đã được nâng cao. Các cấp công đoàn vận động chị em khắc phục khó khăn, tích cực học tập nâng cao trình độ, thành thạo về nghiệp vụ, kỹ thuật, đồng thời chăm lo giải quyết đúng mức những khó khăn về đời sống của phụ nữ như vấn đề giữ trẻ, chăm sóc con cái, bảo vệ sức khoẻ, xây dựng gia đình. Ban nữ công ở cơ sở, nhóm nữ công ở tổ công đoàn được chú trọng chỉ đạo củng cố, đưa hoạt động ngày càng đi vào nề nếp với nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm nữ giới. Công đoàn đã tham gia với Ngành bổ sung, sửa đổi một số chế độ chính sách đối với nữ như về sử dụng lao động hợp lý, chế độ thai sản, nuôi con nhỏ, chăm sóc y tế v.v...
Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam
|
|
|
|