Tìm kiếm:
ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM, LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2013 - 2018:
CÁC KỲ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN:
Thống nhất, củng cố tổ chức Công đoàn Bưu điện trong cả nước
10:12' - 18/12/2012
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ chính đặt ra đối với Đảng và nhân dân ta là: khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho thời kỳ quá độ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Tháng 9-1975, Hội nghị 24 Ban Chấp hành Trung ương khoá III của Đảng ra Nghị quyết về việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Quán triệt tinh thần Nghị quyết, ngành Bưu điện nhanh chóng triển khai việc thống nhất bộ máy tổ chức, trên cơ sở đó thống nhất mạng lưới thông tin, đưa hệ thống Bưu điện trong cả nước phát triển, theo kịp yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Đất nước hoà bình, thống nhất là điều kiện thuận lợi để ngành Bưu điện củng cố và phát triển mạng lưới thông tin thống nhất, hiện đại, hướng vào phục vụ nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết cán bộ công nhân viên Bưu điện đều được rèn luyện qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trưởng thành về mọi mặt, có kinh nghiệm, bản lĩnh, tay nghề vững vàng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, mạng thông tin bưu điện bước đầu được thiết lập khá đa dạng ở miền Bắc; mạng thông tin phục vụ kháng chiến ở miền Nam phát triển hơn nhiều so với trước. Cơ sở vật chất, kỹ thuật thông tin Bưu điện được tiếp quản từ chế độ cũ hầu như nguyên vẹn, tạo thêm điều kiện phát triển mạng lưới và nghiệp vụ bưu điện.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản đó, hệ thống thông tin liên lạc trong cả nước còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mạng lưới thông tin ở miền Bắc phát triển không cân đối, chất lượng kém, trang thiết bị nói chung còn lạc hậu, năng lực thông tin rất thấp so với yêu cầu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. ở miền Nam, thông tin phục vụ lãnh đạo của Đảng thời kỳ kháng chiến còn rất thô sơ, chưa tổ chức được mạng lưới rộng khắp. Những cơ sở Bưu điện tiếp quản được thì thiết bị thiếu đồng bộ, phần lớn do các nước tư bản chế tạo, trong khi nước ta bị bao vây, cấm vận về kinh tế, lại thiếu ngoại tệ nên việc nhập phụ tùng, linh kiện thay thế rất khó khăn. Tổ chức bộ máy và phương thức quản lý thông tin liên lạc của hai miền hoàn toàn khác nhau: miền Nam chưa hình thành hệ thống quản lý theo ngành dọc, bộ máy quản lý ở các địa phương có sự khác biệt... Thiếu hụt về cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật là trở ngại lớn khi ngành Bưu điện bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới - đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Yêu cầu đặt ra đối với ngành Bưu điện sau giải phóng miền Nam là phải nhanh chóng củng cố, thống nhất thông tin toàn quốc, cả về mạng lưới và tổ chức, đủ sức đáp ứng nhu cầu thông tin của toàn xã hội, phục vụ các chiến lược phát triển của đất nước. Trước mắt là khẩn trương tiếp quản các cơ sở  thông tin ở miền Nam. Để thực hiện hiệu quả công tác này, các Ban Tiếp quản Bưu điện được thành lập, kết hợp với Ban Quân quản nhanh chóng chiếm giữ các Bưu điện trung tâm như: Bưu điện Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và Bưu điện các tỉnh. Tổng cục Bưu điện tăng cường hai đoàn cán bộ do các đồng chí Nguyễn Văn Đạt và Hoàng Bạn làm trưởng đoàn, cùng các phương tiện thông tin kỹ thuật từ miền Bắc, kết hợp với cán bộ R, lực lượng thông tin nội tuyến,... tiếp quản nhanh chóng, an toàn bộ máy tổ chức và trang thiết bị bưu chính - viễn thông của nguỵ quyền. Do công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo, chỉ đạo tập trung và sự hợp tác tích cực của hầu hết công chức cũ, nên đội ngũ cán bộ tiếp quản nhanh chóng đánh giá được hiện trạng mạng lưới, tiếp cận và phát hiện những ưu điểm, nhược điểm kỹ thuật, tìm hiểu năng lực khai thác, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cải tạo, củng cố và chuyển hướng hoạt động của Bưu điện miền Nam phù hợp với tình hình mới.

Đầu tháng 7-1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Đạt làm Tổng cục Trưởng. Do việc bỏ cấp khu và sáp nhập để hình thành các đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa hoàn thành, nên bộ máy quản lý Bưu điện ở các địa phương cũng không thống nhất, chưa hình thành hệ thống quản lý theo ngành dọc; thiếu cán bộ, thiếu trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật… hoạt động Bưu điện miền Nam trong thời gian đầu rơi vào tình trạng phân tán, cục bộ. Trước tình hình đó, ngày 19-8-1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ chỉ đạo việc thiết lập mạng lưới quản lý của ngành Bưu điện theo phương thức quản lý toàn diện, thống nhất theo ngành dọc trên phạm vi cả nước.

Cuối năm 1975, chuẩn bị thống nhất bộ máy tổ chức Ngành, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện đã cử đoàn cán bộ lãnh đạo các Cục, Vụ: Bưu chính, Điện chính, Bưu điện Trung ương, Cán bộ đào tạo, Lao động và tiền lương đi khảo sát tình hình và tiến hành một số nhiệm vụ cấp bách về tổ chức, cán bộ đối với hệ thống Bưu điện miền Nam. Tiếp đó, hàng loạt các đơn vị trực thuộc Tổng cục được thành lập như: Công ty Công trình III làm nhiệm vụ thi công các công trình Bưu điện trên địa bàn B2 cũ; Trung tâm Bưu chính và Phát hành báo chí; Trung tâm Viễn thông; Trung tâm Bưu điện I. Đây là những đơn vị sản xuất, kế hoạch cơ sở làm nhiệm vụ quản lý tài sản, thiết bị được giao, đảm bảo thông tin liên lạc theo sự phân công của Tổng cục. Công tác lựa chọn, đào tạo dài hạn đội ngũ cán bộ trẻ có triển vọng để chuẩn bị quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ cho hệ thống Bưu điện miền Nam cũng được triển khai. Các trường chuyên nghiệp Bưu điện, trường công nhân Bưu điện và Trường Bổ túc Văn hoá được mở để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công nhân. Cuối tháng 7-1976, Tổng cục ban hành Quyết định số 397/QĐ sửa đổi, bổ sung điều lệ tạm thời về tổ chức Bưu điện tỉnh/thành. Hệ thống tổ chức bộ máy của Bưu điện miền Nam hình thành, về cơ bản thống nhất với mô hình ở miền Bắc. Từ tháng 5-1976, Tổng cục Bưu điện triển khai nhiệm vụ cải tiến cơ cấu tổ chức Bưu điện theo mô hình 4 cấp hành chính, 2 cấp kế hoạch, 3 cấp mạng lưới.

Từ ngày 2 đến ngày 7-8-1976, Hội nghị cán bộ bàn về thống nhất tổ chức, thống nhất quản lý ngành Bưu điện Nam - Bắc được tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị quyết định thống nhất tổ chức, quản lý Bưu điện trong cả nước và thực hiện các nhiệm vụ của Ngành theo sự chỉ đạo của Hội đồng Chính phủ. Bộ máy lãnh đạo Tổng cục Bưu điện Việt Nam sau ngày thống nhất gồm đồng chí Phạm Niên làm Tổng cục trưởng và 4 Tổng cục phó1. Ngày 9-8-1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 2718/NQ-TW chỉ định phụ trách công tác Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện gồm 6 đồng chí là: Phạm Niên, Vũ Văn Quý, Nguyễn Văn Đạt, Trần Văn Thâm, Hoàng Bạn, Trương Văn Thoan; đồng chí Vũ Văn Quý làm Bí thư Đảng đoàn.

Tổ chức bộ máy của Bưu điện Việt Nam được thống nhất là sự kiện quan trọng trong lịch sử của Ngành, kết thúc thời kỳ bị chia cắt bởi chiến tranh. Từ đây, ngành Bưu điện bước sang giai đoạn mới, phát huy cao độ truyền thống và tinh thần đoàn kết, trí tuệ và sức lực của đội ngũ cán bộ công nhân viên khắc phục hậu quả chiến tranh, thống nhất mạng lưới, thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Chính phủ giao.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 24, Tổng Công đoàn Việt Nam cũng nhanh chóng thống nhất tổ chức và phong trào công nhân viên chức trên phạm vi cả nước. Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã được tiến hành trong các ngày 6, 7, 8-6-1976, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị quyết định thống nhất Tổng Công đoàn Việt Nam ở miền Bắc và Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Sự thống nhất tổ chức của Tổng Công đoàn tạo tiền đề quan trọng cho quá trình thống nhất và phát triển của công đoàn các cấp, các ngành trong cả nước.

Căn cứ vào vị trí, vai trò quan trọng của Công đoàn Bưu điện và phong trào công nhân viên chức Bưu điện trong phong trào chung của Tổng Công đoàn và phong trào công nhân viên chức Việt Nam; căn cứ vào thực tế tình hình tổ chức của ngành Bưu điện và Công đoàn Bưu điện, nhất là khu vực phía Nam, ngay sau khi thống nhất, Tổng Công đoàn Việt Nam đã lựa chọn Công đoàn Bưu điện Việt Nam là một trong 3 Công đoàn ngành dọc đầu tiên (trong tổng số 20 công đoàn ngành dọc) tiến hành chỉ đạo điểm thực hiện phong trào công đoàn ngành cả nước trong giai đoạn cách mạng mới.

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, dù chưa nhận được chỉ đạo, kế hoạch chính thức của Tổng Công đoàn, nhưng quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 24, theo sự chỉ đạo của Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện, Công đoàn Bưu điện chú trọng phát triển đoàn viên và gây dựng tổ chức ở các cơ sở Bưu điện phía Nam. Ban đầu, những đoàn viên công đoàn được phân công vào tiếp quản, chi viện ở miền Nam tiếp tục liên hệ, nhận sự chỉ đạo của Công đoàn ở miền Bắc, tại những đơn vị có quân số đông thì thành lập các phân đoàn để làm nòng cốt mở rộng tổ chức.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện, Công đoàn Tổng cục Bưu điện miền Nam đã được thành lập ngay sau khi Tổng cục Bưu điện miền Nam ra đời. Tiếp đó là sự ra đời của hàng loạt các tổ chức Công đoàn Bưu điện các tỉnh, thành ở miền Nam, trước hết là các tỉnh, thành ở Khu V cũ. Cùng với hỗ trợ chuyên môn thực hiện tốt việc tiếp quản bộ máy và mạng lưới thông tin miền Nam, Công đoàn Bưu điện tích cực tham gia củng cố tổ chức và xây dựng đội ngũ đáp ứng nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới. Công đoàn các cấp tổ chức hướng dẫn đội ngũ công chức Bưu điện chế độ cũ đăng ký trình diện, triển khai các chương trình chỉnh huấn, học tập tại chỗ và bố trí công việc hợp lý. Hầu hết công chức cũ nhanh chóng hoà nhập, tự giác với công việc mới, đóng góp phần công sức của mình trong quản lý, khai thác mạng lưới của Ngành. Việc xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân ở các đơn vị cơ sở thuộc hệ thống Bưu điện miền Nam đều gắn với việc hình thành các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên,… Trong đó, nòng cốt ban đầu là những cán bộ, chiến sỹ thông tin trưởng thành trong kháng chiến và những cán bộ vừa được tăng cường từ miền Bắc. Trong năm 1976, nhiều tổ chức Công đoàn Bưu điện phía Nam đã tổ chức tuyên truyền giáo dục những nội dung thiết thực cho đoàn viên, hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc và chuẩn bị thiết thực cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Thông qua các phong trào quần chúng đó, một số đợt phát triển đoàn viên mang tên lớp đoàn viên công đoàn Đại hội IV của Đảng đã được tiến hành

Đến giữa năm 1976, 19 cơ sở Bưu điện tỉnh, thành, trường học, xí nghiệp ở miền Nam đã thành lập được tổ chức công đoàn và được Liên hiệp Công đoàn địa phương công nhận Ban Chấp hành cơ sở. Đó là các Công đoàn cơ sở Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Công ty Công trình Trung Bộ, Trung tâm Viễn thông, Trung tâm Bưu chính và Phát hành báo chí, Công ty Công trình III, Chi cục Vật tư, Xí nghiệp sửa chữa, Trung tâm Bưu điện 1, Trường Kỹ thuật Bưu điện, Trường Bổ túc văn hoá, Xí nghiệp Máy tính, Trường Công nhân. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục mở rộng tổ chức Công đoàn Bưu điện ở phía Nam và thống nhất Công đoàn Bưu điện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, các công đoàn cơ sở này chủ yếu hoạt động thông qua sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động các địa phương, thiếu sự gắn bó theo ngành dọc và liên kết, phối hợp hoạt động với nhau. Thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách phải thống nhất tổ chức và hoạt động của Công đoàn Bưu điện trong cả nước.

Ngày 25-7-1976, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn Bưu điện miền Nam, Công đoàn Bưu điện Trung ương đề ra chủ trương hoạt động cho các tổ chức Công đoàn toàn Ngành thời kỳ mới là phát huy vai trò của Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng ngành Bưu điện phục vụ đắc lực cho công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng tổ chức Công đoàn Bưu điện lớn mạnh, nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn Ngành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hội nghị quyết định thống nhất bộ máy tổ chức Công đoàn Bưu điện trong toàn quốc. Với Quyết định quan trọng này, Công đoàn Bưu điện đã chính thức mở rộng và thống nhất tổ chức cũng như mọi hoạt động trên phạm vi cả nước, tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ phong trào công nhân viên chức Bưu điện trong thời kỳ mới.

Sau khi thống nhất, Công đoàn Bưu điện Việt Nam bao gồm 40 Công đoàn Bưu điện tỉnh, thành phố, đặc khu và 30 công đoàn các đơn vị trực thuộc, bao gồm các công ty, nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu, trường học. Ban Thường vụ Công đoàn Bưu điện chỉ đạo thống nhất bộ máy và phương thức hoạt động các cấp công đoàn Ngành trong cả nước. Căn cứ vào Điều lệ Công đoàn Việt Nam, vào tính chất, đặc điểm của Ngành, bộ máy của Công đoàn Bưu điện được tổ chức và hoạt động theo cơ chế của công đoàn Trung ương với hai cấp: Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở bao gồm công đoàn bộ phận, tổ công đoàn. Các Bưu điện huyện, thị trấn, thị xã, bưu cục khu vực trực thuộc Bưu điện tỉnh thì các tổ chức công đoàn cũng trực thuộc Công đoàn Bưu điện tỉnh. Các tổ công đoàn bưu cục khu vực trong một huyện trực thuộc công đoàn bộ phận huyện.

Phương thức hoạt động chủ yếu của các tổ chức công đoàn cơ sở là vận động, động viên đông đảo quần chúng tham gia các hoạt động công đoàn thông qua việc thành lập và phát huy vai trò của các Ban Thi đua, Ban Tuyên giáo (bao gồm cả văn hoá quần chúng, thể dục thể thao), Ban Đời sống (bao gồm cả lao động, tiền  lương), Ban Nữ công, Ban Bảo hiểm xã hội, Ban Kiểm tra tài chính. Công đoàn bộ phận lớn cũng thành lập các tiểu ban tương tự. Công đoàn bộ phận nhỏ không lập các tiểu ban mà phân công cán bộ phụ trách từng mảng công tác. Những công đoàn bộ phận nhiều cán bộ nữ thì thành lập các tổ nữ công; những tổ có từ 3 nhân viên là nữ trở lên thì thành lập nhóm nữ công.    

Công đoàn Bưu điện cơ sở chịu sự lãnh đạo và sự phối hợp chỉ đạo của Công đoàn ngành Trung ương và Liên hiệp công đoàn ở từng địa phương. Trong đó, Công đoàn ngành Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn các công đoàn cơ sở vận động công nhân viên chức tham gia tích cực vào quản lý Ngành, chỉ đạo triển khai các phong trào thi đua, giáo dục tư tưởng, tham gia xây dựng và hướng dẫn các tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện các chế độ, chính sách của Ngành, tham gia phân phối quỹ tiền lương hàng năm và phân phối phúc lợi cho các cơ sở. Liên hiệp Công đoàn có chức năng chỉ đạo và kiểm tra các mặt hoạt động của công đoàn cơ sở tại địa phương, hướng dẫn thực hiện tốt các chủ trương của Công đoàn ngành Trung ương và với cấp uỷ Đảng địa phương; hướng dẫn quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và tài chính. Công đoàn cơ sở có trách nhiệm báo cáo thường xuyên với Công đoàn Trung ương và Liên hiệp Công đoàn theo chế độ Ngành và quy định của Tổng Công đoàn.

Mối quan hệ giữa các Công đoàn Bưu điện cơ sở với Đảng, chính quyền cùng cấp được xây dựng theo Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 167 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương và Luật Công đoàn, có sự vận dụng sáng tạo với đặc thù của Ngành. Do tính chất phân tán của hoạt động bưu điện nên Đảng uỷ Bưu điện tỉnh không lãnh đạo các chi bộ bưu điện huyện/thị xã, mặc dù các Công đoàn bộ phận của Bưu điện huyện đều nằm trong Công đoàn bưu điện tỉnh. Ban cán sự Bưu điện tỉnh hoặc Đảng đoàn Bưu điện tỉnh không phải là một cấp uỷ nên không lãnh đạo Công đoàn Bưu điện tỉnh mà có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ thực hiện công tác đúng đường lối của Đảng và chủ trương của Công đoàn cấp trên. Sự phân cấp quan hệ quản lý đó có những mặt tích cực nhất định nhưng cũng làm ảnh hưởng đến sự gắn kết hoạt động của Công đoàn Bưu điện cơ sở, với đặc trưng vùng, miền, địa phương. Khắc phục tình trạng đó, ngày 23-6-1977, Tổng cục ban hành Quyết định số 80/QĐ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Bưu điện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nguyên tắc kết hợp quản lý ngành dọc với quản lý cụ thể giữa Tổng cục với các cấp chính quyền địa phương, khiến hoạt động của các cấp Công đoàn Bưu điện gắn chặt hơn với hoạt động của Công đoàn các địa phương.

Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá V (1973-1978) (18/12/2012)
 Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam (18/12/2012)
 Vận động cán bộ công nhân viên đẩy mạnh thi đua, bước đầu thiết lập mạng lưới thông tin Bưu điện thống nhất (18/12/2012)
 Một số bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 1954-1975 của Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
1
CÁC TIN KHÁC:
 Công đoàn Bưu Điện Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã qua 13 kỳ Đại hội (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam trước tháng 12/1957 (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá I (1957-1960) (07/11/2012)
 Đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội I Công đoàn Bưu điện VN (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá II (1960-1963) (05/12/2012)
 Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Đại hội lần thứ III Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam (11/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam khoá III (1963-1968) (11/12/2012)
 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá IV (1968-1973) (18/12/2012)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV (18/12/2012)
 Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ VI (1978-1981) (10/01/2013)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá VI (1978-1981) (10/01/2013)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI Công đoàn Bưu điện Việt Nam (10/01/2013)
1 2 3
TIN ẢNH
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam