Tìm kiếm:
ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM, LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2013 - 2018:
CÁC KỲ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN:
Vận động cán bộ công nhân viên đẩy mạnh thi đua, bước đầu thiết lập mạng lưới thông tin Bưu điện thống nhất
10:13' - 18/12/2012
Trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Buu điện là: “Phát triển nhanh Bưu điện đáp ứng yêu cầu thông tin trong cả nước và giữa nước ta với các nước trên thế giới. Phải phát huy mọi năng lực thông tin về cơ sở vật chất  - kỹ thuật sẵn có, đồng thời ra sức xây dựng công nghiệp sản xuất thiết bị thông tin, hiện đại hoá từng bước và có trọng điểm mạng lưới thông tin Bưu điện làm cho công tác Bưu điện được nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi”.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khoá III (ngày 20-12-1975) xác định nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt của phong trào công nhân viên chức và Công đoàn các ngành là: phát động, tổ chức phong trào công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội sôi nổi, liên tục, đều khắp, giành “3 đỉnh cao”, hoàn thành kế hoạch, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (1976-1980). Các biện pháp chủ yếu phát động phong trào thi đua là: tạo tiền đề tiến tới tổ chức cho cán bộ công nhân viên tham gia tích cực vào các phong trào mang tính tập thể như phong trào ký kết hợp đồng tập thể hoặc cam kết trách nhiệm; đẩy mạnh phát triển phong trào xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, điển hình tiến tiến, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; Công đoàn phối hợp với chuyên môn thực hiện đúng, kịp thời chế độ tiền lương, tiền thưởng để động viên các phong trào thi đua và từng bước cải thiện đời sống cho người lao động.

Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Công đoàn, gắn với tình hình, nhiệm vụ của Ngành, Công đoàn Bưu điện xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là vận động cán bộ, đoàn viên công nhân viên tích cực tham gia tiếp quản mạng lưới, đăng ký công trình sản phẩm với mục tiêu thống nhất và nâng cao chất lượng mạng lưới.

Sau giải phóng miền Nam, việc tiếp quản và thống nhất mạng lưới thông tin trong toàn quốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Tổng cục Bưu điện Việt Nam. Được sự hỗ trợ của Công đoàn Bưu điện Trung ương, các tổ chức Công đoàn Bưu điện miền Nam tuy mới hình thành nhưng đã phát huy tốt chức năng vận động đội ngũ công nhân viên vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, tiếp quản nhanh chóng và nguyên vẹn mạng lưới thông tin của chế độ cũ1. Theo tinh thần Nghị quyết số 15 (ngày 15-8-1975) của Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện về “Tận dụng triệt để các cơ sở thông tin hiện có, khôi phục hoạt động và quản lý tốt, đưa các thiết bị vào vận hành, khai thác phục vụ yêu cầu trước mắt, đồng thời điều chỉnh, cải tạo và bổ sung, mở rộng mạng lưới” Công đoàn Bưu điện đã phát động phong trào thi đua thực hiện “công trình sản phẩm” sôi nổi ở các cấp công đoàn. Gắn với phong trào thi đua “công trình sản phẩm” là những phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, chào mừng bầu cử Quốc hội khoá VI thống nhất và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Những tháng đầu năm 1976 đã có 57/74 tổ chức công đoàn cơ sở trong toàn Ngành đăng ký tham gia phong trào2, trong đó 32 cơ sở đăng ký thi đua với Tổng cục và Công đoàn Bưu điện.

Với khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Ngành, 389 công trình sản phẩm đã được đăng ký, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu, lao động và thời gian. Nhiều công trình đã hoàn thành trước thời hạn với chất lượng tốt, góp phần quan trọng vào việc thống nhất mạng lưới toàn quốc. Tiêu biểu là công trình đường dây thông tin hữu tuyến theo tuyến đường sắt Bắc - Nam. Hoàn thành công trình trọng điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt: hình thành một tuyến thông tin xuyên suốt chiều dài đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có đường dây đi qua, đảm bảo sự chỉ đạo liên tục, nhanh chóng từ Trung ương vào các tỉnh miền Nam,... Thực hiện lời kêu gọi của Đảng “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, mặc dù phải thi công trên một tuyến rất dài, địa hình phức tạp, hiểm trở và thiếu thốn nhiều mặt, nhưng nhờ có sự theo sát động viên của tổ chức công đoàn, vận động thi đua “5 nhất”, toàn thể đội ngũ công nhân viên vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch được giao. Đến cuối năm 1977, công nhân viên chức toàn Ngành đã xây dựng được 335 công trình, bao gồm nhiều công trình Trung ương và địa phương trên các mạng thông tin hữu tuyến, vô tuyến, vi ba, nhà trạm và kho Bưu điện, trong đó có 4 công trình trên hạn ngạch. Mạng lưới thông tin tăng thêm 1.820km/đường cột, 3.425 km/đôi dây, 92km/cáp trên các tuyến đường trục liên tỉnh và nội hạt, 992km/đường cột mạng nội hạt, 9.899 m2 nhà gạch ngói và 2.810 m2 nhà gỗ, tre, lá. Công tác bảo dưỡng dây máy và thực hiện “4 chấn chỉnh” đã góp phần tích nâng cao năng lực điện báo cho Bưu điện các tỉnh, thành. Tiêu biểu như công tác khai thác ở Đài điện báo Trung ương đã đáp ứng khối lượng thông tin tăng từ 25 đến 30% phục vụ Đại hội Đảng. Độ thông toàn trình luôn đạt trên 98%1. Tiêu biểu cho phong trào thi đua thực hiện “công trình sản phẩm” của các đơn vị điện chính như Trung tâm Viễn thông I, Trung tâm Viễn thông II, cán bộ, đoàn viên công đoàn rất nỗ lực thi đua khắc phục khó khăn do thiết bị thiếu đồng bộ, xuống cấp, điều kiện làm việc vất vả, thiếu thốn, luôn nêu cao tinh thần bảo đảm thông suốt mạng lưới, kể cả trong tình huống phức tạp nhất1. Thành tích nổi bật, có ý nghĩa chính trị to lớn đồng thời đánh dấu mốc phát triển quan trọng về kỹ thuật và sự nỗ lực, sáng tạo vượt lên khó khăn của cán bộ kỹ thuật Bưu điện là tự lắp đặt hệ thống máy truyền ảnh tín hiệu in báo, nhờ đó từ ngày 20-4-1976, việc truyền in báo Đảng tại Thành phố Hồ Chí Minh qua vô tuyến sóng ngắn, mở đường telex tự động đầu tiên giữa Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện với chất lượng tốt.

Công đoàn các bộ phận bưu chính vận động cán bộ công nhân viên thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ bưu chính, phát hành báo chí, đưa dịch vụ bưu phẩm ghi số về đến tuyến huyện ở các tỉnh phía Nam, chuyển thư đến tận tay nhân dân ở 3.665 xã các tỉnh phía Bắc. Trong điều kiện số lượng báo chí phát hành tăng lên1, để khắc phục những khó khăn do thiếu nhân lực và phương tiện vận chuyển phát sinh trong khâu quản lý độc giả, tuyên truyền và phát hành, các cấp công đoàn đã kịp thời động viên cán bộ đoàn viên phát hành báo chí thực hiện phương châm “rải đều” và đúng đối tượng. Các loại báo chí hàng tuần, hàng ngày đều được chuyển đến độc giả đạt và vượt mức kế hoạch. Riêng báo Nhân dân vượt 8,7%, số đảng bộ và chi bộ đặt mua báo Nhân dân đạt 90%. Đi đôi với việc củng cố và phát triển mạng lưới bưu điện cơ sở, các dịch vụ cũng được phát triển. ở miền Bắc, 100% cơ sở Bưu điện mở đủ các công vụ: thư chuyển tiền, ghi số, bưu kiện, phát hành báo chí. ở miền Nam, 100% cơ sở mở dịch vụ phát hành báo chí, ghi số; 60-70% cơ sở mở dịch vụ bưu kiện, thư chuyển tiền. Nhiều cơ sở Bưu điện cả hai miền đã mở dịch vụ điện báo, điện thoại.

Để phục vụ cho những sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 1976, nhiều Bưu điện cơ sở đã tổ chức tăng số lần phát công văn, thư báo cho các cơ quan lên 2 lần/ngày. Tiêu biểu là Bưu điện Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Hải Hưng, Hải Phòng, Bắc Thái. Đội ngũ công nhân viên chức các Trung tâm bưu chính và phát hành báo chí đã tự nguyện làm tăng giờ, tăng ca để chuyển báo chí kịp thời với số lượng tăng từ 15 đến 20%, đặc biệt là báo chí trong ngày bầu cử Quốc hội tăng 300%, trong đợt tiến hành Đại hội Đảng lần thứ IV báo chí tăng bình quân từ 26 vạn tờ lên 39 vạn, thậm chí 55 vạn tờ/ngày. Những nỗ lực của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng các loại hình và diện phục vụ của lĩnh vực bưu chính.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12-1976) và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ hai, Chính phủ và Tổng Công đoàn Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Nội dung chủ yếu của phong trào thi đua này là: phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất; khẩu hiệu thi đua là: “Mỗi công nhân viên chức phát huy hoặc áp dụng một sáng kiến, mỗi cán bộ kỹ thuật một đề tài”. Hưởng ứng phong trào, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn mở Hội nghị chuyên đề, phát động cuộc thi đua tăng cường tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Cuối năm 1976, Hội nghị “Ba cải tiến” được mở ở Bưu điện Hải Hưng, Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá và tiếp sau đó là các hội nghị khoa học kỹ thuật, hội nghị bồi dưỡng nhóm hỗ trợ sáng kiến... Từ kết quả của các Hội nghị này,  Công đoàn tích cực hỗ trợ chuyên môn trong đánh giá các sáng kiến, đề xuất cải tiến kỹ thuật, vừa góp phần tạo ra động lực động viên công nhân viên chức hăng hái tham gia phong trào, vừa đánh giá đúng chất lượng các sáng kiến từ đó triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Nhờ các cấp Công đoàn thực hiện tốt chức năng tham mưu và hỗ trợ tích cực lãnh đạo các đơn vị tăng cường quản lý kỹ thuật, nhiều đơn vị đã lập được hồ sơ mạng lưới, máy móc, thiết bị, tạo thuận lợi cho quá trình theo dõi, sửa chữa khi có sự cố. Công đoàn Trung tâm Viễn thông III còn có sáng kiến vận động đoàn viên xây dựng tủ sách kỹ thuật gồm 379 loại, 528 bản đồ các vùng địa lý, giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật dễ nghiên cứu, nắm bắt địa bàn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trên mạng lưới.

Gắn liền với phong trào “Mỗi người một sáng kiến”, Công đoàn Bưu điện phát động cuộc vận động thu nhặt, tận dụng thiết bị, nguyên vật liệu cũ, được công nhân viên hưởng ứng sôi nổi. ở các xí nghiệp công nghiệp, Cục Vật tư, Bưu điện Hải Phòng, Hà Nội, Hoàng Liên Sơn, Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Lai - Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Viễn thông III... cán bộ công nhân viên chức đã bằng lao động sáng tạo, trách nhiệm công việc, phát huy nhiều sáng kiến, khắc phục khó khăn về kỹ thuật, vật tư, tận dụng nguyên vật liệu cũ để cải tạo, phát triển mạng lưới thông tin. Công nhân kỹ thuật Bưu điện Hải Phòng đã khôi phục lại 1 bộ accur máy điện thoại tự động TW55; công nhân Bưu điện Bình Trị Thiên lắp thành công hệ thống tổng đài không dùng đến biến áp IT; công nhân Nhà máy Vật liệu đã hoàn thành 4 sản phẩm mới, chế thử thành công 50 km dây phiđơ vô tuyến truyền hình, tự thiết kế và sản xuất 3 máy lăn cuống sứ A18, chế thử thành công 10 đôi cúp thông tin nội hạt... Đội ngũ cán bộ công nhân viên Đài C1 đã di chuyển lắp đặt hơn 40 tấn máy móc thiết bị, làm mới hệ thống ăng ten, xây dựng lại hệ thống nhập đài phiđơ, chủ động tự lắp hệ thống dây đất không có sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài. Toàn bộ khối lượng công việc mà Đài C1 hoàn thành tương đương với việc thiết kế lắp đặt mới một đài phát loại trung, đưa năng lực hoạt động của Đài tăng 45%. Cán bộ công nhân viên Ban Thiết kế 2A Bưu điện Hà Nội đã hoàn thành vượt mức kế hoạch công trình mở rộng tổng đài liên tỉnh, nâng dung lượng đường dây liên tỉnh từ 130 lên 300 đường, nội hạt từ 60 lên 150 đường; cải tiến giá cầu cáp, trang bị cách âm, ánh sáng cho phòng làm việc của đội ngũ điện thoại viên; cải tạo, lắp mới toàn bộ cáp nilon thay thế cáp vải với chiều dài là 8.500m; lắp ráp 6 máy telex tự động ĐHH thay T.68; 6 công nhân Đài điện thoại sữa chữa được 1 tổng đài tự động 100 số, kịp thời phục vụ Đại hội lần thứ IV của Đảng... Hưởng ứng phong trào thi đua của Công đoàn, nhiều đơn vị phía Nam đã tiến hành hiệu quả việc khôi phục lại hệ thống các máy thu phát thông tin, nối thêm đường điện từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam. Tiêu biểu cho phong trào phát huy sáng kiến, tiết kiệm nguyên vật liệu của các đơn vị phía Nam là công nhân viên chức Đài Phát tín Phú Thọ đã tận dụng nguyên vật liệu cũ tự dựng 3 cột ăngten lôgarit hướng về Hà Nội; công nhân Trung tâm Viễn thông III có sáng kiến chế ra mực nhuộm và máy nhuộm băng của máy điện báo têlêtip, sáng kiến giảm rơle trên máy điện báo tự động M28 của Mỹ. 

Thi đua tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn thể cán bộ công nhân viên Bưu điện, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của Ngành. Trong số 20/30 cơ sở tham gia phong trào đã có 576 sáng kiến và 215 chương trình hợp lý hoá sản xuất được áp dụng hiệu quả. Trong đó, 10% công nhân bậc 3 trở lên và cán bộ khoa học kỹ thuật có sáng kiến, 50% tổ sản xuất, công tác có chương trình hợp lý hoá sản xuất, 100% tổ lao động xã hội chủ nghĩa có chương trình hợp lý hoá sản xuất, 50% tổ sản xuất có nhóm hỗ trợ sáng kiến, 50% cơ sở có tiểu ban sáng kiến, 12/70 cơ sở có 39 đề tài tiến bộ kỹ thuật. Các đơn vị tiêu biểu là: Bưu điện Hà Nội có 213 sáng kiến, Nhà máy Thiết bị Bưu điện có 60 sáng kiến, Nhà máy Vật liệu Bưu điện có 36 sáng kiến…

Phong trào xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa và nhân rộng điển hình tiên tiến tiếp tục được đẩy mạnh, lan rộng từ các Cục, Vụ, Viện thuộc Tổng cục xuống các phòng, trạm, bưu cục ở cơ sở; từ miền Bắc vào miền Nam1. Trong chỉ đạo, Thường vụ Công đoàn Bưu điện Việt Nam hướng các đơn vị vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của người lao động đối với hiệu quả công việc, chống tư tưởng ỷ lại dựa dẫm vào tập thể. Nhiều tổ Công đoàn của Ngành đã giữ vững được danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong nhiều năm. Tiêu biểu như Tổ Bưu chính Sa Pa (Hoàng Liên Sơn), Tổ Điện báo thoại Ninh Bình (Hà Nam Ninh), Tổ Thiết kế I, II, III, Tổ Đo đạc (Viện Thiết kế), Tổ Điều hoà khí hậu (Bưu điện Hà Nội) đã giữ được danh hiệu 10 năm liền là tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, nhiều Công đoàn Bưu điện ở miền Nam dù mới thành lập nhưng đã có thành tích xuất sắc. Tiêu biểu là Công đoàn Bưu điện Gia Lai - Kon Tum huy động được 1948 ngày công lao động xã hội chủ nghĩa để xây dựng hệ thống thông tin nội tỉnh dài hàng trăm kilômét bằng cột bê tông, đạt năng suất cao, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục ngàn đồng; cán bộ công nhân viên Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng tận dụng nguyên liệu sẵn có để xây dựng đường dây nội tỉnh với chiều dài tăng gấp đôi và đường dây nội huyện tăng gấp gần 4 lần so với năm 1975... Đối với đội ngũ công nhân đường dây vốn là lực lượng đảm trách một trong những nhiệm vụ khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhất của Ngành, Công đoàn các cấp luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào và mang lại những chuyển biến tích cực. Với nội dung thi đua bảo dưỡng đường dây giỏi, thực hiện tốt 18 công việc bảo đảm thông tin, các đơn vị bảo dưỡng đường dây luôn nỗ lực thực hiện liên lạc thông suốt.

Công đoàn Bưu điện, Ban Nữ công đặc biệt quan tâm và có nhiều biện pháp khơi dậy phong trào phụ nữ của Ngành. Trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức chị em tìm hiểu về truyền thống phụ nữ Việt Nam, về nội dung người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với việc phát huy truyền thống “ba đảm đang” đã được các cấp Công đoàn triển khai ngay sau khi thống nhất tổ chức. Các mục tiêu chung của phong trào phụ nữ được các cấp Công đoàn và Ban Nữ công tính toán phù hợp với đặc điểm ngành nghề và phát huy cao nhất vai trò của phụ nữ Ngành trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các tổ nữ công đẩy mạnh phong trào xây dựng đội ngũ nữ giao dịch viên có thái độ phục vụ tốt, tiến hành trao đổi, học tập các điển hình tiên tiến, mở các cuộc toạ đàm chuyên đề về đạt chất lượng thông tin điện báo tốt, khai thác bưu chính giỏi, trao đổi kinh nghiệm phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Từ những phong trào thiết thực đó, Công đoàn và Ban Nữ công đã khơi dậy, động viên sức mạnh của lao động nữ. Đội ngũ nữ đoàn viên, các tổ nữ công đã ghi nhiều dấu ấn trong phong trào xây dựng đơn vị tiên tiến và tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Trong 3 năm (1976-1978), toàn Ngành có 24 tổ có trên 70% là nữ đạt tổ lao động xã hội chủ nghĩa và tổ tiên tiến; 45 tổ có 100% là nữ đạt danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Tiêu biểu cho phong trào này là Bưu điện Hà Nội có 5 tổ nữ công đạt tổ lao động xã hội chủ nghĩa và 32 tổ đạt danh hiệu tiên tiến; Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh có 17 tổ được công nhận danh hiệu là tổ lao động tiên tiến. Số lượng chị em nữ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua của Ngành tăng lên từng năm: năm 1975 có 12 chị, năm 1977 có 43 chị. Nhiều đơn vị luôn dẫn đầu về số lượng nữ đoàn viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua như Bưu điện Quảng Ninh, Hà Sơn Bình, Hà Nội,...

Thực hiện Nghị quyết 19-CP của Hội đồng Chính phủ về công tác xây dựng điển hình tiên tiến và vận động làm theo điển hình, các cấp Công đoàn tăng cường vận động xây dựng các bưu cục tiên tiến, hoạt động có nề nếp, chính quy, có kế hoạch, trong đó phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở xây dựng được từ 2 đến 5 Bưu cục điển hình. Từ công tác xây dựng điển hình thí điểm ở Bưu cục Gia Lộc (Hải Hưng), Công đoàn Bưu điện đã tiến hành nhân rộng phong trào đến các công đoàn cơ sở trên phạm vi toàn quốc. Phong trào đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực trong hoạt động bưu điện, đặc biệt trong các mắt khâu quan trọng như cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, cải tiến quản lý. Từ sự chuyển biến mà phong trào xây dựng điển hình và làm theo điển hình mang lại, diện mạo bưu điện có sự đổi mới đáng kể, các bưu cục đi vào hoạt động nề nếp, thái độ phục vụ chu đáo, tận tình, chất lượng các loại hình dịch vụ được nâng cao, sự cố gắng đó được các ngành, các cơ quan và nhân dân ghi nhận.

Công đoàn chú trọng phối hợp với chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ. Sau khi đất nước giải phóng, việc phát triển phong trào thi đua của Công đoàn có thuận lợi là trong tổng số đội ngũ công nhân viên chức toàn Ngành có tới 50,94% là đảng viên hoặc đoàn viên Thanh niên Lao động, 51% lực lượng lao động trẻ từ 18 đến 35 tuổi, 48% được rèn luyện và thử thách qua hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, khó khăn lớn đặt ra là có tới 61,4% trong tổng số cán bộ nhân viên của Ngành chưa qua đào tạo. Riêng khối trực tiếp sản xuất có tới 67% cán bộ công nhân chưa qua đào tạo. Đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ kỹ thuật, được đào tạo qua các trường chính quy chỉ chiếm 38,6%, trong đó trình độ đại học, trung học chỉ chiếm 19,5%. Tình hình trên ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nghiệp vụ của Ngành trong giai đoạn mới. Trước thực tế đó, các cấp Công đoàn Bưu điện đã tích cực phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, động viên và hỗ trợ đội ngũ công nhân viên chức tăng cường học tập, nâng cao tay nghề1. Năm 1977, Công đoàn Bưu điện phối hợp với chuyên môn tổ chức các cuộc thi luyện tay nghề, thi điện báo viên giỏi ở 17 tỉnh, thành trong cả nước, có tác động tích cực đối với sự vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ công nhân viên chức toàn Ngành.

Công đoàn các cấp nỗ lực hơn trong công tác cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân viên chức. Từ thành tích phong trào thi đua cải tiến định mức và vượt định mức của các cơ sở, cuối năm 1976, Công đoàn Bưu điện đã phối hợp tích cực với Vụ Lao động Tiền lương, Vụ Kỹ thuật chỉ đạo triển khai thực hiện chế độ định mức mới, trả lương hoàn thành nhiệm vụ có thưởng kết quả để động viên tinh thần chủ động, tích cực, nâng cao trách nhiệm của người lao động đối với hiệu quả công việc được giao2. Các tổ chức công đoàn còn kết hợp với chuyên môn sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, vận động xây dựng và thực hiện định mức, từng bước thực hiện chế độ thưởng vượt định mức. Đến năm 1977, đã có 8.078 định mức được áp dụng vào sản xuất. Hầu hết đội ngũ công nhân bảo vệ đường dây, phát thư báo, khai thác bưu chính, công nhân sản xuất công nghiệp đã làm việc theo chế độ định mức. Nhờ làm tốt phong trào, năng suất, chất lượng lao động tăng, thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức tăng lên, góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống. Đối với đội ngũ công nhân viên vào Nam thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, xây dựng mạng lưới thông tin, Công đoàn Bưu điện quan tâm hỗ trợ, trong đó chú trọng giúp đỡ, động viên kịp thời đội ngũ đang trực tiếp tham gia các công trình trọng điểm như công trình xây dựng mạng lưới thông tin phục vụ tuyến đường sắt thống nhất.

Việc xét tuyển dụng, bồi dưỡng thi tay nghề, thi nâng bậc và xếp lương cho công nhân viên chức cũng thu được nhiều kết quả từ sự phối hợp giữa Công đoàn và chuyên môn. Năm 1976, toàn Ngành có 41% công nhân và 47% viên chức được tăng lương. Đây là biện pháp thiết thực có tác dụng động viên tinh thần đối với công nhân viên chức hăng hái tham gia lao động sản xuất, gắn bó hơn với đơn vị.

Nhằm giảm bớt khó khăn về lương thực và thực phẩm, cải thiện đời sống, các cấp Công đoàn chủ động tổ chức đội ngũ cán bộ công nhân viên đẩy mạnh tăng gia sản xuất1. Các tổ chức Công đoàn phía Nam tuy mới hình thành nhưng đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc giúp đỡ, động viên anh em khắc phục khó khăn về đời sống vật chất. Nhiều đơn vị đã củng cố và nâng cấp được hệ thống nhà xưởng, tổ chức tốt hơn điều kiện làm việc và sinh hoạt cho công nhân viên chức, xây dựng nhà ăn, tổ chức ăn trưa, ăn ca 3 cho người lao động, hệ thống nhà trẻ và căng tin khang trang, tiêu biểu như Công đoàn Tổng Cục, Cục Vật tư, Nhà máy Thiết bị...

Qua ba năm đầu tổ chức và chỉ đạo phong trào công nhân viên chức Bưu điện trên phạm vi cả nước, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã được kiện toàn một bước quan trọng về tổ chức và đặc biệt là đã định hình rõ nét hơn, thực hiện hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng toàn Ngành bước đầu thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai.

Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá V (1973-1978) (18/12/2012)
 Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam (18/12/2012)
 Thống nhất, củng cố tổ chức Công đoàn Bưu điện trong cả nước (18/12/2012)
 Một số bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 1954-1975 của Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
1
CÁC TIN KHÁC:
 Công đoàn Bưu Điện Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã qua 13 kỳ Đại hội (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam trước tháng 12/1957 (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá I (1957-1960) (07/11/2012)
 Đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội I Công đoàn Bưu điện VN (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá II (1960-1963) (05/12/2012)
 Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Đại hội lần thứ III Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam (11/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam khoá III (1963-1968) (11/12/2012)
 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá IV (1968-1973) (18/12/2012)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV (18/12/2012)
 Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ VI (1978-1981) (10/01/2013)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá VI (1978-1981) (10/01/2013)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI Công đoàn Bưu điện Việt Nam (10/01/2013)
1 2 3
TIN ẢNH
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam