Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI Công đoàn Bưu điện Việt Nam09:46' - 10/01/2013Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ VI, các cấp Công đoàn trong toàn Ngành đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng sâu rộng trong công nhân viên chức nhằm phát huy tinh thần làm chủ tập thể và tác phong làm việc mới của người Bưu điện, nhất là ý thức kỷ luật trong quản lý mạng lưới và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề quan trọng và đang đặt ra cấp bách khi công nhân viên chức bưu điện bắt đầu xây dựng và quản lý một mạng lưới thông tin hiện đại hơn trước rất nhiều, khối lượng phục vụ cũng tăng lên. Nội dung tác phong làm việc mới cho từng đối tượng cán bộ, công nhân viên chức được xây dựng một cách cụ thể. Cùng với biện pháp mở hội nghị, tổ chức học tập và các hình thức tuyên truyền khác, các đơn vị còn tích cực sưu tầm, tổng kết lịch sử, lập phòng truyền thống, thành lập các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật, lồng ghép trong hoạt động của câu lạc bộ sáng tác, biểu diễn văn nghệ… để tạo sự gắn bó, đoàn kết nội bộ, cùng nhau trao đổi nâng cao kiến thức chuyên môn… Phương châm của cán bộ công nhân viên Bưu điện là: “mỗi người làm việc gì giỏi việc ấy, người đã thạo một việc biết làm tốt một vài việc khác” nhằm tăng năng suất và hiệu quả lao động. Phong trào thi đua lao động sản xuất được công đoàn các cấp hướng vào đội ngũ công nhân viên trực tiếp phục vụ, vận động quần chúng chấp hành nghiêm chỉnh quy trình, quy phạm kỹ thuật thể lệ, thủ tục nghiệp vụ. Đồng thời tích cực triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tích cực vận động phong trào học tập văn hoá, nghiệp vụ, kỹ thuật, quản lý. Phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong nghiệp vụ điện báo, khai thác bưu chính, bảo dưỡng đường dây, máy diễn ra rất sôi nổi.
Thi đua xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa và nhân rộng điển hình tiên tiến tiếp tục là phong trào rộng lớn của công nhân viên chức Bưu điện. Năm 1978, toàn Ngành có 647 tổ ghi tên phấn đấu, trong đó hai đơn vị tiêu biểu ở phía Nam là Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp đã có một số tổ được công nhận tổ lao động xã hội chủ nghĩa, là bước tiến mới của phong trào. Năm 1979, Công đoàn Bưu điện tiến hành Hội nghị tổng kết điển hình tiên tiến lần thứ nhất, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào. Đến thời điểm này, phong trào xây dựng điển hình tiên tiến toàn Ngành đã có bước tiến vượt bậc, tất cả các đơn vị đều có điển hình tiên tiến, toàn Ngành có 11 đơn vị kiểu mẫu. Qua tổng kết, Công đoàn quyết định nhân rộng và nâng cao chất lượng phong trào. Với khẩu hiệu“thi đua đuổi, vượt điển hình tiên tiến, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các cấp Công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức toàn Ngành. Bưu điện Hải Hưng đã tiến hành rút kinh nghiệm đối với điển hình tiên tiến của Bưu điện huyện Gia Lộc, Cẩm Bình từ đó đẩy mạnh phong trào “Gia Lộc hoá toàn Tỉnh”. Bưu điện Bình Trị Thiên nhân điển hình tiên tiến của Bưu điện Lệ Ninh lên thành 4, 5 đơn vị. Bưu điện Nghệ Tĩnh từ điển hình tiên tiến Nghĩa Đàn đã mở rộng thêm Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Can Lộc. Bưu điện Cửu Long, từ điển hình Trà Ôi, đến cuối năm 1980 đã có 100% công nhân viên chức đăng ký thi đua điển hình tiên tiến. Hà Sơn Bình từ điển hình Mai Châu đã phát triển thêm Phú Xuyên. Bưu điện Quảng Ninh có 12 đơn vị đăng ký điển hình tiên tiến...
Gắn liền với xây dựng tập thể điển hình tiên tiến là thi đua xây dựng điển hình tiên tiến cá nhân. Phong trào được nhân rộng thông qua việc tổ chức hội nghị “người sản xuất giỏi” (thợ dây, giao thông viên, giao dịch viên, điện báo viên giỏi…), hội nghị “người lao động sáng tạo”, “người có nhiều sáng kiến”, “người về trước kế hoạch”… Với các biện pháp tổ chức thiết thực, phong trào xây dựng điển hình tiến tiến cá nhân đã có tác dụng tích cực củng cố bộ máy tổ chức, nề nếp quản lý, sắp xếp và tổ chức lao động hợp lý, sản xuất đạt năng suất, chất lượng tốt, hạn chế những hiện tượng tiêu cực phát sinh.
Phong trào vận động tiết kiệm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh, bám sát nội dung cơ bản là giáo dục cán bộ công nhân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản, tiết kiệm vật tư, phấn đấu giảm định mức tiêu hao vật tư, giảm tỷ lệ phế phẩm, đặc biệt là tiết kiệm các vật tư khan hiếm phải nhập khẩu; vận động thu hồi, sửa chữa và đưa vào sử dụng máy móc, thiết bị vật tư thông tin; thực hiện nghiêm chỉnh chế độ duy tu, bảo dưỡng thiết bị máy móc, kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Cùng với việc vận động cán bộ công nhân viên đăng ký “Mỗi người có một thành tích tiết kiệm”, các cấp Công đoàn còn tích cực triển khai Nghị quyết 228-CP đấu tranh khắc phục những hành động gây lãng phí, lấy cắp vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu của Nhà nước. Phong trào đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tiết kiệm hàng chục ngàn đồng cho Nhà nước. Nhiều đơn vị cơ sở đã khắc phục được tình trạng thiếu thiết bị, tiêu biểu như Trung tâm Viễn thông III đã tận dụng nhiều đôi cáp cũ của quân sự mở rộng mạng nội hạt Vũng Tàu phục vụ cho khai thác dầu khí, nghiên cứu tận dụng thiết bị viba Jerrold phục vụ việc truyền âm chương trình vô tuyến truyền hình từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ (Hậu Giang); Bưu điện Hà Bắc mạnh dạn mở mạng điện thoại tự động ở địa phương bằng cách ghép các tổng đài ATZ-64 200 số thành 600 số; Bưu điện Hậu Giang, Bưu điện Phú Khánh đã nghiên cứu thành công việc thay thế các đèn điện tử phải nhập từ các nước tư bản bằng đèn của các nước xã hội chủ nghĩa. Một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành trong năng lực làm chủ kỹ thuật, sáng tạo của cán bộ công nhân viên chức giai đoạn này là xây dựng và đưa vào khai thác đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen I. Cán bộ công nhân viên Bưu điện đã nỗ lực hết mình cùng với các chuyên gia Liên Xô giải quyết thành công nhiều khó khăn về vật tư và các vấn đề kỹ thuật phức tạp, như gia cố tháp ăngten Giảng Võ, gia cố sức chịu tải của móng nhà ở Trung tâm Bờ Hồ, đưa ăngten gương parabôn lên cột cao 124,8 mét,...
Chủ trương đẩy mạnh phong trào thi đua “3 điểm cao” của Đại hội Công đoàn Bưu điện lần thứ VI đã được các cấp Công đoàn cụ thể hoá đối với từng đơn vị. Đối với đơn vị sản xuất, phong trào thi đua “3 điểm cao” hướng vào hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý; đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, tiến hành cải tiến tổ chức, cải tiến phương pháp công tác và lề lối làm việc; đối với hệ thống trường học là cải tiến phương pháp học tập, giảng dạy và phục vụ tốt. Trong đó, cuộc vận động “mỗi người một sáng kiến, mỗi cán bộ khoa học kỹ thuật một đề tài” được các cấp Công đoàn đặc biệt coi trọng, là nòng cốt để thực hiện các nội dung trên. Tính chung trong 5 năm (1976-1980), toàn Ngành có 14.389 sáng kiến1. Nhiều sáng kiến, đề tài được thử nghiệm, gợi mở nhiều hướng nâng cao chất lượng thông tin, đóng góp thiết thực cho quá trình nâng cao chất lượng mạng lưới như: dây coóc đồng, cáp bọc nhựa hai nòng, nhúng kẽm cuống sứ, khuôn kéo dây BK-8, cáp 10x2, bộ chung hợp thoại đơn giản, quy trình làm răng cuống sứ, bảo mật điện thoại, mở rộng băng tần, thông tin điện báo nhiều đường trên một kênh điện thoại vô tuyến sóng ngắn… Công đoàn Bưu điện Hải Hưng tích cực động viên cán bộ nhân viên mạnh dạn áp dụng kết quả nghiên cứu đề tài của Viện Nghiên cứu khoa học Bưu điện về rải kháng âm và ghép đường điện báo âm thanh qua đường dây điện thoại nội tỉnh (Hải Dương - Kim Động và Hải Dương - Thanh Miện) góp phần nâng cao chất lượng âm thanh điện báo. Bưu điện Phú Khánh tiến hành lắp thêm tải ba, mở thêm cửa tổng đài Nha Trang, nhờ vậy các huyện phía Bắc đã tăng thêm 8 đường thông nối liền với trung tâm không qua khâu trung gian2. Nhà máy Vật liệu Bưu điện có 395/450 sáng kiến đề xuất được áp dụng vào dây chuyền sản xuất. Cán bộ công nhân viên Bưu điện Thanh Hoá đã áp dụng thành công đề tài cột điện bê tông bằng cốt tre xen kẽ cột sắt trên 3 tuyến nội tỉnh...
Tiêu biểu cho phong trào vận động sáng kiến của các cơ sở điện chính là Trung tâm Viễn thông I và Trung tâm Viễn thông III. Trong 5 năm (1976-1980), Trung tâm Viễn thông I có 828 sáng kiến, gồm 79 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trên 700 sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, cải tiến nghiệp vụ, cải tiến quản lý, làm lợi cho Nhà nước 2.449.760 đồng (bằng 200% quỹ tiền lương hàng năm của toàn Trung tâm)1. Đặc biệt, đội ngũ công nhân viên Đài phát 1 đã kết hợp tái sử dụng nguyên liệu cũ và thiết bị được viện trợ để xây dựng lại thành 3 nhà máy phân tán, với gần 40 máy phát vô tuyến điện, trong đó hơn 20 máy phát có công suất từ 5 đến 20kw, xây dựng mới 30 bộ ăngten. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tự thiết kế và lắp đặt đài phát lớn gấp 5 lần đài phát trước khi bị bom Mỹ bắn phá, chất lượng phát được nâng cao hơn trước.
Trong khối Bưu chính, Công đoàn tích cực động viên công nhân viên chức hoàn thành việc thiết kế, chế tạo các loại thiết bị mới như xe đẩy bán báo lưu động, xe đẩy khay thư, áp dụng việc bốc dỡ hàng hoá bằng xe cơ giới ở ga Hàng Cỏ và lựa chọn được hai chủng loại phù hợp là: xe mô tô 3 bánh T200 và xe ắc quy. Nhờ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị đó của cán bộ công nhân viên bưu chính, công tác phát hành báo chí đã có nhiều chuyển biến, đúng, đủ số lượng và luôn đảm bảo thời gian hơn so với trước; công văn từ Trung ương đến địa phương trong 24 giờ có 21 tỉnh, thành (tăng 2 lần so với năm 1977), trong 48 giờ có 16 tỉnh, thành; báo Nhân Dân về được 38 tỉnh và 260 huyện trong ngày.
Những hoạt động tích cực của Công đoàn và phong trào công nhân viên chức Bưu điện đã mang lại kết quả quan trọng trong phát triển mạng lưới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Ngành. Mạng lưới thông tin 3 cấp đã có nhiều phương thức chuyển tải đa dạng1. Đến năm 1980, mạng liên lạc hữu tuyến giữa Trung ương với 32 tỉnh, thành phố đã được kết nối, bước đầu thiết lập mạng lưới trong cả nước, đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng mạng thông tin quốc gia thống nhất. Mạng thông tin quốc tế cũng có những bước tiến mới2. Đến cuối năm 1980, ngành Bưu điện đã mở thêm dịch vụ thu phát tín hiệu truyền hình và truyền thanh quốc tế (hai chiều) qua vệ tinh nhân tạo địa tĩnh Xtaniôna 5, thuộc hệ thống thông tin vệ tinh quốc tế Itersputnik.
Thực hiện Nghị quyết số 228 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 159-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống các hiện tượng tiêu cực, xây dựng nề nếp quản lý chặt chẽ, Công đoàn Bưu điện kết hợp với các ban ngành trong Tổng cục hướng trọng tâm hoạt động vào việc ngăn chặn nạn lấy cắp tài sản, vật tư, tiền vốn; lấy cắp, tráo đổi nội dung bưu phẩm, bưu kiện và tiền của nhân dân gửi qua Bưu điện. Nhiều Bưu điện tỉnh, thành đã phối hợp nhịp nhàng giữa chuyên môn, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện cuộc vận động “Phát huy quyền làm chủ tập thể công nhân viên chức đấu tranh chống tiêu cực, bảo đảm chất lượng thông tin”. Qua phong trào, nhiều hiện tượng tiêu cực đã được phê phán nghiêm khắc, lấy phê bình và tự phê bình làm cơ sở cho việc đấu tranh và đoàn kết nội bộ. Công đoàn Trung ương đã cử 3 đoàn cán bộ về các cơ sở chỉ đạo thực hiện. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được chọn làm trọng điểm chỉ đạo, ở vùng B2 cũ lấy Bưu điện Đồng Tháp làm điểm, ở Khu 5 cũ lấy Bưu điện Nghĩa Bình làm điểm, ở Khu 4 cũ lấy Bưu điện Nghệ Tĩnh làm điểm, ở các tỉnh phía Bắc lấy Bưu điện Hải Hưng làm điểm.
Ở khối bưu chính trong thời gian này, tình trạng ứ đọng, mất mát bưu phẩm của nhân dân tiếp tục diễn ra do khối lượng hàng hoá chuyển đến các cảng thất thường, thiếu tính ổn định, phương tiện vận tải thiếu thốn, sự kết hợp trong hoạt động giữa các cơ quan chưa đồng nhất, bố trí lao động bất hợp lý... Để khắc phục tình trạng trên, năm 1980, Công đoàn Bưu điện đã hỗ trợ Tổng cục triển khai nhiều biện pháp tích cực, trong đó trọng tâm là vận động công nhân viên chức thực hiện chế độ định mức lao động để tăng năng suất và chất lượng công tác bưu chính ngoại dịch. Hưởng ứng phong trào trên, công đoàn các cấp đã có nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời để khích lệ công nhân viên chức nỗ lực công tác. Công đoàn Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thêm cửa giao dịch với nhân dân, đưa tốc độ chuyển phát bưu phẩm từ 650 túi/ngày lên 870 túi/ngày, góp phần giải quyết tình trạng ứ đọng và đánh cắp bưu phẩm ngoại dịch, bảo vệ tài sản của nhân dân. Có những dịp cao điểm như tết Nguyên đán, các tổ công đoàn động viên công nhân viên chức đăng ký “Quyết tâm phấn đấu không có hàng của dân ứ đọng sau tết” với khẩu hiệu “Phục vụ chưa hết, ăn tết chưa yên”, tích cực chuyển phát kịp thời số lượng lớn thư, điện, báo chí, quà tặng tới nhân dân.
Cùng với việc giải quyết những ứ đọng và tiêu cực trong các khâu bảo quản, vận chuyển bưu phẩm, các cấp công đoàn khối bưu chính còn phát động phong trào “Sạch ô, róc túi, khớp hành trình” khắc phục tình trạng mất mát, sao nhãng thư từ, báo chí. Việc đóng và trao đổi túi thư thẳng giữa các tỉnh, giảm bớt khâu trung gian đi vào nề nếp; việc khai thác ca 3, tổ chức phát thư báo mỗi ngày 2 lần trở thành hoạt động thường xuyên; cơ sở giao dịch nhiều nơi được xây dựng, đổi mới khang trang hơn... Nhờ đó, dù khối lượng bưu phẩm, bưu kiện, thư chuyển tiền tăng hơn năm 1976, nhưng sai sót trong khai thác vẫn giảm 30%, chất lượng chuyển phát công văn đảm bảo tốt.
Nhận thức rõ kiện toàn bộ máy tổ chức là nhiệm vụ quan trọng đối với toàn Ngành sau khi thống nhất, Công đoàn Bưu điện vận động công nhân viên chức tích cực tham gia xây dựng và kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ với nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua. Thời gian này, công tác cán bộ của Ngành hướng vào yêu cầu điều hoà nhân lực, giúp đỡ, chi viện tích cực cho các tỉnh phía Nam, đảm bảo mỗi tỉnh có một tổ cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ đủ sức mở các lớp bồi dưỡng tại chỗ, khắc phục tình trạng sử dụng lao động không qua đào tạo1. Công đoàn quan tâm động viên và tạo điều kiện cho những cán bộ tập kết trước đây quay trở lại miền Nam công tác. Công đoàn Bưu điện các tỉnh phía Nam xác định tính đặc thù và có ý nghĩa then chốt trong công tác cán bộ là củng cố khối đoàn kết giữa cán bộ kháng chiến với cán bộ, công nhân viên đã từng làm việc dưới chế độ cũ nhằm phát huy cao nhất năng lực, sở trường của mỗi người trong công việc. Bám sát mục tiêu đó, nhiều cơ sở như Công đoàn Trung tâm Viễn thông III, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng,... đã kết hợp chặt chẽ với Đảng uỷ, chuyên môn tổ chức các đợt học tập chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành tới từng cán bộ đoàn viên công đoàn. Qua đó động viên công chức cũ yên tâm nhiệt tình công tác, nâng cao ý thức đoàn kết của cả cán bộ tăng cường (phần đông là cán bộ trẻ từ miền Bắc), tạo ra sự gắn bó, hoà hợp từ hai phía. Với sự tạo điều kiện của Công đoàn các cấp, những sinh viên mới tốt nghiệp được tăng cường từ miền Bắc vào, dù khó khăn, thiếu thốn mọi bề vẫn tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều đợt thi đua mừng các ngày lễ lớn với các chủ đề như nêu gương tốt việc tốt, lập bảng thành tích, phong trào đọc sách, đặc biệt là đọc các loại sách về Đảng và Bác Hồ, về giai cấp công nhân,... đã có tác dụng giáo dục lý tưởng, ý thức chính trị, ý thức nghề nghiệp và động viên mạnh mẽ đội ngũ công nhân viên khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh công tác tư tưởng, để góp phần nâng cao trình độ đội ngũ công nhân viên chức, các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực phối hợp với chuyên môn đẩy mạnh công tác đào tạo. Cùng với vận động, tạo điều kiện cho đông đảo cán bộ công nhân viên học tập nâng cao trình độ, phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, phấn đấu mỗi người “làm việc gì giỏi việc ấy, người thạo một việc biết làm một, hai việc khác” tiếp tục được đẩy mạnh. Nhờ vậy, số lượng và chất lượng đội ngũ công nhân viên chức Bưu điện được nâng lên đáng kể1. Các cấp Công đoàn tích cực hơn trong vai trò tham mưu với Ngành sắp xếp, đề bạt cán bộ với tinh thần kế thừa và trẻ hoá đội ngũ, qua đó làm cho cơ cấu đội ngũ cán bộ được điều chỉnh hợp lý hơn2.
Năm 1978, trên tinh thần Quyết định của Tổng cục về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và quan hệ công tác giữa các Cục, Vụ, Viện, Ban trong toàn Ngành, các cấp Công đoàn tích cực phối hợp với chuyên môn triển khai thực hiện, xác định rõ hơn chế độ chỉ huy khai thác, vận hành mạng thông tin trên cả nước. Theo Quyết định, các Bưu điện huyện trực tiếp quản lý các Bưu điện khu vự; còn các trạm Bưu điện xã được tổ chức lại thống nhất trong cả nước theo Nghị định 390/CP của Chính phủ. Theo Nghị định, trạm Bưu điện xã chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban nhân dân xã, chịu sự quản lý nghiệp vụ của Bưu điện huyện; trạm trưởng và bưu tá được hưởng chế độ phụ cấp trích từ quỹ kinh doanh đài thọ của Ngành ngang với mức của cán bộ xã.
Sau Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV (9-1979), việc đề cao tính tự chủ, độc lập trong quản lý sản xuất và tài chính đối với các doanh nghiệp quốc doanh đã trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Trước nhiệm vụ đó, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 390/CP về sửa đổi một số điều trong “Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Bưu điện”. Nội dung cơ bản của Nghị định cho phép chuyển từng bước hoạt động của ngành Bưu điện sang phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Nhận thức được đây là bước đổi mới cơ chế quản lý quan trọng đồng thời đặt ra nhiều thử thách đối với Ngành khi cơ chế cũ đã ăn sâu bám rễ trong mọi hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh, Công đoàn Bưu điện đã chỉ đạo công đoàn các cấp tích cực vận động cán bộ công nhân viên tham gia thực hiện. Các cấp công đoàn đã chủ động tham mưu và hỗ trợ đắc lực chuyên môn triển khai các kế hoạch công tác đổi mới cơ chế điều hành sản xuất kinh doanh, cơ chế phân phối sản phẩm... Trong năm 1980, Công đoàn đã cùng với chuyên môn hỗ trợ Vụ Kế hoạch cử hàng chục đoàn cán bộ xuống các tỉnh hướng dẫn thực hiện kế hoạch; phối hợp với Vụ Bưu chính triển khai nhiều chương trình cải tiến nghiệp vụ như phương pháp giao chuyển túi, gói thư, tập hợp hoàn chỉnh về mặt tổ chức và tập thể trong khai thác bưu chính; cùng Vụ Lao động tiền lương sửa đổi một số chế độ như tiền thưởng kiêm nhiệm trong xây dựng cơ bản và khai thác bưu điện; cử cán bộ cùng Ban Thanh tra Tổng cục tích cực xuống cơ sở phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách đối với công nhân viên chức, ngăn chặn nhiều hiện tượng tham ô, thâm hụt ngân sách, thu hồi cho Ngành hàng trăm ngàn đồng... Mặc dù mới chỉ là bước đầu, song sự nỗ lực phối hợp hoạt động của Công đoàn với Ngành trong các bước chuyển đổi cơ chế đã có tác dụng tích cực, làm cho bộ máy tổ chức của Ngành từng bước được kiện toàn và vận hành một cách đồng bộ, nhịp nhàng trong cơ chế mới.
Những bước củng cố, thống nhất bộ máy tổ chức Ngành là cơ sở cho quá trình hình thành đồng bộ hệ thống tổ chức Công đoàn các cấp, chuyển hướng tổ chức Công đoàn Bưu điện Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới. Để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn phù hợp với tính chất của Ngành và hướng phân cấp quản lý của Tổng Công đoàn, nâng cao ý thức và quyền làm chủ tập thể của công nhân viên trong tình hình mới, Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện đã đề nghị Ban thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam xem xét và ra Quyết định số 1266/QĐ-TCĐ ngày 2-11-1979 về việc chuyển hướng tổ chức công đoàn Bưu điện Việt Nam. Theo quyết định này, công đoàn Bưu điện huyện, thị, quận, Trung tâm, công đoàn các công trình,... chuyển từ công đoàn bộ phận thành công đoàn cơ sở và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; công đoàn Bưu điện tỉnh, thành phố vốn là công đoàn cơ sở chuyển thành công đoàn Ngành địa phương.
Sau khi tiến hành chỉ đạo thí điểm việc thực hiện nội dung Quyết định 1266/QĐ- TCĐ ở Bưu điện Hải Hưng, Công đoàn Bưu điện đã triển khai chương trình vận động công nhân viên chức toàn Ngành thực hiện chuyển hướng, kiện toàn tổ chức công đoàn địa phương, cơ sở gắn với việc thực hiện tốt 3 mục tiêu: hoàn thành kế hoạch, nâng cao chất lượng thông tin bưu điện, tăng cường công tác quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 1980, việc kiện toàn bộ máy tổ chức được tiến hành ở Công đoàn bưu điện các tỉnh phía Bắc và 6 tháng cuối năm tiến hành ở phía Nam. Trong quá trình thực hiện Quyết định, các cấp Công đoàn đã chủ động khắc phục khó khăn trong chỉ đạo thực hiện về sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các tổ chức công đoàn cơ sở. Đến cuối năm 1980, đã có 16 công đoàn hoàn thành việc kiện toàn bộ máy tổ chức và tiến hành đại hội, bao gồm: Công đoàn Bưu điện Hà Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Hà Tuyên, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Cao Bằng, Gia Lai - Kon Tum, Phú Khánh, Nghĩa Bình, Cửu Long, Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình.
Việc chuyển hướng tổ chức và phương thức hoạt động của Công đoàn Bưu điện tỉnh, thành phù hợp với tính chất của công đoàn nghề nghiệp đã có những tác động tích cực. Một số Công đoàn Bưu điện tỉnh, thành ngoài việc thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ được giao trong Điều lệ và Nghị quyết 02 của Tổng Công đoàn, đã mạnh dạn phân cấp thêm quỹ tiền thưởng, quỹ phúc lợi cho công đoàn cơ sở để góp phần cải thiện đời sống và động viên công nhân viên chức khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, giảm bớt các hoạt động mang tính sự vụ, tập trung hỗ trợ hoạt động kinh tế, kỹ thuật, chỉ đạo sâu và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua...
Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, đời sống cán bộ công nhân viên gặp rất nhiều khó khăn, khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên trở thành nhiệm vụ trọng tâm luôn được các cấp Công đoàn Bưu điện chú trọng. Công đoàn một số đơn vị đã chủ động, sáng tạo vận động quần chúng tự tìm kiếm vật tư, tự xây nhà ở, nhà trẻ, căng tin, hợp tác xã tiêu thụ, xây dựng nhà ăn “ba tốt”, tổ chức ăn trưa, ăn ca ba, trợ cấp và giúp đỡ các gia đình cán bộ công nhân viên gặp khó khăn. Việc thực hiện các chế độ nghỉ mát và điều dưỡng mặc dù trong điều kiện còn khó khăn vẫn được duy trì thường xuyên. Công đoàn các cấp nỗ lực tìm kiếm và áp dụng nhiều hình thức cải thiện thu nhập như sản xuất thêm sản phẩm phụ, hợp đồng gia công với các xí nghiệp bạn,... qua đó giải quyết việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho công nhân.
Trong khó khăn chung về đời sống của công nhân viên chức khi đó, nữ cán bộ công nhân viên còn có những khó khăn vất vả riêng, đòi hỏi Ban Nữ công phải đi sâu, theo sát động viên và chỉ đạo phong trào phụ nữ khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống. Các tổ nữ công tích cực triển khai phong trào tổ chức tốt đời sống gia đình, sắp xếp nơi ăn, chốn ở, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc. Để giúp chị em nữ yên tâm công tác, các tổ Công đoàn cơ sở tích cực phối hợp với chuyên môn xây dựng hệ thống nhà trẻ tiên tiến1.
Đối với chế độ tiền lương, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với Ngành đưa ra các phương án và giải pháp nâng lương từ 10-20%, trong đó chú trọng nâng phụ cấp cho đội ngũ công nhân vận chuyển thư báo, những người dùng xe đạp cá nhân để vận chuyển bưu phẩm, thí điểm lương khoán trong xây dựng cơ bản và lương kiêm nhiệm trong khai thác bưu điện… Để đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động, Công đoàn chú trọng việc phổ biến các nội dung và hình thức kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách thông qua tổ chức các hội nghị chuyên đề. Qua hội nghị, nhiều đơn vị đã phát hiện những sai sót trong thực hiện chế độ chính sách cho người lao động để kiến nghị và bổ sung như Công đoàn Bưu điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Hưng, Bắc Thái, Nghệ Tĩnh... Từ hoạt động tích cực của cơ sở, Công đoàn Ngành đã tham gia với Tổng cục bổ sung, sửa đổi một số chế độ chính sách chưa hợp lý như lương của đội ngũ bưu tá, giao thông viên lâu năm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chế độ nâng bậc lương...
Bằng những hoạt động thiết thực trong tham gia cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên chức, các cấp Công đoàn Bưu điện đã thực sự là tổ chức gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động. Đây là bước phát triển kế tiếp truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của Công đoàn, của người cán bộ Bưu điện qua các thời kỳ lịch sử, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức của Ngành vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam |
|
|
|