Tìm kiếm:
ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM, LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2013 - 2018:
CÁC KỲ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN:
Đẩy mạnh các mặt hoạt động, thực hiện thắng lợi những định hướng và mục tiêu cơ bản của Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ VII
09:51' - 10/01/2013
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện lần thứ VII, Thông tư liên tịch của Tổng cục và Công đoàn Bưu điện Việt Nam, thi đua khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng thông tin là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp công đoàn trong Ngành. Trong chỉ đạo thực hiện, Ban Thường vụ Công đoàn Bưu điện xác định phải tiếp tục đưa cuộc vận động “Phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân viên chức, đấu tranh chống tiêu cực, đảm bảo chất lượng thông tin Bưu điện” đi vào chiều sâu, tránh hình thức, bám sát tình hình cụ thể từng đơn vị để đưa ra nội dung, hình thức thi đua phù hợp; kết hợp cuộc vận động với các phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, thực hiện mục tiêu: “chất lượng thông tin - hiệu quả kinh tế” và “chất lượng thông tin - năng suất lao động - hiệu quả kinh tế”, đồng thời thường xuyên phát động các đợt thi đua cao điểm, ngắn hạn, lập thành tích chào mừng các sự kiện quan trọng của đất nước và của Ngành.


Từ quan điểm chỉ đạo đó, các cấp Công đoàn đã cùng với chuyên môn đẩy mạnh phong trào ký giao ước thi đua tới từng tổ Công đoàn, đến nhóm và người lao động. Nội dung chính của giao ước thi đua giữa các tập thể là “Xây dựng người Bưu điện có tinh thần trách nhiệm cao, ý thức phục vụ tốt, kỷ luật sản xuất nghiêm”. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đội ngũ công nhân viên chức thực hiện 4 chế độ làm chủ tập thể: lao động với nhiệt tình cách mạng, ý thức tự giác cao, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ; có tính tổ chức kỷ luật và tinh thần hợp tác toàn mạng lưới; có tinh thần đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực bảo vệ và giữ gìn tài sản của Nhà nước, của nhân dân, giữ gìn bí mật thông tin; tích cực học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật nghiệp vụ và quản lý, cần kiệm và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong lao động và đời sống.

Hưởng ứng cuộc vận động, phong trào thi đua liên kết, ký giao ước thi đua diễn ra sôi nổi giữa các trung tâm đầu mối thông tin, giữa các đơn vị trong khối công nghiệp, khối xây dựng cơ bản, 3 tỉnh Tây Nguyên, 9 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, 7 tỉnh ven biển miền Trung, 6 tỉnh biên giới và các trường đào tạo trong Ngành. Từ phong trào chung, hầu hết các Công đoàn Bưu điện tỉnh, thành, nhà máy, xí nghiệp, công ty, trường học... đã tiến hành ký giao ước thi đua giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành có liên quan. Tính đến cuối năm 1982, toàn Tổng cục đã có 12 khối ký giao ước thi đua. Nhiều Công đoàn cơ sở sau khi ký giao ước thi đua đã vận động từ 85 đến 95% công nhân viên chức và 95% tập thể đăng ký thi đua với những nội dung, biện pháp cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu là Bưu điện Phú Khánh đơn vị dẫn đầu toàn Ngành, năm 1983 được nhận Cờ luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng, vinh dự đón đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm.

Nhằm phát huy tinh thần làm chủ tập thể của đội ngũ công nhân viên chức, Công đoàn các cấp đã chú trọng chỉ đạo thực hiện các hội nghị công nhân viên chức ký hợp đồng tập thể. Qua Hội nghị, công đoàn tập hợp, phân loại các kiến nghị của quần chúng đề đạt với chuyên môn giải quyết thoả đáng những vướng mắc trong quá trình quản lý và sản xuất cũng như trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Từ sự bàn bạc dân chủ, công khai trong các hội nghị, Công đoàn đã tích cực khai thác trí tuệ, sáng tạo, tiềm năng sẵn có của cán bộ công nhân viên chức, qua đó nâng cao hơn chất lượng lao động, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.

Kết quả đạt được của phong trào phản ánh trên những mặt cơ bản sau:

Đối với bộ phận điện chính, Công đoàn vận động cán bộ công nhân viên tích cực tham gia xây dựng mạng theo hướng nâng cao chất lượng thông tin, hiệu quả kinh tế.  Để tạo ra sự đổi mới, chuyển biến, tiến bộ rõ rệt trên các phương diện hoạt động sản xuất kinh doanh, Công đoàn các cấp hướng phong trào vào các nội dung: tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo khai thác triệt để mọi tiềm năng hiện có của Ngành và tranh thủ mọi khả năng hợp tác, giúp đỡ quốc tế; vận động cán bộ công nhân viên tích cực tham gia thực hiện phương châm: “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để mở rộng đa dạng hoá nguồn đầu tư; tham mưu với chuyên môn rút bớt một số công trình chưa thật cấp bách, tập trung đầu tư đồng bộ, kết hợp giữa xây dựng và cải tạo mạng lưới; vận động cán bộ công nhân viên đảm bảo tiến độ cho mỗi công trình từ khâu khảo sát đến thiết kế, thi công,... Trong từng khâu, việc phát huy cao độ mối liên kết tập thể thực hiện kế hoạch tiến độ, chú trọng kiểm tra chất lượng từng khâu công việc luôn được coi trọng... Tinh thần hiệp đồng tập thể đã giúp đội ngũ cán bộ công nhân viên Bưu điện cùng nhau khắc phục khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Phương châm “tự lực, tự cường” được đề cao trong việc tận dụng tối đa mạng lưới sẵn có và thiết bị tồn kho, vừa sửa chữa, phục hồi thiết bị cũ, vừa xây dựng mới, một loạt công trình, tuyến thông tin quan trọng, tiêu biểu như: công trình cáp đồng trục Hà Nội - Hải Phòng, Công đoàn các đơn vị tham gia thi công đã tích cực hỗ trợ chuyên môn động viên, tổ chức cán bộ công nhân viên khắc phục khó khăn từ khâu thiết kế đến thi công, nỗ lực học tập kỹ thuật được chuyển giao từ các chuyên gia Pháp, đặc biệt là vượt qua trở ngại trong mưa lũ khi thi công qua 12 con sông, hoàn thành công trình vượt kế hoạch tiến độ quy định 6 tháng; trên tuyến trục Bắc - Nam, công trình thông tin hữu tuyến 1A dù phải thi công trong điều kiện thiếu thốn về vật tư, thiết bị nhưng với nỗ lực cao độ của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, công trình được thi công tập trung, dứt điểm, hoàn chỉnh từng phần theo hình thức “chiến dịch”, sớm đấu nối thông tuyến Hà Nội - Đà Nẵng - Qui Nhơn; Công trình tuyến cáp thông tin đối xứng Hà Nội - Quảng Ninh trong quá trình thi công, đội ngũ cán bộ công nhân của Ngành đã vượt khó khăn, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các chuyên gia Liên Xô đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Đối với công tác phục vụ thông tin biên giới, Công đoàn các đơn vị hữu tuyến, vô tuyến đã tích cực phối hợp với chuyên môn động viên cán bộ công nhân viên nâng cao chất lượng Đài duyên hải, phát triển các đường hữu tuyến giữa Bưu điện với hệ thống thông tin của quân sự, tích cực bảo dưỡng vận hành dây máy, tận dụng trang thiết bị, tổ chức đấu nối, sắp xếp hệ thống thông tin cho phù hợp tình hình. Do đó, mạng thông tin ở các tỉnh biên giới và duyên hải phía Bắc đã từng bước tăng cường, phương thức liên lạc vi ba đã hỗ trợ tích cực cho thông tin hữu tuyến1.

ở phía Nam, Công đoàn các cấp tập trung vận động cán bộ công nhân viên phát huy vai trò làm chủ tập thể nâng cao năng lực thông tin cả chiều rộng và chiều sâu, phân bố hợp lý các chùm kênh thông tin, bố trí thêm hệ thống tổng đài trung tâm miền tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tận dụng tổng đài điện thoại tự động XY-5000 số của chế độ cũ; tuyến vi ba STS được giao về Trung tâm Viễn thông III quản lý, đồng thời được Tổng cục cung cấp một số lượng lớn linh kiện thay thế nên chất lượng, lưu lượng khai thác được nâng lên. Từ các biện pháp mở rộng về mạng lưới và tăng cường thiết bị, hiệu suất sử dụng của mạng lưới không ngừng tăng lên1.

Với các công trình mở rộng liên lạc quốc tế: Công đoàn đã cùng với chuyên môn tham gia tích cực vào việc phát triển hệ thống đường liên lạc quốc tế cả bưu và điện với Liên Xô và Cộng hoà Dân chủ Đức, từ đó quá giang thông tin đi nước khác. Các kênh thông tin điện báo, điện thoại liên tục phát triển.

Một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến chất lượng thông tin, chất lượng phục vụ và việc thực hiện kế hoạch của Ngành là tệ cắt trộm và phá hoại đường dây thông tin3. Để khắc phục khó khăn, giải quyết những hiện tượng tiêu cực, bảo vệ mạng lưới thông tin, Công đoàn Bưu điện đẩy mạnh cuộc vận động phát huy tinh thần làm chủ tập thể, bảo vệ mạng lưới thông tin, phát động phong trào: “Chống cắt phá đường dây thông tin” trong toàn Ngành. Đồng thời, các cấp Công đoàn đã phối hợp với các tổ chức Công đoàn tỉnh, thành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các đơn vị quân đội, các tổ chức văn hoá xã hội... tổ chức các cuộc toạ đàm tìm biện pháp khắc phục, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực này. Nhờ đó đã giảm hẳn tình trạng mất trộm đường dây, khắc phục cơ bản các sự cố thông tin1.

Cùng với các biện pháp nêu trên, Công đoàn các bộ phận bảo vệ, bảo dưỡng đường dây quan tâm động viên anh em khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng khắc phục các sự cố, đảm bảo thông tin. Điển hình là Đội dây máy 133 của Trung tâm Viễn thông I (quản lý địa bàn Bình Trị Thiên). Mặc dù phương tiện thiếu thốn, chủ yếu là xe đạp, xăm lốp thay thế ít ỏi, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, công nhân đường dây đã khắc phục mọi khó khăn, thậm chí phải đi bộ nhiều ngày trên những địa hình phức tạp để nối lại mạch thông tin liên lạc. Quá trình khắc phục sự cố phải giành giật từng giây từng phút, giải quyết hàng loạt khó khăn. Nhờ những nỗ lực trong bảo đảm thông tin, Đội dây máy 113 đã vinh dự trở thành lá cờ đầu trong khối thông tin hữu tuyến.  

Các ban nữ công và đội ngũ nữ công nhân viên chức trở thành điển hình trong phong trào thi đua tiết kiệm. Phụ nữ Bưu điện đã đề cao ý thức tiết kiệm, sử dụng hợp lý giờ lao động, tiền vốn, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình để giảm bớt khó khăn trong sản xuất và đời sống. Nhân các ngày kỷ niệm 8-3 hoặc 20-10 chị em ở nhiều đơn vị khai thác đã tổ chức thu nhặt vật liệu, tiết kiệm ấn phẩm. Chị em các đơn vị xây lắp, sản xuất công nghiệp cố gắng tiết kiệm vật tư, phế liệu, phế thải, cải tiến và nâng cao hiệu suất máy móc thiết bị.

Trên cơ sở phong trào “chống tiêu cực, nâng cao chất lượng thông tin”, Công đoàn các đơn vị đã nâng lên và phát động thành phong trào “Hội truyền thống chất lượng thông tin”, nội dung chủ yếu là phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Phát huy truyền thống của Ngành, trên những công trình xây dựng, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã nêu những tấm gương sáng về lao động, sáng tạo, tự thiết kế, thi công nhiều công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp như công trình thông tin hữu tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Minh Hải, công trình cáp đồng trục Hà Nội - Hải Phòng, công trình điện thoại tự động XY 5000 số của Bưu điện Hà Nội... Nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến như đề tài cải tiến nâng cao hiệu suất sử dụng đường dây nội tỉnh Hà Bắc, Lạng Sơn; đề tài mở rộng trung kế Bờ Hồ - Do Lễ, bán dẫn hoá Jerrold, áp dụng hệ bán tự động đường dài và liên tỉnh, khôi phục máy phát TMC 10kw, 2 ăngten trám dựng chung trên một dàn cột,... đã bám sát và khắc phục kịp thời những bức xúc nảy sinh trong quá trình vận hành mạng lưới thông tin. Trong hai năm 1981, 1982, toàn Ngành đăng ký 2.975 sáng kiến, xét thưởng 2.802 sáng kiến và có 2.756 sáng kiến được áp dụng2. Hầu hết các sáng kiến được áp dụng vào sản xuất và quản lý, góp phần làm lợi cho Ngành và Nhà nước 4.968.400 đồng. Các đơn vị tiêu biểu cho phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong 2 năm 1981, 1982 là Trung tâm Viễn thông I, Công ty Vật tư Bưu điện, Công ty Công trình I, Công ty Công trình II, Xí nghiệp Bê tông, Xưởng sửa chữa Thiết bị Đà Nẵng, Viện Thiết kế, Vụ Bưu chính, Vụ Điện chính.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội V của Đảng và Nghị quyết 32 (khoá V) của Bộ Chính trị về chính sách khoa học kỹ thuật, các cấp Công đoàn tăng cường vận động cán bộ công nhân viên đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; kết hợp chặt chẽ giữa khoa học - kỹ thuật với khoa học tổ chức, khoa học quản lý, khoa học kinh tế, khoa học xã hội; hướng cách mạng khoa học kỹ thuật bưu điện vào đổi mới kỹ thuật từ địa phương, cơ sở, triệt để phát huy thế mạnh của Ngành.

Bám sát các mục tiêu trên, các cấp Công đoàn đã phối hợp có hiệu quả với chuyên môn, kịp thời động viên đội ngũ cán bộ công nhân viên tham gia tích cực vào phong trào nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Trong tiến hành, Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học kỹ thuật. Kế hoạch nghiên cứu khoa học đã được triển khai từ cơ sở dựa trên kết quả kiểm tra các chỉ tiêu chủ yếu; kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện kế hoạch khoa học kỹ thuật với hình thức ký kết hợp đồng giữa cơ quan nghiên cứu với cơ sở sản xuất kinh doanh. Với những biện pháp phù hợp, phong trào thi đua đã thực sự thu hút được sự tham gia của đông đảo công nhân viên chức, đem lại những kết quả vượt trội. Năm 1981, toàn Ngành triển khai thực hiện được 55 đề tài nghiên cứu và 138 đề tài áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ. Nhiều đề tài đã thực hiện tốt mục tiêu gắn kết giữa khoa học và kinh tế như đề tài quy phạm kỹ thuật an toàn lao động trong xây dựng cơ bản, đề tài áp dụng máy tính điện tử vào sản xuất và quản lý. Đặc biệt, năm 1982, cán bộ công nhân viên toàn Ngành tập trung xây dựng 5 chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khối bưu chính cũng được đẩy mạnh. Đề tài mẫu nhà bưu điện huyện; tổ chức lại dây chuyền sản xuất ngoại dịch; cải tạo dây chuyền sản xuất tại các bưu cục đã góp phần nâng cao chất lượng khai thác, tránh ứ đọng, mất mát bưu phẩm; một số công cụ, phương tiện được cải tiến kỹ thuật và đưa vào sử dụng như các loại xe bưu chính, chốt buộc túi thư, thùng thư mở đáy,... góp phần nâng cao hiệu quả lao động.

Đội ngũ cán bộ công nhân viên khối sản xuất công nghiệp thông tin từ năm 1981 đến năm 1983 đã hoàn thành 24 đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, trong đó có 2 đề tài thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước mã số 48.04. Ngay trong năm 1983, đề tài trọng điểm nghiên cứu nâng cao chất lượng và mở rộng sản xuất vật liệu từ đã được triển khai vào sản xuất bột Ferit với công suất 100 tấn/năm. Từ vật liệu mới này, hàng chục sản phẩm đã ra đời như: các loại loa công suất lớn, nam châm hợp kim 4 cực làm đèn đinamô, chế thử Ferit dùng cho tải ba,... được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về chất lượng và khả năng ứng dụng. Thành tựu khoa học này góp phần quan trọng vào việc giảm bớt khó khăn thiếu thốn về thiết bị, mở ra năng lực xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phục vụ thông tin cho ngành Bưu điện.   

Từ giữa năm 1981, Tổng cục Bưu điện triển khai thực hiện Nghị quyết 25/CP và 26/CP (1-1981) của Hội đồng Chính phủ về xoá bỏ hành chính bao cấp, phát huy quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở1. Để góp phần chuẩn bị cho quá trình triển khai trên diện rộng các bước đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trên, Công đoàn Bưu điện tích cực hỗ trợ Tổng cục chỉ đạo thực hiện thí điểm tại Bưu điện Hải Hưng và Bưu điện Hải Phòng. Công tác cải tiến quản lý sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thực hiện chế độ khoán sản phẩm đến người lao động được thực hiện, trong đó vai trò quan trọng của Công đoàn được phát huy, vừa hướng dẫn, vừa vận động cán bộ công nhân viên thực hiện. Qua bước đầu thực hiện đã có những tác động tích cực, trách nhiệm của người lao động trong công việc được nâng cao hơn. Nghị quyết số 32 của Trung ương Đảng và Nghị định số 390-CP về kiện toàn bộ máy tổ chức cấp cơ sở được Công đoàn phối hợp với chuyên môn triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của Ngành. Hầu hết các đơn vị trong Ngành đã xây dựng được nội quy công tác, bộ máy tổ chức quản lý được tinh giản, hiệu lực quản lý nâng lên. Tiêu biểu như Bưu điện Hải Phòng đã thành công trong việc sắp xếp bộ máy tổ chức quản lý, giảm tỷ lệ gián tiếp từ 14% xuống 8%. Năm 1982, Công đoàn Bưu điện tham mưu cùng Ngành xây dựng phương án kiện toàn tổ chức quản lý toàn Ngành trong kế hoạch 5 năm (1981-1985), góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bưu điện trong những bước đi tiếp theo1.

Hướng về cơ sở, công tác đổi mới quản lý giai đoạn này chú trọng nhiều đến củng cố tuyến huyện và xã. Thực hiện chủ trương xây dựng cấp huyện của Đảng, Chỉ thị 110 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường cán bộ cho huyện, Công đoàn đã hỗ trợ chuyên môn xây dựng phương án kiện toàn Bưu điện huyện trong giai đoạn 1982-1985. Nội dung chính là sắp xếp lại tổ chức quản lý, phân cấp mở rộng quyền hạn cho Bưu điện huyện. Công tác điều động và luân chuyển cán bộ cũng được tăng cường cho tuyến huyện1; xây dựng và củng cố trạm bưu điện xã, thiết lập bưu cục xã; động viên, hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho trưởng trạm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động2.

Quá trình đổi mới cơ chế quản lý đặt ra vấn đề sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế. Công đoàn đã cùng với Tổng cục triển khai thực hiện phương án bỏ cấp phòng trong 7 Vụ, thành lập các tổ công tác để cán bộ, chuyên viên trực tiếp làm việc với lãnh đạo Vụ, bỏ qua cấp trung gian. Với các trường hợp trong diện giảm biên chế, Công đoàn một mặt nắm bắt tâm tư nguyện vọng của anh chị em, giải thích chế độ chính sách, mặt khác tham mưu với chuyên môn các phương án phù hợp, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước và của Ngành đối với người lao động. Do đó, dù số lượng giảm biên chế nhiều, diễn ra trong thời gian ngắn nhưng tình hình tư tưởng của cá nhân và đơn vị đều ổn định, công việc tiến hành suôn sẻ1.

Công đoàn các đơn vị Bưu chính đã tích cực hỗ trợ, tham mưu với chuyên môn tổ chức hợp lý hoá quản lý từ khâu khai thác đến khâu vận chuyển, xây dựng dây chuyền khai thác bưu phẩm, bưu kiện theo hướng liên hoàn, phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các công đoạn, đảm bảo chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện kịp thời, tránh thất thoát. Việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát nghiệp vụ của Công đoàn cũng được chú trọng hơn. Tháng 11-1982, theo Nghị định số 186/HĐBT “Điều lệ phát hành báo chí” chính thức được ban hành. Để góp phần tăng cường vai trò quản lý hành chính kinh tế của Tổng cục Bưu điện theo quan điểm chỉ đạo của Điều lệ, Công đoàn Bưu điện đã tham mưu tích cực trên 6 nội dung: giúp Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức phát hành báo chí trên phạm vi cả nước và nước ngoài; nghiên cứu, góp ý kiến với Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách và phát hành báo chí; phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng chỉ tiêu thời gian báo chí từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan phát hành báo chí, tổ chức tốt việc mua bán báo tới nhân dân; bảo đảm quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của người lao động trong mua và đọc báo chí; thanh toán đầy đủ và kịp thời kinh phí mua báo chí với các cơ quan xuất bản theo quy định của Nhà nước.  

Trong công tác chăm lo đời sống, Công đoàn Bưu điện Trung ương đã chủ động nghiên cứu, hỗ trợ chuyên môn vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của cấp trên để từng bước cải thiện đời sống cho người lao động. Trên cơ sở định hướng về công tác đổi mới quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm theo các Nghị quyết 25/CP, 26/CP của Hội đồng Chính phủ, Thông tư số 09 của Bộ Lao động, Công đoàn Bưu điện đã phối hợp với chuyên môn tiến hành chỉ đạo thực hiện điểm ở Bưu điện Hải Hưng, Bưu điện Hải Phòng về khoán chi phí sản xuất, trả lương khoán và tiền thưởng cho công nhân viên chức. Qua thí điểm, đã xác định được hình thức trả lương thích hợp với khối nghiệp vụ Bưu điện, đó là“Lương khoán khối lượng và nhiệm vụ có thưởng cho tập thể”. Đến năm 1982, khối thông tin đã có 44/46 đơn vị thực hiện chế độ trả lương theo hình thức mới. Việc thực hiện chế độ phân phối theo tư duy mới đã góp phần nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, ý thức trách nhiệm, tổ chức kỷ luật, tinh thần tự chủ sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong sản xuất và kinh doanh. Số ngày công có ích trong tháng ở các đơn vị tăng từ 15-20 ngày lên 25- 26 ngày, giờ công có ích tăng từ 4-5 giờ lên 6-7 giờ trong ngày, chế độ thủ tục, nghiệp vụ quy trình, quy phạm được thực hiện tốt hơn, ý thức bảo vệ tài sản, vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu có nhiều chuyển biến tích cực1. Bên cạnh việc triển khai chế độ lương khoán, thưởng từ quỹ lương, các cấp Công đoàn đã tích cực phối hợp với chuyên môn nâng phụ cấp lưu động cho công nhân xây dựng và sửa chữa đường dây, chuyển chế độ phụ cấp của giao thông, bưu tá theo chế độ khoán kilômét, chuyển chức danh nhân viên sản xuất thành chức danh công nhân sản xuất bưu điện và hưởng phụ cấp 15% lương cấp bậc mới. Từ năm 1982, Công đoàn tham gia tích cực cùng với chuyên môn xây dựng hệ thống 13 chức danh và tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân Bưu điện. Đến năm 1983, toàn Ngành đã có 1.663 công nhân thuộc 4 chức danh khai thác bưu điện thi theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật mới. Công tác xây dựng danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức được đẩy mạnh và thực hiện có kết quả tốt, ngành Bưu điện đã được Chính phủ chọn là một trong 4 ngành và địa phương thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm chung. 

Bám sát nội dung Thông tư Liên bộ số 08, công tác bảo hộ lao động được đẩy mạnh với hình thức thi đua đăng ký đơn vị an toàn lao động và nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ sở trong Ngành. Năm 1982, toàn Ngành có 48/56 đơn vị đăng ký, qua kiểm tra xét chọn có 18 đơn vị xuất sắc, 15 đơn vị đạt tiêu chuẩn khá.

Tiếp tục thực hiện Quyết định 1266 của Ban Thư ký Tổng Công đoàn và quán triệt Nghị quyết 7 của Ban Chấp hành Tổng Công đoàn, trong 2 năm (1981-1982), Công đoàn Bưu điện tập trung chỉ đạo chuyển hướng xây dựng tổ chức Công đoàn Bưu điện tỉnh, thành từ công đoàn cơ sở thành công đoàn ngành địa phương. Năm 1982, có 36/39 Công đoàn Bưu điện tỉnh, thành thực hiện được nhiệm vụ này, nâng số lượng Công đoàn cơ sở trong Ngành lên 394 đơn vị. Thông qua công tác này, các Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện địa phương và Công đoàn cơ sở đều được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ trong các Ban Chấp hành hầu hết có kiến thức khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, có kinh nghiệm và khả năng vận động quần chúng1. Gắn với quá trình chuyển hướng về tổ chức, việc xây dựng quy chế hoạt động của ban chấp hành đã thực hiện được ở hầu hết các cơ sở, bám sát các hoạt động kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý. Sự phối hợp giữa Công đoàn Bưu điện với Liên hiệp công đoàn địa phương ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng gắn với thực tiễn, với cơ sở.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn được quan tâm hơn. Trong hai năm (1981-1982), đã tiến hành bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ cho 750 cán bộ công đoàn về phong trào thi đua, lao động tiền lương, xây dựng tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức Công đoàn phù hợp với nội dung từng ngành nghề.

Trong cơ cấu lao động của Ngành, tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 39%, ở các thành phố, Trung tâm khai thác có tỷ lệ nữ chiếm tới từ 49% đến 70%. Trong một số khâu sản xuất trọng yếu của Ngành, đội ngũ công nhân viên nữ chiếm tỷ lệ đa số như: giao dịch viên là 100%, điện thoại viên nữ 90%, khai thác bưu chính 90%, điện báo viên 70%. Lực lượng nữ làm công tác khoa học kỹ thuật của Ngành tính đến 1981 có tới 475 kỹ sư, chiếm 20% tổng số kỹ sư toàn Ngành... Trên cơ sở những thế mạnh đó, thông qua nhiều phong trào thi đua, các cấp Công đoàn đã tích cực hướng nội dung hoạt động của các tổ, ban nữ công vào cuộc vận động, giáo dục người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu chất lượng thông tin - năng suất lao động - hiệu quả kinh tế, giáo dục con ngoan, xây dựng gia đình văn hoá.

Về hoạt động quốc tế, trong 2 năm (1981-1982), Công đoàn Bưu điện đã cử 4 đoàn đại biểu đi nước ngoài: dự Hội nghị Công đoàn Bưu điện quốc tế tại Hungari về bảo vệ môi trường của người lao động trong điều kiện khoa học kỹ thuật thông tin phát triển; thăm hữu nghị chính thức Công đoàn Bưu điện Liên Xô; dự Đại hội Công đoàn viên chức quốc tế tại Tiệp Khắc; thi điện báo quốc tế tại Bungari. Ngoài ra, Công đoàn còn cử một số cán bộ công đoàn sang Liên Xô tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ công tác; năm 1983, lần đầu tiên ngành Bưu điện tham gia trực tiếp triển lãm tem quốc tế tại Băng Cốc (Thái Lan), bắt đầu hợp tác với Cu Ba để sản xuất và kinh doanh tem chơi. Qua các hoạt động quốc tế, Công đoàn Bưu điện Việt Nam không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào phong trào chung của công đoàn và công nhân quốc tế, mà còn góp phần vào thành tích hoạt động đối ngoại của đất nước trong bối cảnh chịu sự bao vây, cấm vận của các thế lực bên ngoài.

Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 Đại hội VII Công đoàn Bưu điện Việt Nam (10/01/2013)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá VII (1981-1983) (10/01/2013)
1
CÁC TIN KHÁC:
 Công đoàn Bưu Điện Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã qua 13 kỳ Đại hội (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam trước tháng 12/1957 (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá I (1957-1960) (07/11/2012)
 Đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội I Công đoàn Bưu điện VN (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá II (1960-1963) (05/12/2012)
 Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Đại hội lần thứ III Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam (11/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam khoá III (1963-1968) (11/12/2012)
 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá IV (1968-1973) (18/12/2012)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV (18/12/2012)
 Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá V (1973-1978) (18/12/2012)
 Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam (18/12/2012)
1 2 3
TIN ẢNH
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam