Tìm kiếm:
ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VIỆT NAM, LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2013 - 2018:
CÁC KỲ ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN BƯU ĐIỆN VN:
Nỗ lực thi đua cùng toàn Ngành thực hiện thành công Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I
10:58' - 10/01/2013
Muốn thúc đẩy phong trào công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I, ngoài trách nhiệm chung của toàn Ngành thì bản thân Công đoàn Bưu điện Việt Nam phải được tiếp tục đổi mới cả về tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động. Xác định rõ điều đó, Công đoàn Bưu điện Việt Nam được kiện toàn với việc tăng số lượng Thường vụ chuyên trách trực tiếp phụ trách và chỉ đạo các hoạt động chuyên đề; xây dựng  tiêu chuẩn và cơ cấu các uỷ viên Ban Chấp hành phụ trách các khu vực; tăng cường năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên viên thông qua đào tạo và đào tạo lại; thành lập ban chủ nhiệm để chỉ đạo các chương trình; hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp giữa các cấp, các đơn vị trong Ngành.
Sau khi ban hành quy chế về mối quan hệ phối hợp giữa lãnh đạo Tổng cục, Tổng Công ty với Ban Thường vụ Công đoàn Bưu điện, Ban Thường vụ khẩn trương chỉ đạo Công đoàn Bưu điện tỉnh/thành và các đơn vị trực thuộc xây dựng quy chế phối hợp làm việc giữa tổ chức Đảng, chuyên môn và các đoàn thể với Công đoàn. Quy chế phối hợp chỉ đạo giữa Công đoàn Bưu điện với Liên đoàn Lao động các địa phương cũng được bổ sung, sửa đổi phù hợp. Bộ máy chức năng thuộc Công đoàn Ngành đã được củng cố một bước. Các ban quần chúng được kiện toàn, đội ngũ cộng tác viên ở cả cấp ngành và cơ sở được tăng cường thêm về số lượng và chất lượng. Tám Ban chuyên đề được thành lập cuối năm 1993 đã phát huy tốt vai trò, chức năng tham mưu cho Ban Thường vụ và Ban Chấp hành. Trung tâm Quản lý công trình phúc lợi Bưu điện đã giúp Ban Chấp hành và lãnh đạo Ngành triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ nhà ở và quản lý các công trình phúc lợi. Công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn qua thực tiễn hoạt động được tăng cường, qua các lớp học tại trường Công đoàn hoặc các đợt bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, 50% số cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, ngoài ra còn mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách, từng bước được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn. Nhờ đó đội ngũ cán bộ công đoàn ngày càng được nâng cao năng lực, trình độ và yên tâm gắn bó lâu dài với sự nghiệp công đoàn. Ngày 16-2-1994, Tổ nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong ngành Bưu điện được thành lập1, với nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng đề án tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ các cấp công đoàn trong Ngành phù hợp với yêu cầu, tình hình mới.

Công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá X hướng trọng tâm vào xây dựng công đoàn cơ sở cấp huyện/thị, công ty, công đoàn bộ phận và tổ công đoàn đạt tiêu chuẩn vững mạnh. Hàng năm có trên 70% công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở đạt tiêu chuẩn công đoàn vững mạnh, trong đó trên 50% đạt công đoàn vững mạnh xuất sắc. Đặc biệt, công đoàn khu vực trong toàn Ngành duy trì tốt nề nếp sinh hoạt, tổ chức các Câu lạc bộ Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn bàn các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn. Nhiều cụm Công đoàn qua thực tiễn công tác đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh trong sản xuất, công tác, hoạt động công đoàn; nhiều kinh nghiệm được trao đổi, học tập lẫn nhau. Cụm công đoàn còn nêu lên tiếng nói chung giữa giám đốc với chủ tịch công đoàn các đơn vị đề xuất với Ngành những vấn đề thiết yếu, cần được giải quyết.

Công đoàn Bưu điện đã cùng với lãnh đạo Tổng cục, Tổng Công ty thống nhất chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển Ngành theo hướng hiện đại hoá với công nghệ tiên tiến. Quan điểm phát triển đó đã định hướng cho hoạt động trung tâm của các cấp công đoàn nhằm vận động cán bộ công nhân viên chức tập trung sức lực, trí tuệ hiện đại hoá mạng lưới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phục vụ. Ngoài việc duy trì các phong trào đã có như “Người bưu điện giỏi”, “Chống chậm chống mất trên đường vận chuyển”, “Chống cắt phá đường dây thông tin”, “Chống ứ đọng điện thoại đường dài”,... Công đoàn Bưu điện luôn bám sát định hướng của cấp uỷ các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, với Đoàn Thanh niên phát động và tổ chức các phong trào thi đua hướng vào củng cố, hiện đại hoá nhanh mạng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, truyền báo, phủ sóng phát thanh truyền hình; vào khắc phục và tháo gỡ khó khăn về tiền vốn, về công nghệ, về lựa chọn và phát huy hiệu quả vốn đầu tư; vào thi đua liên kết giữa các nghiệp vụ và đơn vị trong Ngành, thực hành triệt để tiết kiệm v.v... Đồng thời phát động các đợt thi đua đột xuất, ngắn hạn nhằm động viên công nhân viên chức kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các công trình để nhanh chóng đưa vào khai thác. Các phong trào thi đua đã tạo nên khí thế sôi nổi, giúp gắn kết cuộc sống và công việc của người lao động, đồng thời động viên cán bộ, công nhân viên vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động.

Phong trào phát huy sáng kiến thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia, bám sát việc giải quyết trực tiếp những vấn đề sản xuất, kinh doanh, công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật,... Một số đơn vị như VTN, VTI, Bưu điện Hà Nội, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh,... mỗi năm đều có hàng trăm sáng kiến mang lại trị giá hàng trăm triệu đồng. Một số đề tài được ứng dụng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công lớn nhất là việc tìm tòi ứng dụng, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngày càng định hình như một phong cách, ý thức thường trực của số đông cán bộ, công nhân viên. Cuộc vận động thực hành tiết kiệm, giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh, không để tổn thất quá mức quy định,... đã trở nên phổ biến ở các đơn vị.

Quá trình hiện đại hoá mạng lưới không chỉ đòi hỏi nỗ lực của cán bộ công nhân viên trong việc học tập nâng cao trình độ để thiết lập, sử dụng và khai thác, mà còn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm quên mình vì công việc của cán bộ, công nhân viên làm công tác bảo vệ. Tinh thần “đứt dây như đứt ruột, gẫy cột như gẫy xương” của thời kỳ chiến tranh được phát huy trong hoàn cảnh mới, dù hình ảnh “dây” và “cột” đã được thay thế bằng các tuyến cáp quang và đường truyền dẫn viba hiện đại. Công đoàn tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ công nhân viên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương tìm biện pháp cụ thể bảo vệ trạm máy, các tuyến cáp quang. Các chương trình sinh hoạt chính trị, thông báo tình hình an ninh Tổ quốc được thường xuyên tổ chức, qua đó nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm, cảnh giác, kịp thời phát hiện những nghi vấn và tìm ra hướng xử lý. Đã có chiến sĩ tuần tra bảo vệ cáp quang dũng cảm ôm chặt lấy gầu máy xúc đất của một đơn vị thi công khi thấy biểu hiện nguy hại cho tuyến cáp; đã có những cán bộ, công nhân không ngại hy sinh khi đương đầu với bọn tội phạm để bảo vệ trạm viba.

Nỗ lực của cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã mang lại những kết quả khá ngoạn mục trong hoàn thiện số hoá mạng lưới cả về truyền dẫn và chuyển mạch, mở rộng dung lượng, tốc độ và độ an toàn của mạng. Đến cuối 1993, 53/53 tỉnh/ thành phố của cả nước đã có thể quay số tự động trực tiếp gọi điện thoại tới mọi miền đất nước và mọi quốc gia trên thế giới. Đây là điều kiện không thể thiếu của mạng viễn thông hiện đại, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn và tương hợp với trình độ quốc tế để từ đó tạo khả năng mở mang nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Năm đầu tiên của Kế hoạch tăng tốc đã được khởi động đầy ấn tượng. Tự động hoá, số hoá hoàn toàn mạng lưới viễn thông liên tỉnh là một mốc lịch sử trọng đại của Ngành trên con đường hiện đại hoá. Đây là kết quả tất yếu từ những nỗ lực phi thường của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện; là sản phẩm của tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của lãnh đạo Ngành trong hoạch định hướng đi, tìm kiếm phương châm, lộ trình phù hợp cho quá trình phát triển; là thành quả và minh chứng tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Trong những năm 1994-1995, Ngành tiếp tục hoàn thành các tuyến vươn đảo, các tuyến miền núi, vùng cao biên giới trọng điểm, chủ yếu bằng hệ thống vi ba số và tổng đài điện tử. Đây là những địa bàn trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng phục vụ an ninh, quốc phòng. Tại đây, cán bộ công nhân viên đã vượt qua mọi khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật thường xuyên rình rập, nguyên vật liệu vận chuyển hết sức gian nan để hoàn thành các công trình đúng tiến độ. Cuối năm 1995, toàn bộ 188 huyện miền núi, vùng cao đã có điện thoại. Ngày 30-4-1995, ngành Bưu điện tổ chức kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc với sự kiện phương thức viba băng rộng được thông tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Đặc biệt, hệ thống đồng hồ đồng bộ quốc gia chính thức hoàn thành vào tháng 7-1995, là một mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hoá mạng lưới và quản lý kỹ thuật, cập nhật với công nghệ thế giới. Những công trình đó đã tạo ra biến đổi lớn cả về lượng và chất của mạng lưới viễn thông, cả về năng lực và chất lượng, truyền dẫn và chuyển mạch. Báo cáo tổng kết công tác của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông năm 1995 đã khẳng định: “Toàn bộ mạng lưới viễn thông đã được hoàn toàn đổi mới với công nghệ tiếp cận và hoà nhập với các nước đã phát triển, năng lực phục vụ thông tin không những đã đáp ứng kịp thời các nhu cầu thông tin của xã hội mà còn chuẩn bị một phần năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn sau”.

Không chỉ quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, Công đoàn Bưu điện còn rất coi trọng giáo dục chính trị - tư tưởng cho công nhân viên chức bằng nhiều hình thức phong phú, trước hết là tăng cường giáo dục pháp luật, hướng dẫn các chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động mà Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp nhà nước... đã chế định. Cơ chế quản lý về lao động, tiền lương, kế hoạch, tài chính,... cũng được Công đoàn phối hợp với chuyên môn xây dựng cụ thể để làm căn cứ cho người lao động tham gia quản lý. Vai trò của Công đoàn trong giám sát thi thành luật pháp được tăng cường, không để xảy ra những việc làm trái với quy định, không có lợi cho người lao động.

Công đoàn Bưu điện phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá các luật và những chỉ đạo của Tổng Liên đoàn về tổ chức đại hội công nhân viên chức. Hàng năm, nhiều đơn vị đã tổ chức được đại hội 2 cấp (đơn vị và cơ sở). Nội dung đại hội tập trung bàn và quyết định những vấn đề chủ yếu như: sản xuất kinh doanh; tham gia xây dựng các qui chế nội bộ; tập hợp và giải đáp các kiến nghị của công nhân viên chức; bỏ phiếu góp ý đối với trưởng, phó đơn vị và kế toán trưởng v.v... Nhiều hội nghị chuyên đề, hội thảo, toạ đàm được tiến hành để cán bộ, công nhân viên nêu nguyện vọng và các ý kiến đóng góp với chuyên môn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, đổi mới tổ chức bộ máy và xây dựng điều chỉnh các quy trình, quy chế. ý kiến của người lao động được tập hợp, nghiên cứu, rồi từ đó Công đoàn tham gia thiết thực với chuyên môn tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc về cơ chế như công tác tổ chức, huy động và quay vòng vốn, giá cước bưu điện, thuế, khấu hao cơ bản, nhất là cơ chế tiền lương để tạo điều kiện cho việc thực hiện kế hoạch tăng tốc phát triển thông tin Bưu điện; tham gia sáng kiến xây dựng Luật Bưu điện, triển khai chính sách lao động, cải cách chế độ tiền lương...

Càng đổi mới cơ chế, ổn định tổ chức, phát triển công nghệ, mở rộng mạng lưới và các phương thức kinh doanh dịch vụ, nhu cầu khách quan càng đặt ra đòi hỏi phải hình thành đồng bộ các quy trình, quy chế. Thực hiện những yêu cầu này, ngoài yếu tố quản lý thì vai trò của cán bộ, công nhân viên là rất quan trọng, không thể thay thế. Công đoàn đã tham gia sâu rộng, hiệu quả vào công tác quản lý, bằng việc phối hợp cùng chuyên môn soạn thảo và thực hiện các quy trình, quy chế. Hầu hết các đơn vị đã xây dựng được các quy trình, quy chế về mối quan hệ giữa các đơn vị, với các đơn vị bên ngoài; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể, gắn quyền lợi với trách nhiệm của từng đơn vị, đặc biệt là trong quản lý xây dựng cơ bản, quản lý và điều hành mạng lưới, tuyển dụng lao động, đề bạt cán bộ, phân phối thu nhập, khen thưởng - kỷ luật... Việc xây dựng quy chế luôn bám sát thực tiễn, coi trọng thu nhận ý kiến tham gia đóng góp của người lao động trong quá trình soạn thảo nên được mọi người tự giác thực hiện. Các quy chế, quy định đã nâng cao trách nhiệm và ý thức của người lao động, tạo nên tính đồng bộ, khoa học trong hoạt động của đơn vị, giảm nhẹ áp lực quản lý cho ban lãnh đạo và tạo bước chuyển lớn trong công tác quản lý.

Hoạt động của Công đoàn Bưu điện các cấp trong quá trình thực hiện Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I đã góp phần cùng toàn Ngành tiếp tục đổi mới quan điểm về chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, thực hiện các chính sách xã hội trong Ngành. Từ đề xuất của Công đoàn, lãnh đạo các đơn vị nhận thức rõ việc chăm lo đời sống cho người lao động không đơn thuần thực hiện chế độ chính sách mà còn là một quan điểm quản lý vì nó có tác dụng gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với lợi ích thiết thực của mỗi người lao động; làm cho mọi người toàn tâm toàn ý với đơn vị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, từ đó hạn chế các biểu hiện tiêu cực. Phương châm Người Bưu điện sống bằng nghề bưu điện, Để mọi người sống được với đồng lương của mình không chỉ là ý chí của lãnh đạo các cấp, mà còn được toàn thể cán bộ, công nhân viên Bưu điện đồng tình, tích cực hưởng ứng và quyết tâm thực hiện.

Tiếp tục triển khai và chỉ đạo thực hiện các chính sách xã hội của Ngành theo Chương trình BĐ05, Ban Thường vụ Công đoàn Bưu điện đã chỉ đạo các bộ phận chức năng nghiên cứu ban hành chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ miền xuôi công tác lâu năm ở miền núi, hải đảo; chính sách trợ cấp nghỉ việc theo Quyết định 176/HĐBT và tạo việc làm cho con em công nhân viên chức; cơ chế quản lý các nhà nghỉ và chế độ nghỉ ngơi của công nhân viên chức; chính sách đối với công nhân viên chức nghỉ hưu;...

Mạng lưới phát triển với tốc độ cao và công nghệ tiên tiến đã đưa đến sự tăng nhanh các dịch vụ mới, phạm vi phục vụ được mở rộng... nhờ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Do vậy mà trong thời gian này, ngành Bưu điện đổi mới công nghệ với tốc độ nhanh, toàn diện, trên qui mô toàn mạng lưới, song về cơ bản không để xảy ra tình trạng người lao động bị mất việc làm. Đời sống cán bộ công nhân viên không ngừng được cải thiện. Thu nhập của người lao động những năm 1993-1995 bình quân tăng 30%, nhìn chung đã tiếp cận được nhu cầu khá của xã hội; đạo đức nghề nghiệp và văn minh phục vụ có nhiều tiến bộ, một số tiêu cực trước đây bị đẩy lùi, uy tín của Ngành được nâng cao. Đặc biệt, sự chênh lệch thu nhập giữa các khối giảm dần, thu nhập của khối sự nghiệp được nâng lên bằng với khối thông tin. Kết quả đó thực sự có ý nghĩa xã hội sâu sắc, là một thành công nổi bật trong hoạt động của Công đoàn Bưu điện Việt Nam.

Đặt con người vào yếu tố trung tâm và xác định nguồn nhân lực là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi mọi nhiệm vụ, ngay từ khi triển khai Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I, Ngành và Công đoàn Bưu điện đã chú ý chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng phong cách sống có văn hoá, giàu tình nghĩa cho người Bưu điện xã hội chủ nghĩa. Quán triệt định hướng của Hội nghị Trung ương 4, khoá VII của Đảng về phát triển con người toàn diện và để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Kế hoạch tăng tốc, ngày 10-1-1993, Tổng Cục Bưu điện và Công đoàn Bưu điện ra Chỉ thị liên tịch 02/CT-LT về xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên chức ngành Bưu điện giai đoạn 1993-1995. Đây là co s? d? các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân viên chức ở cấp mình, đồng thời xây dựng các quy chế thích hợp để động viên đông đảo công nhân viên chức học tập phấn đấu thực hiện vượt mức các mục tiêu đào tạo đã đề ra. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đi trước một bước trong quá trình phát triển mạng lưới và đổi mới kỹ thuật không chỉ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao mà còn có ý nghĩa tái sử dụng nguồn nhân lực vốn đã gắn bó với Ngành trong nhiều năm tháng khó khăn trước đó. Mục tiêu xuyên suốt mọi hoạt động của Công đoàn Bưu điện là Nâng cao chất lượng đội ngũ hiện tại, chuẩn bị tốt cho tương lai và sống nghĩa tình với những người đi trước. Mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ hiện tại được các cấp công đoàn quán triệt trên cả 4 mặt: trí - đức - thể - mỹ. Vừa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ vừa giáo dục nâng cao nhân cách người bưu điện, giáo dục về quan điểm, lối sống, hướng tới cái thiện, cái đẹp và nâng cao sức khoẻ.

Ngay sau Đại hội X Công đoàn Bưu điện Việt Nam, Công đoàn Bưu điện các cấp đã tổ chức nhiều đợt tập huấn ngắn ngày, mở hội nghị, hội thi chuyên đề và thông qua hoạt động thực tiễn để vận động công nhân viên chức nhanh chóng đổi mới thái độ phục vụ và ý thức kinh doanh, đặc biệt là kiến thức về marketing, chấp hành tốt kỷ cương, quy trình, quy phạm, thủ tục nghiệp vụ trong quản lý và sản xuất kinh doanh. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao theo cụm, theo khu vực và tại cơ sở được tổ chức có kết quả. Bằng các hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng như sinh hoạt câu lạc bộ, nghe nói chuyện chuyên đề, xem phim ảnh... đã làm cho công tác tuyên truyền vận động có sức thuyết phục và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Những nơi cán bộ công nhân viên sống phân tán, lưu động trên núi cao, xa xôi hẻo lánh... được trang bị máy thu thanh, thu hình, báo chí, giúp họ nắm được các chủ trương, chính sách, pháp luật; các quan điểm, lập trường cách mạng; yêu ngành, yêu nghề, nỗ lực phấn đấu cao hơn. Nội dung tuyên truyền vận động hướng vào việc giúp cho công nhân viên chức hiểu biết sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Công đoàn; hiểu biết về tình hình kinh tế - xã hội; truyền thống tốt đẹp của đất nước và của Ngành; trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Xây dựng niềm tin và lập trường kiên định đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Ngoài ra, Công đoàn các cấp còn chú trọng vận động công nhân viên chức đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống mọi âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ an toàn cơ sở vật chất kỹ thuật của Ngành; giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống; giữ gìn sự đoàn kết và ổn định nội bộ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể từ cơ sở đến Ngành ngày càng vững mạnh.

Chỉ thị liên tịch 02/CT-LT ngày 10-1-1993 ban hành đúng vào thời điểm toàn Ngành thực hiện Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I (1993-1995) được cán bộ công nhân viên ủng hộ mạnh mẽ và biến thành ý thức tự giác, sôi nổi học tập với khí thế Người người đi học; cùng với nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc đa dạng, phù hợp với trình độ, điều kiện của nhiều đối tượng; đưa số cán bộ công nhân viên được học tập đạt tỷ lệ cao: năm 1993 đạt 34,6%, năm 1994 đạt 50%, năm 1995 đạt 53%. Công đoàn tham gia cùng với chuyên môn định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; chú ý cả đào tạo và đào tạo lại, kết hợp với bồi dưỡng kiến thức công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực lâu dài và bồi dưỡng đáp ứng những yêu cầu trước mắt. Kết hợp với công tác đào tạo bồi dưỡng là công tác tuyển dụng, theo sát định hướng phát triển nguồn nhân lực của Ngành hàng năm, hình thành và công khai các tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng; phối hợp với chuyên môn nghiên cứu, bổ sung sửa đổi các chế độ chính sách bất hợp lý để động viên, khuyến khích và thu hút nhân tài.

Các hội thi do Công đoàn tổ chức với nội dung phong phú, đa dạng như Giao dịch viên duyên dáng và kinh doanh giỏi, Cửa hàng trưởng giỏi, Giáo viên giỏi, Sáng tạo kỹ thuật và đổi mới quản lý, Phát thư tận tuỵ, Người lái xe giỏi, Nữ tài năng, “Giám đốc công ty giỏi”, “Trưởng bưu điện huyện giỏi”, “Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi”, Nụ cười 888 (ở Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh), phong trào Dạ tôi nghe (ở Bưu điện Hải Hưng),... trở thành những lớp học thực tế sinh động, bồi dưỡng năng lực, rèn luyện tác phong, thái độ phục vụ của nhân viên bưu điện ngày một tốt hơn; đồng thời giúp công nhân viên chức củng cố và nâng cao kiến thức về công tác tổ chức, quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ, những hiểu biết về công tác công đoàn, công tác nữ công, xây dựng tình yêu nghề nghiệp và tình cảm gắn bó với Ngành, phát huy truyền thống của công nhân viên chức ngành Bưu điện “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình”. Các khối công nghiệp, xây lắp, thương mại dù bươn chải trong cơ chế thị trường nhiều khó khăn, khắc nghiệt, song đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sản phẩm công nghiệp đã đáp ứng được 10 - 30% cho mạng lưới, lĩnh vực xây lắp có nhiều đóng góp vào việc hoàn thành khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của Ngành. Việc kinh doanh các sản phẩm chuyên ngành ngày càng phải cạnh tranh gay gắt, song cán bộ công nhân viên làm công tác vật tư, xuất nhập khẩu, cung tiêu… đã vượt mọi khó khăn góp phần tốt vào kết quả phát triển chung của Ngành.

Để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực kế cận trong tương lai, Ngành và Công đoàn Bưu điện đã quyết định thành lập Quỹ khuyến khích tài năng trẻ. Mục đích của Quỹ là tạo điều kiện động viên tinh thần, vật chất cho lao động trẻ  tài năng và con cán bộ công nhân viên học giỏi, có khả năng phát triển. Chỉ trong thời gian ngắn, Quỹ đã phát triển được 45 chi nhánh, thưởng cho con cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện học giỏi, có thành tích xuất sắc, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. 58 đơn vị xây dựng được cơ chế thưởng cho các cháu học giỏi, với 8.600 cháu là con cán bộ công nhân viên trong Ngành và trên 300 cháu ngoài xã hội cũng được nhận thưởng từ  Quỹ này.

Những kết quả đạt được trong xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên chức trên thực tế đã khẳng định vai trò của Công đoàn Bưu điện trong thực hiện chiến lược về con người của Ngành.

Với đạo lý và phương châm của người Bưu điện: “Sống nghĩa tình với những người đi trước”, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách nội bộ đã ban hành, Công đoàn Bưu điện còn ban hành nhiều chính sách xã hội khác như Đi tìm hài cốt đồng đội, Xây tặng nhà tình nghĩa, Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện khác cũng được coi trọng như: ủng hộ đồng bào bị lũ lụt nặng; tặng quà các địa chỉ nhân đạo (trẻ mồ côi, bị nhiễm chất độc màu da cam, tuổi già không nơi nương tựa), các trại thương binh, quỹ xóa đói giảm nghèo của xã hội. Chính sách xã hội của Ngành đề cao tính cộng đồng và lòng nhân ái, không chỉ làm cho người lao động gần gũi, gắn bó với nhau trong tình cảm và công việc mà còn tham gia xây dựng phong cách, bản sắc của Ngành trong nhận thức của xã hội. Nghĩa tình dần được vun đắp và định hình như một thuộc tính, một giá trị nhân văn của ngành Bưu điện, Công đoàn Bưu điện và trong mỗi cán bộ công nhân viên Bưu điện Việt Nam.

Hoạt động nữ công có nhiều cải tiến về hình thức và đổi mới nội dung. Nhờ tổ chức chỉ đạo có hiệu quả các cuộc vận động của Tổng Liên đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động như: cuộc vận động hạn chế trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; phụ nữ giúp nhau học tập nâng cao trình độ và làm kinh tế gia đình; thực hiện tốt kế hoạch hoá dân số và phòng chống HIV/AIDS; tổng kết phong trào “hai giỏi” toàn Ngành và phát động phong trào mới nhằm động viên đông đảo nữ cán bộ công nhân viên chức đóng góp nhiều hơn nữa sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp đổi mới của Ngành.

Thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch đối với Việt Nam từng bước bị gỡ bỏ đã tạo thuận lợi cho Ngành hội nhập nói chung và Công đoàn Bưu điện Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế nói riêng. Nét mới trong hoạt động quốc tế của Công đoàn Bưu điện thời gian này là đã tổ chức được đoàn cán bộ công nhân viên đi tham quan học tập nhiều nước mà trước đây chúng ta chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao, trước hết là các nước trong khu vực. Những cuộc tiếp xúc, giao lưu đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn ngành nghề và đóng góp vào sự phát triển của đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và các nước. Qua mở rộng đối ngoại giữa Công đoàn Bưu điện Việt Nam và công đoàn bưu điện các nước không chỉ có ý nghĩa chia sẻ kinh nghiệm mà còn giúp nhau hiểu hơn về những đặc thù của tổ chức và hoạt động công đoàn ở mỗi nước, từ đó vận dụng kinh nghiệm hợp lý để bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động.

Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam
 
CÁC TIN LIÊN QUAN:
 Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ X (10/01/2013)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá X (1993-1998) (10/01/2013)
 Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I của ngành Bưu điện và những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động Công đoàn (10/01/2013)
 Kết quả đạt được của Công đoàn Bưu điện Việt Nam sau 10 năm cùng đất nước và toàn Ngành tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I (10/01/2013)
1
CÁC TIN KHÁC:
 Công đoàn Bưu Điện Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đã qua 13 kỳ Đại hội (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam trước tháng 12/1957 (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Bưu điện Việt Nam (07/11/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá I (1957-1960) (07/11/2012)
 Đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội I Công đoàn Bưu điện VN (07/11/2012)
 Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá II (1960-1963) (05/12/2012)
 Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Bưu điện Việt Nam (05/12/2012)
 Đại hội lần thứ III Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam (11/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện và Truyền thanh Việt Nam khoá III (1963-1968) (11/12/2012)
 Đại hội lần thứ IV Công đoàn Bưu điện Việt Nam (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá IV (1968-1973) (18/12/2012)
 Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu điện Việt Nam khóa IV (18/12/2012)
 Đại hội đại biểu Công đoàn Bưu điện Việt Nam lần thứ V (18/12/2012)
 Ban Chấp hành Công đoàn Bưu điện Việt Nam khoá V (1973-1978) (18/12/2012)
 Tham gia khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin miền Bắc, từng bước mở rộng vào miền Nam (18/12/2012)
1 2 3
TIN ẢNH
Các đại biểu dự Đại hội I Công đoàn Bưu điện Việt Nam