Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I của ngành Bưu điện và những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động Công đoàn 10:31' - 10/01/2013 Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới đã đạt những thành tựu bước đầu quan trọng, nhiều rào cản của cơ chế bao cấp từng bước được gỡ bỏ, các yếu tố tiềm năng được tạo dựng trong kế hoạch tạo đà trước đây đã bắt đầu bộc lộ và chuyển hoá thành nguồn lực cho quá trình tăng tốc. Sự cấm vận của các thế lực thù địch đối với Việt Nam bị phá vỡ từng bước, cho phép dần hội nhập vào đời sống kinh tế quốc tế, trong đó có hội nhập lĩnh vực thông tin bưu điện. Thành tựu khoa học và công nghệ thông tin trên thế giới có bước phát triển nhảy vọt, tạo cơ hội để đi tắt, đón đầu những công nghệ tiên tiến, bỏ qua công nghệ trung gian. Hoà bình, hợp tác trở thành xu thế, tạo ra điều kiện khách quan cho hợp tác giữa bưu điện Việt Nam với bưu điện các nước trên thế giới. Quá trình đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, hiện đại hoá mạng lưới và công nghệ, tăng cường năng lực đội ngũ,... đã bắt đầu phát huy tác dụng, tạo khí thế phấn khởi hơn trong cán bộ công nhân viên chức toàn Ngành. Thuận lợi là rất cơ bản, nhưng đất nước nói chung và ngành Bưu điện nói riêng cũng phải đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là tình trạng quan liêu, tham nhũng trong xã hội; cơ chế, chính sách vẫn chưa đồng bộ, thậm chí có mặt còn hạn chế đến sự phát triển sức sản xuất, cản trở người lao động phát huy quyền làm chủ trong cơ chế quản lý kinh tế mới... So với yêu cầu phát triển mới, trình độ của đội ngũ còn không ít bất cập, đồng thời cơ chế thị trường đang ở giai đoạn sơ khai với những ngoại ứng tiêu cực của nó cũng tác động không nhỏ đến tâm lý, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, công nhân viên chức.
Trên cơ sở đánh giá vai trò và thành tựu đã đạt được của ngành Bưu điện, xuất phát từ sự phân tích xu thế phát triển của thế giới và dự báo nhu cầu của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) đã chỉ ra mục tiêu tổng quát và định hướng lớn của ngành Bưu điện trong 5 năm (1991-1995) là: “Hiện đại hoá và nâng cao năng lực bưu điện quốc tế và trong nước, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt đến nông thôn, miền núi, hải đảo; chú trọng xây dựng công nghiệp sản xuất thiết bị bưu điện”.
Thực hiện các định hướng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã vạch ra, Ngành đã tạo được những nền tảng quan trọng bao gồm từ đổi mới tổ chức đến cơ chế quản lý, từ hiện đại hoá mạng lưới đến công nghệ và đúc kết được những kinh nghiệm ban đầu rất quan trọng về hiện đại hoá mạng theo hướng số hoá. Đồng thời với đổi mới công nghệ, trang thiết bị, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hoá, tự động hoá, phát triển đa dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, Ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực vào quá trình thiết lập đồng bộ thị trường, thực hiện chương trình “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nhân viên chức bưu điện” nhằm mục tiêu tăng cường năng lực, lòng nhiệt tình và trách nhiệm công tác, truyền thống nghĩa tình của ngành Bưu điện.
Sau quá trình chuẩn bị các yếu tố tạo đà, với những chuyển biến quan trọng cả về cơ chế quản lý và tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ và nguồn lực con người, ngành Bưu điện đã quyết định thực hiện Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I với nội dung chủ yếu là đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng bưu chính viễn thông và tiếp cận dần trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Nhằm đảm bảo Kế hoạch tăng tốc vận hành đồng bộ, ngày 2-11-1992, Tổng Cục Bưu điện và Công đoàn Bưu điện ban hành Chỉ thị số 01/CT-LT về việc vận động công nhân viên chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch tăng tốc phát triển thông tin - bưu điện 1993-1995.
Về phía Công đoàn Bưu điện, sau 10 năm cùng cả nước và Ngành tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, tổ chức và hoạt động đã có những chuyển biến quan trọng. Nhất là sau khi được phân cấp quản lý trực tiếp các công đoàn bưu điện các tỉnh/thành, bước đầu hình thành cơ chế phân cấp với các đơn vị trực thuộc và cơ chế phối hợp với chuyên môn và các đoàn thể phù hợp với đặc điểm tình hình. Công tác thi đua tiếp tục được đẩy mạnh với hình thức và nội dung bám sát công cuộc đổi mới. Công đoàn đã phối hợp tích cực, đồng hành cùng chuyên môn bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của người lao động, tăng cường tham gia công tác quản lý, đóng góp với chuyên môn nhiều ý kiến thiết thực để hợp lý hoá sản xuất và tăng cường quản lý. Công đoàn đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc xây dựng đội ngũ, nhất là về chính trị tư tưởng. Đặc biệt, Công đoàn đã tìm ra hướng đi thích hợp, kịp thời chuyển hoạt động lấy việc chăm lo và bảo vệ lợi ích của người lao động làm chức năng trung tâm, đổi mới phương thức hoạt động công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, những kinh nghiệm lịch sử được chung đúc, những thuận lợi được thừa hưởng từ thành quả chung của sự nghiệp đổi mới,... Công đoàn Bưu điện cũng đối diện với những vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi phải tập trung nhiều tâm lực, trí lực với sức mạnh tổng hợp mới có thể xử lý thành công, thúc đẩy phong trào công nhân viên chức Bưu điện phát triển:
Một là, bất cập giữa yêu cầu giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất của người lao động phục vụ Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I với những rào cản của cơ chế quản lý kinh tế trong ngành Bưu điện chưa được đổi mới đồng bộ, toàn diện, triệt để. Các nghị quyết của Đảng, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Ngành đều nói đến yêu cầu xử lý hài hoà ba lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, nhưng đảm bảo sự hài hoà này trên thực tế lại không dễ dàng. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong những năm đầu vẫn chưa đủ mức độ, liều lượng giúp người lao động thật sự làm chủ xí nghiệp trên ba quan hệ sở hữu, phân phối và quản lý để rồi từ đó gắn bó trách nhiệm với xí nghiệp, nhà máy. Đây là một vấn đề không chỉ xuất phát từ mục tiêu xây dựng nền dân chủ xã hội được cụ thể hoá ở ngay từng đơn vị sản xuất, đơn vị công tác, mà còn là nhu cầu tự thân của bản thân Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I. Tăng tốc chỉ đạt được khi mỗi người lao động thật sự có ý thức tự giác về quyền làm chủ của mình ở mỗi đơn vị cơ sở, mà quyền làm chủ ấy phải được thể chế hoá bằng những lợi ích trực tiếp trên tất cả các mặt sở hữu, phân phối và quản lý. Chỉ trên cơ sở đó mới động viên được tối đa sức mạnh vốn có, phát huy tinh thần lao động sáng tạo của người lao động để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như đẩy lùi các tiêu cực còn tồn tại trong hệ thống quản lý vốn còn không ít nhược điểm.
Hai là, bất cập giữa yêu cầu tăng tốc với trình độ, năng lực có giới hạn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Nói tới tăng tốc trước hết là đẩy nhanh tốc độ phát triển khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực điện tử, tin học, tự động, số hoá,... gắn với nó phải có một đội ngũ kỹ sư, nhà quản lý thích ứng. Song Ngành lại đối diện với một thực trạng là đội ngũ cán bộ công nhân viên do tồn nghi của lịch sử để lại rất khó có khả năng vươn lên thích ứng, còn đội ngũ cán bộ mới chưa được đào tạo xứng tầm và thiếu những cơ chế phát huy, động viên, sử dụng tài năng. Điều đó đặt ra trách nhiệm nặng nề cho Công đoàn Bưu điện trong chăm lo đời sống, quyền lợi của người lao động không chỉ ở quan tâm các lợi ích vật chất trước mắt, mà cơ bản hơn là tăng cường các điều kiện để người lao động có khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ được chuyển giao, đủ năng lực quản lý và cũng nhờ đó đảm bảo việc làm và đời sống bền vững. Đây là cách cụ thể hoá rõ nét nhất về quyền làm chủ của người lao động trong cơ chế mới, trước hết là làm chủ quá trình quản lý và giải pháp công nghệ mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi Công đoàn Bưu điện Việt Nam phải có những chuyển hướng mạnh mẽ về nội dung và phương thức chăm lo quyền lợi cho người lao động, không chỉ giải quyết sinh kế hàng ngày, mà phải phối hợp với chuyên môn và doanh nghiệp xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, trọng dụng và thu hút nhân tài, động viên sức mạnh nội sinh của công nhân viên chức toàn Ngành.
Ba là, bất cập giữa yêu cầu rất to lớn của phong trào công nhân viên chức đặt ra trong kế hoạch tăng tốc với những hạn chế về phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Nhìn trên tổng thể, nhiều mặt định hướng lý luận về tổ chức và hoạt động của công đoàn trước cơ chế mới còn lúng túng, nhất là mối quan hệ giữa tôn trọng quyền độc lập tương đối của công đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động với đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, giữa tôn trọng quyền tham gia quản lý của công đoàn với đảm bảo quyền tự chủ phương án sản xuất kinh doanh của chuyên môn; giữa đảm bảo quyền của công đoàn tham gia phân phối và kiểm tra, giám sát kết quả sản xuất kinh doanh với đảm bảo quyền tự chủ về tài chính của giám đốc doanh nghiệp... Bất cập cơ chế quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh Ngành Bưu điện còn thể hiện ở việc chưa phân tách được các sản phẩm công ích với sản phẩm thương mại và điều này dẫn tới những lúng túng trong lựa chọn mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của công đoàn gắn với một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đặc thù.
Bốn là, bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ của công đoàn ngày càng nặng nề, cơ chế tham gia giải quyết giữa các bên ngày càng phức tạp hơn, nhưng trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn có giới hạn. Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, công đoàn vẫn chưa tìm ra hướng đi thích hợp tạo động lực cho cán bộ công đoàn phấn đấu, gắn bó với nghề; thiếu quy hoạch đồng bộ cùng với các chính sách, giải pháp hiệu quả để lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ cán bộ công đoàn. Đội ngũ cán bộ công đoàn mặc dù rất nỗ lực trong hoạt động, công tác, nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Trong khi đó, trí tuệ, năng lực và tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn quyết định đến chất lượng chiều sâu và vai trò, sức mạnh trước chủ sử dụng lao động và nhờ đó tạo nên quyền lực riêng trong cơ cấu tay ba nhà nước - chủ sử dụng lao động - người lao động để bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vấn đề này ngày càng đặt ra gay gắt khi cơ chế thị trường định hình, quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được xác lập, bên cạnh đưa lại điều kiện cho việc giải phóng tiềm năng, thế mạnh của người lao động thì cũng xuất hiện nguy cơ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm hại ở nơi này hay nơi khác, mức độ này hay mức độ khác, mà phải có một đội ngũ cán độ công đoàn đủ hiểu biết luật pháp, cơ chế quản lý kinh tế và cả trình độ chuyên môn mới đủ sức bảo vệ.
Năm là, bất cập giữa động viên phong trào công nhân viên chức vì mục tiêu trước mắt với quan tâm đến lợi ích cơ bản, lâu dài. Tăng tốc phát triển không có mục đích nào khác vì dân cường, nước thịnh, thực hiện thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa. Song đối diện với nhiều khó khăn của đời sống, tác động tiêu cực từ xã hội, ảnh hưởng từ những diễn biến bất lợi của bối cảnh quốc tế,... đã làm cho một bộ phận đội ngũ công nhân viên chức chỉ chú ý đến sinh kế hàng ngày mà lãng quên sự giác ngộ chính trị, trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với vận mệnh và tiền đồ của giai cấp, của dân tộc. Vì vậy, trách nhiệm của Công đoàn không chỉ động viên tinh thần lao động sản xuất, mà còn phải định hướng lý tưởng đúng đắn cho người lao động trong Kế hoạch tăng tốc. Chỉ trên cơ sở đó mới đảm bảo sự tăng tốc trước mắt và lâu dài, đưa công nhân viên chức ngành Bưu điện có vị trí xứng đáng trong quá trình chuyển dần sang công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
Giải quyết những bất cập nêu trên là động lực nội sinh cho sự phát triển của phong trào công nhân viên chức Bưu điện Việt Nam. Thấu hiểu rõ quy luật vận động của thực tiễn, bước vào Kế hoạch tăng tốc giai đoạn I, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang, khắc phục những khó khăn, thúc đẩy phong trào công nhân viên chức đáp ứng được đòi hỏi của Ngành, của đất nước.
Theo Lịch sử Công đoàn Bưu điện Việt Nam |